09/01/2023 - 11:14

Quy định về hộ gia đình sử dụng đất: cần cụ thể, rõ ràng 

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân từ ngày 3-1-2023 đến ngày 15-3-2023, với nhiều nội dung. Trong đó, quy định hộ gia đình (HGÐ) sử dụng đất (SDÐ) được nhiều người dân quan tâm, có ý kiến đóng góp.

Người dân thực hiện giao dịch hồ sơ đăng ký quyền SDĐ tại Bộ phận Một cửa UBND phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt.

Khoản 29, Ðiều 3, Luật Ðất đai năm 2013, quy định: HGÐ SDÐ là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền SDÐ chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền SDÐ; nhận chuyển quyền SDÐ. Ông Lê Tấn Thiện, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Thới Lai, cho biết: “Theo quy định pháp luật hiện hành, giấy chứng nhận quyền SDÐ cấp cho HGÐ chỉ ghi tên của chủ HGÐ hoặc người đại diện là thành viên của HGÐ, nếu chủ hộ không có chung quyền SDÐ của hộ”.

Thực tế, thực hiện quy định về HGÐ SDÐ theo quy định hiện hành đã và đang phát sinh nhiều rắc rối, nhất là khi HGÐ thực hiện các giao dịch về quyền SDÐ. Vì vậy, nhiều người dân cũng như các ngành chức năng, một số tổ chức có liên quan đều cho rằng việc sửa đổi quy định về HGÐ SDÐ là cần thiết.

Ông Nguyễn Thanh Hoài, cán bộ tín dụng ngân hàng, cho biết: “Quy định về HGÐ theo Luật Ðất đai hiện nay là vướng mắc rất lớn cho các tổ chức tín dụng trong quá trình nhận tài sản bảo đảm là quyền SDÐ của HGÐ. Thực tế thời gian qua đã phát sinh rất nhiều vụ tranh chấp kéo dài (thường do xác định thiếu thành viên HGÐ ký hợp đồng thế chấp), dẫn đến tòa án tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu”. Vì vậy, ông Hoài kiến nghị Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) nên bỏ chủ thể SDÐ là HGÐ. Còn không thì Luật và nghị định hướng dẫn thi hành cần quy định rõ về cơ quan có thẩm quyền xác nhận thành viên HGÐ SDÐ...

Theo Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi), HGÐ SDÐ gồm những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, có quyền SDÐ trước ngày Luật Ðất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. Theo khoản 5, Ðiều 143, Dự thảo Luật Ðất đai sửa đổi, trường hợp thửa đất thuộc quyền SDÐ của HGÐ thì cấp 1 giấy chứng nhận ghi đầy đủ tên thành viên trên giấy chứng nhận và trao cho người đại diện. Ðối với trường hợp giấy chứng nhận đã cấp cho đại diện HGÐ trước ngày Luật Ðất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, nếu các thành viên có chung quyền SDÐ của HGÐ có nhu cầu thì được cấp đổi giấy chứng nhận và ghi đầy đủ tên các thành viên có chung quyền SDÐ. Trường hợp các thành viên có chung quyền SDÐ của HGÐ có nhu cầu thì cấp 1 giấy chứng nhận ghi tên đại diện HGÐ trên giấy chứng nhận và trao cho người đại diện HGÐ.

Như vậy, theo Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi), giấy chứng nhận cấp cho HGÐ có thể ghi tên tất cả thành viên.

Cũng theo khoản 5, Ðiều 143, Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi), việc xác định các thành viên có chung quyền SDÐ của HGÐ để ghi tên trên giấy chứng nhận do các thành viên này tự thỏa thuận và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ông Lê Tấn Lộc, ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, tán thành với quy định về ghi tên thành viên HGÐ SDÐ trên giấy chứng nhận. Bởi hiện nay, sổ hộ khẩu bị bãi bỏ và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Nếu giấy chứng nhận không ghi thông tin các thành viên của HGÐ SDÐ thì sẽ khó khăn trong xác định tư cách thành viên HGÐ khi giấy chứng nhận chỉ ghi tên chủ hộ. Bên cạnh đó, việc ghi tên tất cả thành viên HGÐ SDÐ trên giấy chứng nhận thì việc xác định thành viên của HGÐ SDÐ sẽ đơn giản hơn...

Ðồng tình với ý kiến này, ông Trần Thanh Sang, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thới Long, quận Ô Môn, kiến nghị: “Theo tôi, nên ghi tên thành viên HGÐ trên giấy chứng nhận. Thực hiện quy định này có thể là sự chuẩn bị cần thiết cho việc xóa bỏ chủ thể SDÐ là HGÐ. Khi đó, HGÐ sẽ chuyển thành nhóm cá nhân SDÐ. Lúc này, việc xác định thành viên của nhóm cá nhân SDÐ sẽ rất đơn giản, vì tên của các cá nhân đã được ghi trên giấy chứng nhận”...

Chia sẻ bài viết