02/02/2025 - 13:43

Huyền bí “thần rừng” giữa đại ngàn U Minh Hạ 

Giáp mặt, kịch chiến... rồi để lại sự tiếc nuối khi không có một hình ảnh chính thức nào và chuyện “thần rừng” ở U Minh Hạ lại thêm ly kỳ qua lời kể. Nhưng với những người tâm huyết với rừng, “thần rừng” cứ như lảng tránh càng khiến họ quyết tâm đi tìm lời giải...

“Thần rừng” qua lời kể

Ở vùng đất rừng U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau, chuyện rắn hổ mây khổng lồ không còn xa lạ. Từ lời kể của những thợ rừng từng chạm mặt, theo thời gian, rắn hổ mây khổng lồ dần đi vào huyền thoại và trở thành “thần rừng” lúc nào không hay. Kỹ sư lâm sinh Nguyễn Tấn Truyền, Trưởng phòng Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, cho biết, dân đi rừng thường sợ cá sấu và rắn. Có lẽ chính những lần “hụt chết” khi giáp mặt khiến họ suy tôn rắn thành “thần rừng” để phù hộ cho nghề của họ. Tuy nhiên, chính những câu chuyện kể từ những con người thật ấy góp phần khẳng định có một loài rắn khổng lồ đang trú ngụ tại rừng U Minh Hạ mà cư dân địa phương gọi là rắn hổ mây. Gần đây nhất là câu chuyện ông Lê Thanh Bình, một người đam mê câu cá ở TP Cà Mau, giáp mặt “thần rừng” khoảng 1 năm trước.

Vườn Quốc gia U Minh Hạ nhìn từ trên cao.

Sáng hôm ấy, ông Bình cùng những người bạn vào khu vực Chốt 23-100 trong Vườn Quốc gia U Minh Hạ câu cá. Hơn 10 giờ, điểm câu của ông Bình có chim bay dáo dác. Nghi có chuyện chẳng lành, ông quay xe trở lại điểm hẹn với nhóm bạn câu thì bất ngờ thấy “khúc cây” to hơn cây chuối, màu mốc, nằm vắt ngang con lộ trong khi lúc ông vô ngang con lộ này lại không có khúc cây nào. Ông Bình chạy xe từ từ đến gần định vượt qua nhưng bất ngờ “khúc cây” di chuyển, khoảng 3 phút sau thì chỉ còn chắn nửa phần con lộ. Ông Bình hoảng sợ quay đầu xe bỏ chạy, sau đó điện thoại cho bạn cảnh báo và cả nhóm nhanh chóng trở về nhà.

Những chuyện kể về “thần rừng” ở U Minh Hạ như chuyện của ông Bình hay của những thợ rừng từng giáp mặt trước đây đang được ông Truyền góp nhặt, ghi chép làm cơ sở để ông tìm kiếm “thần rừng” hơn 10 năm qua. “Có rất nhiều người, cả thợ rừng và cán bộ kiểm lâm đã gặp được rắn hổ mây khổng lồ. Như mùa khô đầu năm 2014, anh Ngô Văn Kháng, cán bộ quản lý, bảo vệ rừng U Minh Hạ, chạy xe về trụ sở kể với tôi và anh em cùng đơn vị rằng vừa gặp con rắn hổ mây khổng lồ to như cây cột đèn. Chúng tôi tức tốc chạy xe máy theo anh Kháng vào đúng địa điểm thấy rắn hổ mây, nằm sâu trong khu vực rừng tràm được bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt, nhưng rắn đã đi mất. Dấu tích còn lại là vết bò của một cái thân to lớn, cỏ sậy gãy và dạt ra hai bên còn rất mới” - ông Truyền kể.

Theo ông Truyền, sau những mùa chống cháy khắc nghiệt trong quá khứ, lực lượng kiểm lâm rừng đặc dụng Vồ Dơi, nay là Vườn Quốc gia U Minh Hạ, không còn tận mắt thấy rắn khổng lồ nữa. Tuy nhiên, khi xâu chuỗi lại các sự kiện từ trước đến nay, bản thân ông có niềm tin rất lớn là có “thần rừng” tại đại ngàn U Minh Hạ. “Vùng này còn có các thợ rừng lâu năm như ông Dân đã 2 lần giáp mặt rắn khổng lồ nên bỏ nghề. Rồi ông Tám Truyện từng chém rắn 40kg trong một lần đi rừng 30 năm trước, hay anh Võ Văn Vinh cũng 2 lần gặp rắn khổng lồ… Xâu chuỗi từ những câu chuyện đó giúp tôi có niềm tin về loài rắn khổng lồ đang trú ngụ trong rừng U Minh Hạ. Và nhiều khả năng có một cặp chứ không phải một con, bởi loài này thường sống theo cặp và thực tế đã có người bắt được con của “thần rừng” - ông Truyền nói.

