06/10/2012 - 20:44

Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Ai Cập và nỗ lực “tái định hình Trung Đông”

Tổng thống Morsi và Thủ tướng Erdogan (phải) sát cánh cùng chung mục đích định hình lại
Trung Đông. Ảnh: AP 

Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đang nỗ lực thắt chặt hơn mối quan hệ với quốc gia A-rập đầy thế lực Ai Cập. Sự hợp tác tích cực của cả hai cho thấy họ đang trên đà muốn định hình lại khu vực Trung Đông sau những "biến cố" của cái gọi là "Cuộc cách mạng Mùa xuân A-rập".

Quan hệ song phương giữa Ankara và Cairo đang ấm hơn sau chuyến thăm của Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đến Thổ Nhĩ Kỳ hôm 30-9. Trong chuyến đi này, hai nước đã đạt được thỏa thuận cho vay trị giá 1 tỉ USD nhằm hỗ trợ thương mại đôi bên. Không những vậy, Cairo còn dự định sẽ thành lập một kênh truyền hình bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.

Đánh giá về mối quan hệ này, nhà khoa học chính trị thuộc Đại học Ankara Dogu Ergil cho rằng hai quốc gia Hồi giáo lớn mạnh trên dường như muốn hình thành cái gọi là liên minh dưới quy tắc tự quyết, phản kháng những can thiệp từ bên ngoài, cùng nhau phát triển kinh tế cũng như xây dựng khu vực văn hóa chung của người Hồi giáo. Giáo sư Ergil tin rằng liên minh như trên sẽ thúc đẩy tình hữu nghị và đoàn kết hơn là tạo ra đối kháng và xung đột trong khu vực.

Mặc dù ông Morsi chỉ mới nhậm chức Tổng thống Ai Cập vài tháng, những tín hiệu đã cho thấy ông muốn Ai Cập thể hiện vai trò tích cực tại Trung Đông cũng như hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tạo ảnh hưởng lớn hơn tại khu vực này.

Trong khi đó theo nhận định của Gokhan Bacik, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Trung Đông tại Đại học Zirve của Thổ Nhĩ Kỳ, bản thân Ankara cũng đang cố gắng đưa hình ảnh Cairo thời hậu cách mạng "Mùa xuân A-rập" trở lại chính trường khu vực.

"Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ thích hợp tác với Ai Cập hơn là so với những quốc gia khác như Arabie Séoudite hay Qatar theo cái gọi là "liên minh đáng tin cậy" nhằm tăng cường tính hợp pháp của quốc gia này cũng như tạo ra tiếng nói có trọng lượng hơn trong khu vực"- ông Bacik lý giải thêm.

Riêng Arif Keskin, chuyên gia phân tích chính sách đối ngoại tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Quan hệ Quốc tế của Thổ Nhĩ Kỳ thì nhận xét: "Ai Cập là sự lựa chọn thích hợp đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh căng thẳng hiện nay giữa Ankara với các nước láng giềng như Iran và Iraq".

Ngoài những lợi ích chung cho cả Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, quan hệ có chiều hướng tích cực giữa hai "ông lớn" này hứa hẹn sẽ mang đến sự ổn định và phồn thịnh cho khu vực Trung Đông, nhà phân tích Trung Đông Abdullah Bozkurt nhìn nhận.

"Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập có thể hợp tác để thổi làn gió tươi mát vào tiến trình hòa bình, những nỗ lực thống nhất của người dân Palestine cũng như góp phần cân bằng ảnh hưởng với các thế lực khác trong khu vực như Iran hay Israel. Không phải nghi ngờ việc Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ kịch liệt phản đối chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran hay xung đột quân sự mà Israel có thể phát động trong khu vực"- ông Bozkurt nói thêm.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy đã có những nền tảng cơ bản để Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập thúc đẩy mối quan hệ song phương như trên. "Ai Cập đã từng là một phần của Đế chế Ottoman. Những người đến từ Ai Cập không xa lạ gì với nền văn hóa và tập quán xã hội của Thổ Nhĩ Kỳ. Rất nhiều những chương trình truyền hình và phim ảnh Thổ Nhĩ Kỳ khá phổ biến trong cộng đồng Ai Cập"- Tân Hoa Xã dẫn lời Lãnh sự Ai Cập tại Istanbul Ahmed Bassiouny cho biết.

Cũng theo ông Bassiouny, Tổng thống Morsi từng là người đứng đầu đảng Tự do và Công lý (FJP) của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, vốn khá thân mật với đảng Công lý và Phát triển (AK) của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Do đó, giới lãnh đạo Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ thường cho thấy những tương đồng trong cách suy nghĩ và quan điểm.

Mặc dù vậy, theo giáo sư Gokhan Bacik, vẫn còn đó những khó khăn có thể cản trở sự phát triển của mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia này trong tương lai.

"Thứ nhất, nhận thức của Thổ Nhĩ Kỳ về Ai Cập vẫn chưa rõ ràng. Thổ Nhĩ Kỳ chưa biết chắc Tổng thống Morsi sẽ điều hành Ai Cập như thế nào, do vậy họ cũng không thể vạch ra một chiến lược đối ngoại cụ thể đối với quốc gia này"- ông Bacik nêu rõ.

Khó khăn thứ hai mà giáo sư Bacik đề cập là trong tương lai sẽ còn sự cạnh tranh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, cụ thể là tham vọng trở thành quốc gia lãnh đạo khu vực Trung Đông. Đối với Ai Cập, họ luôn tự nhận là "một hình mẫu của các nước A-rập". Nhưng hiện nay, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đều phải cần đến sự hỗ trợ cho nhau hơn là ganh đua, đố kỵ.

MINH TÂM (Theo Tân Hoa xã)

Chia sẻ bài viết