23/08/2016 - 21:05

Quyết tâm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014, môi trường đầu tư, kinh doanh tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL được cải thiện rõ nét, tạo nhiều thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong đăng ký kinh doanh và thành lập doanh nghiệp. Phòng đăng ký kinh doanh (ĐKKD) và cơ quan chức năng tại các địa phương vùng ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực trong đổi mới hoạt động để nâng cao hiệu quả phục vụ và đem đến ngày càng nhiều sự tiện lợi cho người dân.

* Phục vụ người dân tốt hơn

Theo bà Phan Thị Vân Anh, Phó Trưởng phòng ĐKKD, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014 có nhiều điểm mới, tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp so với Luật Doanh nghiệp 2005. Đáng chú ý là thời gian cấp giấy đăng ký doanh nghiệp đã được rút ngắn từ 5 ngày làm việc xuống còn 3 ngày. Các loại hình công ty TNHH một thành viên và công ty cổ phần được giảm vốn điều lệ và nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần. Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp…

Thời gian qua, TP Cần Thơ luôn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong ảnh: Hoạt động chế biến gạo xuất khẩu tại một doanh nghiệp TP Cần Thơ. Ảnh: ANH KHOA 

Từ ngày 1-7-2015, Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực thi hành với nhiều đổi mới quan trọng, đánh dấu một mốc mới trong quá trình tự do kinh doanh ở nước ta khi doanh nghiệp được trao quyền tự chủ nhiều hơn và quy trình thực hiện các hồ sơ thủ tục được điều chỉnh, rút ngắn. Theo đánh giá của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, dù gặp một số khó khăn nhất định nhưng nhìn chung các luật đã bắt đầu phát huy lợi ít, tạo nhiều thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong ĐKKD, nhất là khi các phòng ĐKKD và cơ quan chức năng địa phương tích cực đổi mới hoạt động để nâng cao hiệu quả phục vụ người dân. Nhìn chung, kết quả đăng ký doanh nghiệp và đăng ký đầu tư vùng ĐBSCL đã có bước phát triển đáng kể khi có sự gia tăng cả về số lượng doanh nghiệp đăng ký mới và vốn đăng ký. Song song đó, công tác quản lý của cơ quan đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư cũng dần đi vào ổn định. Đặc biệt, thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp không chỉ được rút ngắn từ 5 ngày xuống còn 3 ngày làm việc theo quy định mà nhiều địa phương còn mạnh dạn áp dụng các quy trình để rút ngắn hơn nữa xuống chỉ còn 1-2 ngày làm việc.

Ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau, cho biết: "Từ khi Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực, áp lực công việc cần phải xử lý tại các Phòng ĐKKD tại các địa phương gia tăng đáng kế do phải rút ngắn thời gian làm thủ tục. Với tinh thần đẩy mạnh cải các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, Cà Mau đã mạnh dạn áp dụng các biện pháp rút thời gian cấp đăng ký doanh nghiệp từ 5 ngày xuống chỉ còn 2 ngày đối với cấp mới và chỉ 1 ngày đối với cấp giấy thay đổi. Đáng mừng là thời gain qua, Cà Mau thường hoàn thành hồ sơ thủ tục sớm hơn theo quy định và không để trễ hẹn với người dân". Ông Nguyễn Phú Quốc, Trưởng phòng ĐKKD, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang, cho biết: "An Giang đã mạnh dạn xây dựng và thực hiện đạt kế hoạch rút ngắn thời gian cấp giấy đăng ký doanh nghiệp từ 5 ngày trước đây xuống chỉ còn 1 ngày làm việc (8 giờ) dù biên chế của Phòng ĐKKD giảm. Kết quả này không chỉ nhờ sự quyết tâm, nỗ lực cao của các cán bộ, nhân viên Phòng ĐKKD, mà còn có sự phối hợp tốt của các sở ngành và địa phương có liên quan trong tỉnh".