Kỹ sư lâm sinh Nguyễn Tấn Truyền kiểm tra bẫy ảnh đặt trong Vườn Quốc gia U Minh Hạ.

​Hôm chúng tôi về rừng U Minh Hạ, cùng đi một vòng đến những khu vực được các thợ rừng kể từng giáp mặt “thần rừng”, chỉ tay vào một thiết bị điện tử gắn ven vạt rừng, ông Truyền nói: “Đó là “bảo bối” của tôi”. “Bảo bối” mà ông Truyền nói chính là những cái bẫy ảnh được đặt trong Vườn Quốc gia. Ông Truyền cho biết: “Chúng tôi đặt hàng chục camera hồng ngoại, ghi hình trắng đen rõ cả ban đêm, thêm 2 cái máy ảnh “xịn”, mỗi phát bấm chụp hàng chục tấm ảnh. Nếu may mắn, tôi và cộng sự sẽ có được ảnh hoặc những video clip của “thần rừng” để chứng minh với thế giới chuyện về rắn khổng lồ ở U Minh Hạ là có thật chứ không phải chỉ là lời kể...!”.

 

Quyết tìm lời giải

Từ khi rừng đặc dụng Vồ Dơi trở thành Vườn Quốc gia U Minh Hạ, có nhiều người nhiệt huyết đến với rừng, trân trọng giá trị của rừng, yêu rừng như hơi thở, trong đó có ông Truyền. Trong câu chuyện về “thần rừng” giữa đại ngàn U Minh Hạ, không ai quyết tâm tìm lời giải bằng ông Truyền.

Kỹ sư lâm sinh Nguyễn Tấn Truyền giới thiệu với du khách về Vườn Quốc gia U Minh Hạ.

Từng là nhân viên xét nghiệm, thầy giáo dạy toán, nhưng với tính hay khám phá, ông Truyền đến với rừng. Ban đầu là những cánh rừng ngập mặn ở Năm Căn (tỉnh Cà Mau), sau khi đã quá hiểu nơi đây và muốn tìm sự mới mẻ, năm 2009, ông Truyền xin chuyển công tác về  Vườn Quốc gia U Minh Hạ để một lần nữa tìm thử thách cho cuộc đời. Là cán bộ chuyên về nghiên cứu đa dạng sinh học, 15 năm qua, ông Truyền đã góp phần rất lớn vào nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Và cũng hơn 10 năm nay, dù không được phân công nhưng ông tự “giao” cho mình thêm nhiệm vụ mới, đó là sưu tầm, săn lùng tư liệu, hình ảnh về rắn hổ mây khổng lồ. Theo ông Truyền, cần phải có lời giải cụ thể về rắn hổ mây khổng lồ tại rừng U Minh Hạ, mà ở đây là hình ảnh. Rất nhiều thợ rừng trở về sau những lần giáp mặt nhưng không có hình ảnh, từ đó lại tạo thêm động lực để ông quyết tâm “săn” cho được “thần rừng”.

Không cần lật sổ ghi chép, ông Truyền kể vanh vách hàng loạt nhân vật từng chứng kiến hoặc lần vào tận nơi của loài rắn vẫn còn là huyền thoại này, như ông Hai Tây, Hai Sanh, Ba Hoàng, Mười Nhớt, Tư Nhớt, Ba Vinh, Mười Ngọc… “Các nhân vật này phần nhiều giỏi võ, là thầy bắt rắn và chữa rắn cắn hoặc là thợ rừng lão luyện, gắn bó gần cả đời ở miệt rừng U Minh Hạ. Các chú có cả kho chuyện về rắn khổng lồ ở xứ sở U Minh nhưng chỉ tiếc là tuổi đã quá cao, có người đã không còn trên cõi đời” - ông Truyền chia sẻ.

Mặc dù đã dành hơn chục năm để kiếm tìm nhưng đến nay ông Truyền vẫn chưa có cơ duyên gặp được “thần rừng”. Giờ đây khi được giao nhiệm vụ Trưởng phòng Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường, ông Truyền không chỉ là một cán bộ quản lý rừng thuần túy mà còn có vai trò nâng cao giá trị của rừng qua du lịch. “Du lịch và đa dạng sinh học gắn liền nhau. Để phát triển du lịch sinh thái phải bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển văn hóa bản địa, mà ở đây chính là các loài động thực vật, những chuyện kể dân gian về con người và vùng đất khá đặc biệt này. Do đó, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu về động thực vật, đặc biệt là quyết tâm phải có hình ảnh về rắn hổ mây khổng lồ. Hình ảnh là minh chứng sinh động nhất để “giải mã” huyền thoại “thần rừng” và là cơ sở để phục vụ nghiên cứu khoa học cũng như phát triển du lịch trong tương lai” - ông Truyền tâm sự.

Bài, ảnh: BÌNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết