21/02/2018 - 10:07

Đồng bằng Sông Cửu Long

Quy hoạch, tái cơ cấu sản xuất lúa bền vững  

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm về sản xuất lương thực, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nông sản. Đó là nhờ Bộ ngành chức năng, các địa phương trong vùng tập trung chỉ đạo sản xuất, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế của vùng, sản xuất lúa đã đạt được mức tăng trưởng khá cao trong những năm gần đây... Tuy nhiên, để sản xuất lúa phát triển bền vững trong tương lai cũng cần sự đầu tư quy hoạch, tái cơ cấu sản xuất phù hợp của các địa phương trong vùng.

NÂNG CAO GIÁ TRỊ SẢN XUẤT

Sản xuất lúa theo mô hình liên kết cánh đồng lớn tại huyện Thới Lai, ứng dụng cơ giới vào sản xuất, thu hoạch. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tại khu vực ĐBSCL, lúa là cây trồng có lợi thế được đầu tư phát triển theo hướng thâm canh tăng năng suất, tăng chất lượng, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia và thế giới. Hằng năm, khu vực xuất khẩu 5-6 triệu tấn gạo với kim ngạch xuất khẩu từ 2-3 tỉ USD. Trong 5 năm qua (2012-2017), diện tích gieo trồng lúa trong vùng tăng khoảng 25 ngàn ha. Nhờ sử dụng giống mới, thực hiện kỹ thuật sản xuất “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, mô hình liên kết sản xuất theo “cánh đồng lớn”... nên năng suất lúa đã tăng trung bình từ 56,8 tạ/ha năm 2012 lên 59,6 tạ/ha năm 2017. Qua đó, sản lượng lúa của vùng tăng từ 23,269 triệu tấn năm 2012 lên 25,7 triệu tấn năm 2017 và tăng lợi nhuận cho người sản xuất...

Ở TP Cần Thơ, thời gian qua, mô hình phát triển cánh đồng lớn có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, năm 2017, mô hình này tiếp tục triển khai ở các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai... Huyện Cờ Đỏ là một trong những địa phương thực hiện mô hình trên tại 10/10 xã, thị trấn, với trên 13.000 hộ tham gia, tổng diện tích thực hiện trên 33.560ha, đạt 103% kế hoạch năm. Nông dân tham gia cánh đồng lớn được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 150 đồng/kg trở lên, góp phần tăng thêm lợi nhuận cho người sản xuất. Theo nhiều bà con ở Tổ cánh đồng lớn ấp Thới Hòa C, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, trước đây bà con trồng lúa rất lo về đầu ra sản phẩm, bởi đến mùa thu hoạch rộ giá lúa thường giảm mạnh, thậm chí có lúc bán không được. Nhưng nhiều năm nay, bà con rất an tâm về vấn đề đầu ra do tham gia mô hình cánh đồng lớn và được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường. Bên cạnh đó, sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn còn được áp dụng thực hiện các khâu liên kết trong sản xuất, làm đất, bơm tát nước tập thể, xuống giống tập trung đồng loạt đã giúp nông dân thuận lợi trong khâu cơ giới; doanh nghiệp cung cấp trực tiếp nhiều loại vật tư đầu vào nên nông dân có nhiều điều kiện giảm chi phí sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lúa và tăng thêm lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác.

Ông Nguyễn Văn Quốc, nông dân xã Thới Xuân, cho biết: “Nhiều năm nay tham gia cánh đồng lớn, sản xuất lúa của gia đình tôi được nhiều thuận lợi. Tôi thường xuyên được ngành chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao khoa học, cơ cấu lại cây trồng phù hợp thời vụ… Đặc biệt được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, cung cấp giống và các loại vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng trong sản xuất. Đến thời điểm thu hoạch lúa, doanh nghiệp bố trí người đến tận ruộng để thu mua lúa tươi với giá cao hơn bên ngoài thị trường, nhờ đó lợi nhuận thu được hơn 30 triệu đồng/ha”. 