* Để môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ vừa phối hợp với các tỉnh ĐBSCL và Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Hội nghị giao ban công tác đăng ký kinh doanh các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL lần 7 năm 2016, với chủ đề "Một năm triển khai Luật doanh nghiệp 2014 và Luật đầu tư năm 2014 khu vực ĐBSCL". Ông Trương Quốc Trạng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho biết: Việc triển khai Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014 đã mang lại những hiệu quả thiết thực nhưng vẫn nhiều khó khăn mà các doanh nghiệp và đơn vị quản lý đăng ký kinh doanh còn gặp phải, cần phải được giải quyết. Hội nghị giao ban công tác đăng ký kinh doanh các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL là dịp tốt để các địa phương, nhất là cán bộ - công nhân viên Phòng ĐKKD, Sở Kế hoạch và Đầu tư vùng ĐBSCL giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao hiệu quả hoạt động. Đồng thời, cũng là cơ hội cho các địa phương trực tiếp trao đổi, phản ánh những khó khăn để Cục Quản lý ĐKKD, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ tháo gỡ cũng như có các kiến nghị kịp thời về trên.

Theo đánh giá của Phòng ĐKKD các địa phương vùng ĐBSCL, hiện nay, trong quá trình hướng dẫn thủ tục cho doanh nghiệp còn phát sinh nhiều khó khăn cho người hướng dẫn. Nguyên nhân do một số vấn đề chưa được đề cập và chưa được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014 cũng như các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Do vậy phải chờ hướng dẫn của các bộ ngành làm mất thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Hiện nay, việc ĐKKD qua mạng internet tại nhiều địa phương cũng còn hạn chế, doanh nghiệp còn thiếu thông tin và chưa quan tâm nhiều. Trong khi đó, các thiết bị phục vụ công tác chuyên môi tại nhiều địa phương chưa đảm bảo tốt. Số lượng hồ sơ nhiều nhưng cán bộ thực hiện lưu trữ hiện nay chưa có đã ảnh hưởng đến công tác số hóa dữ liệu. Đặc biệt, công tác hậu kiểm và quản lý doanh nghiệp sau đăng ký cũng còn gặp nhiều khó khăn do chưa có sự phối hợp thật chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan từ Trung ương đến địa phương.

Ông Trương Văn Liếp, Trưởng phòng ĐKKD, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, cho rằng: "Các bộ ngành Trung ương và địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp nắm rõ các quy định mới về ĐKKD, đồng thời có giải pháp khuyến khích ĐKKD qua mạng để tiết kiệm thời gian. Đặc biệt, hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia cần tiếp tục được nâng cấp để kịp thời cung cấp các thông tin và đáp ứng các yêu cầu mới. Để quản lý tốt các doanh nghiệp sau đăng ký, các địa phương cần xây dựng quy chế phối hợp giữa các sở ngành và đơn vị có liên quan". Ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau, chỉ rõ: Luật Đầu tư 2014 có nhiều thông thoáng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng một số quy định và chế tài còn bất cập, khó cho cơ quan quản lý, nhất là quy định về việc thu hồi dự án của doanh nghiệp khi doanh nghiệp không triển khai hoặc làm không đúng tiến độ còn chưa rõ. Trong khi đó, Luật Đầu tư quy định thời gian xem xét cấp chủ trương cho doanh nghiệp là 25 ngày, nhưng thời gian gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định nhu cầu sử dụng đất hiện mất tới 30 ngày là bất cập cần sửa đổi trong các luật và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần sớm ban hành và chỉ đạo các bộ, ngành ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục liên quan đến hoạt động đầu tư, ĐKKD để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư về lĩnh vực đất đai, quy hoạch, xây dựng, môi trường và thương mại.

Bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ kịp thời có kiến nghị về Trung ương xem xét bổ sung, sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014 cho phù hợp cũng như kiến nghị cần có các quy định đồng bộ và thống nhất nhau khi ban hành, sửa đổi các Luật và văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Bà Trần Thị Hồng Minh cũng đánh giá cao nỗ lực của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL quan tâm tạo nhiều thuận lợi cho người dân trong khởi sự đăng ký kinh doanh và thành lập doanh nghiệp thời gian qua và đề nghị cần tiếp tục phát huy, đồng thời khẳng định Cục Quản lý đăng ký kinh doanh sẽ tiếp tục "sát cánh" cùng các địa phương trong tháo gỡ các khó khăn vướng mắc nhằm quyết tâm tạo môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi, thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp.

Khánh Trung

Chia sẻ bài viết