18/10/2020 - 08:00

Quan hệ Ðối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển toàn diện, thực chất ​ 

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide  và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 18 đến 20-10-2020. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Suga Yoshihide sau một tháng nhậm chức (16-9-2020) và lần thứ 2 liên tiếp Thủ tướng mới của Nhật Bản chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên ngay sau khi nhậm chức.

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide  trong một cuộc họp báo hôm 14-10. Ảnh: Reuters

►Quan hệ tốt đẹp, có sự tin cậy cao

Việt Nam-Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21-9-1973. Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng. Năm 1995, Nhật Bản là nước thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đầu tiên đón Tổng Bí thư Việt Nam đến thăm; năm 2009, thiết lập quan hệ Ðối tác chiến lược với Việt Nam; năm 2011, công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam; tháng 5-2016, mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng. Trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 3-2014, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên thành Ðối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á.

 Ðại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam cho rằng, gần 50 năm kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành 2 quốc gia gắn bó và tin cậy trong khuôn khổ quan hệ Ðối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.

 Nhật Bản đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam và ngược lại, Việt Nam cũng đóng góp rất lớn cho nền kinh tế Nhật Bản. Ðáng chú ý, trong hơn 10 năm qua, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đã phát triển rất mạnh mẽ, nhất là dưới thời kỳ chính quyền của Thủ tướng Abe Shinzo. Tất cả các số liệu về sự hợp tác giữa hai nước đều tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, thương mại và giao lưu nhân dân. Quan hệ Việt-Nhật đã trở thành kiểu mẫu cho mối quan hệ hữu nghị, đôi bên cùng có lợi, tạo ra nền tảng cho sự hợp tác vì ổn định và hòa bình của khu vực Ðông Nam Á và khu vực rộng lớn hơn.

►Hợp tác phát triển toàn diện

Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10-2011). Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ 1999. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng năm 2020 đạt 28,6 tỉ USD, trong đó nhập khẩu của Việt Nam đạt 14,6 tỉ USD và xuất khẩu đạt 14 tỉ USD.  Về đầu tư trực tiếp, lũy kế đến tháng 9-2020, Nhật Bản có 4.595 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 59,87 tỉ USD, đứng thứ 2 trong tổng số 136 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. 9 tháng năm 2020, Nhật Bản có 209 dự án cấp mới, 100 dự án tăng vốn và 448 lượt góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đầu tư là 1,73 tỉ USD, đứng thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, Nhật Bản là nước cung cấp vốn vay bằng đồng yen cho Việt Nam lớn nhất, tổng giá trị vay cho đến tháng 12-2019 là 2.578 tỉ yen (tương đương khoảng 23,76 tỉ USD, chiếm 26,3% tổng vốn ký kết vay nước ngoài của Chính phủ). 

 Hợp tác nông nghiệp của 2 nước đã có bước đột phá. Tháng 9-2015, hai bên đã ký kết “Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản” và ký lại Tầm nhìn chung sửa đổi vào tháng 5-2018. Hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục phát triển mạnh mẽ với việc Nhật Bản liên tục cung cấp ODA những năm gần đây cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.   

 Từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã cử nhiều tu nghiệp sinh sang Nhật Bản. Hiện Việt Nam đứng thứ nhất về số lượng thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản với hơn 230.000 người. Quan hệ hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa 2 nước đã phát triển dưới nhiều hình thức. Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục đào tạo của Việt Nam. Hai bên đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác trong lĩnh vực này. Số lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản hiện đạt hơn 80.000 người. Việc đi lại, du lịch giữa 2 nước ngày càng được thuận lợi.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Suga Yoshihide và Phu nhân diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản đang tiếp tục phát triển tốt đẹp, mạnh mẽ và thực chất trên nhiều lĩnh vực, sự tin cậy chính trị ngày càng được củng cố, các chuyến thăm, tiếp xúc ở các cấp, nhất là cấp cao được duy trì thường xuyên ở các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội. Việc đón Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide thăm chính thức Việt Nam lần này là cơ hội khẳng định với cộng đồng quốc tế về một Việt Nam an toàn, hiệu quả trong đối phó dịch COVID-19, đồng thời đề cao thành tựu đổi mới, phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao vị thế quốc tế, triển khai đường lối đối ngoại, quyết tâm hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Lý do Thủ tướng Suga Yoshihide chọn Việt Nam là điểm đến nước ngoài đầu tiên

Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN tại Tokyo trong cuộc họp báo tại trụ sở Bộ Ngoại giao Nhật Bản hôm 16-10, một quan chức ngoại giao Nhật Bản cho biết có 2 lý do khiến Thủ tướng Suga Yoshihide chọn Việt Nam là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức.

Theo quan chức trên, trước hết, đó là vì quan hệ Ðối tác chiến lược giữa Nhật Bản và Việt Nam đang phát triển hết sức mạnh mẽ. Thứ 2, Việt Nam, với tư cách Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) năm 2020, đóng vai trò quan trọng trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản đối với ASEAN.

Quan chức trên cũng cho biết phía Nhật Bản hy vọng chuyến thăm này sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản hướng tới sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19; tăng cường hợp tác song phương trong việc giải quyết các vấn đề khu vực; và phát triển quan hệ hướng tới tương lai giữa hai nước. Cũng theo quan chức trên, trong chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Suga Yoshihide có thể đưa ra cam kết về việc Tokyo sẽ đi đầu trong việc đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Thủ tướng Suga Yoshihide dự kiến sẽ khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn của Nhật Bản đối với “Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương”.

 Ông Hiroyuki Moribe, Giám đốc Ðiều hành Viện Nghiên cứu Kinh tế Việt Nam (OERI) của Nhật Bản, cho biết thêm chuyến đi này của Thủ tướng Suga thể hiện cam kết kế thừa chính sách ngoại giao của người tiền nhiệm Abe Shinzo. Ông Moribe khẳng định Việt Nam là đối tác cực kỳ quan trọng trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản. Ðiều này được minh chứng khi Việt Nam là một trong số ít các nước được Nhật hoàng đến thăm. Mặt khác, Việt Nam là quốc gia thành công nhất trong việc kiểm soát dịch COVID-19 và Nhật Bản có thể rút ra nhiều bài học từ kinh nghiệm của Việt Nam trong vấn đề này.

TTXVN

Chia sẻ bài viết