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Theo Bộ NN&PTNT, tuy sản lượng lúa ở ĐBSCL gia tăng trong những năm gần đây, tuy nhiên quá trình sản xuất ở một số địa phương còn thiếu bền vững; vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường nông nghiệp nông thôn đang diễn ra và trở thành một vấn đề bức xúc; sản xuất nông nghiệp không theo quy hoạch, thiếu sự gắn kết giữa nhà nông với nhà doanh nghiệp; hình thức sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu vẫn còn diễn ra, làm cho khả năng ứng phó với dịch bệnh khó khăn... Do đó, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, nhất là lúa cần được các địa phương trong vùng thực hiện, nhằm đảm bảo sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường, an toàn sản phẩm và thích ứng biến đổi khí hậu.

Thực hiện khuyến cáo trên, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ vừa công bố Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2030. Theo đó, đề án nêu rõ: đến năm 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt bình quân từ 3,5%/năm trở lên. Cơ cấu giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đến năm 2020 là: nông nghiệp (67,1%) - lâm nghiệp (0,2%) - thủy sản (32.7%); cơ cấu trồng trọt - chăn nuôi - dịch vụ nông nghiệp là: trồng trọt (74,5%) - chăn nuôi (17,3%) - dịch vụ nông nghiệp (trên 8.2%). Giá trị sản lượng trên 1ha đất nông nghiệp theo giá so sánh năm 2010 đạt 115 triệu đồng và theo giá thực tế đạt 200 triệu đồng; cơ cấu lao động trong khu vực nông nghiệp (năm 2020) đạt từ 30%-35%; tỷ lệ tăng vốn đầu tư trong nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 đạt trung bình 17%/năm; phấn đấu 36 xã (100%) đạt tiêu chí xã nông thôn mới theo quy định và thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tăng gấp 2 lần năm 2015...

Giai đoạn 2021-2030: tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản phải đạt bình quân trên 2,5%/năm; tăng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2030 đạt 28% - 30% và tăng tỷ trọng dịch vụ nông nghiệp đến năm 2030 đạt 10% - 20%; giá trị sản lượng bình quân trên 1ha đất nông nghiệp theo giá so sánh năm 2010 đạt 135 -140 triệu đồng và theo giá thực tế đạt trên 400 triệu đồng; phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị trên cơ sở vận hành hiệu quả Trung tâm giống thủy sản cấp 1 Cần Thơ, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thành phố; củng cố và duy trì 100% xã đạt 100% tiêu chí về nông thôn mới.

Trong đó, TP Cần Thơ tập trung xây dựng vùng lúa chất lượng cao liên kết theo cánh đồng lớn. Đến năm 2020, diện tích đất lúa là 81.688ha, trong đó đất chuyên trồng lúa (cần được bảo vệ nghiêm ngặt) là 76.230ha;  mở rộng diện tích lúa liên kết theo cánh đồng lớn phải đạt bình quân 40.000ha/vụ. Song song đó, ngành nông nghiệp đẩy mạnh công tác ứng dụng, chuyển giao khoa học và kỹ thuật cho nông dân, các hợp tác xã trồng lúa; tập huấn, nâng cao ứng dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” vào sản xuất; xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP (đến năm 2018 đạt diện tích 2.000ha, đến năm 2020 đạt 3.000ha), vùng lúa nguyên liệu chất lượng cao; phấn đấu nâng tỷ lệ diện tích sử dụng giống lúa chất lượng cao từ 80% năm 2015 lên trên 95% năm 2020. Trong đó, tập trung xây dựng vùng sản xuất giống ở 4 huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và Phong Điền; nâng cao chất lượng, năng lực cơ sở sản xuất giống ở các vùng sản xuất lúa trọng điểm, xây dựng liên kết hợp tác trong hệ thống sản xuất cung ứng giống lúa 3 cấp của thành phố để đảm bảo nhu cầu sử dụng của địa phương và cung ứng cho các địa phương trong vùng ĐBSCL...

Tổng kinh phí dự toán cho đề án trên gần 388 tỉ đồng, bao gồm Ngân sách Trung ương, địa phương và nguồn vốn huy động từ các thành phần kinh tế, hộ dân... Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Dự án trên nhằm mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản. Đồng thời tập trung xây dựng ngành hàng hóa chủ lực, vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao, kết nối chuỗi giá trị sản xuất đến thị trường tiêu thụ; xây dựng nguồn giống cây trồng và vật nuôi chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp của thành phố và vùng ĐBSCL...”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết