07/07/2024 - 09:04

Quan hệ Nga - Ấn Ðộ trở lại quỹ đạo 

Trong chuyến thăm Nga vào ngày 8 và 9-7, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự kiến có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm thảo luận quan hệ chiến lược, kinh tế và quốc phòng vốn bị cho đang “chệch hướng” giữa 2 nước.

Tổng thống Putin (phải) và Thủ tướng Modi tại cuộc gặp gần nhất vào tháng 9-2022 ở Uzbekistan. Ảnh: ANI

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Modi sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3, cũng là lần đầu nhà lãnh đạo Ấn Độ trở lại thủ đô Mát-xcơ-va kể từ năm 2015. Đánh giá cuộc hội đàm sắp tới, giới quan sát cho biết sự kiện này là thắng lợi ngoại giao đối với Tổng thống Putin trước nỗ lực “cô lập” của Mỹ và châu Âu. Nó cũng khởi động lại hình thức hội nghị thượng đỉnh hàng năm giữa 2 nước, vốn gián đoạn do đại dịch COVID-19 và “chiến dịch quân sự đặc biệt” Nga tiến hành ở Ukraine từ tháng 2-2022.

 Bước nhảy vọt về thương mại và kinh tế

Thời điểm đó đến nay, quan hệ thương mại và kinh tế Nga - Ấn đã có bước nhảy vọt khi vị thế của New Delhi với tư cách đối tác quan trọng tăng lên đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Hiện quốc gia Nam Á đông dân nhất thế giới là một trong những thị trường chính của dầu mỏ Nga sau khi phương Tây “đóng cửa” do các lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh. Theo số liệu của năm tài chính gần nhất, hoạt động nhập khẩu của Ấn Độ từ Nga tăng 33% so với năm trước đó và đạt 61,44 tỉ USD. Trong số này, nhập khẩu dầu thô đạt 46,5 tỉ USD, tăng mạnh nếu so với con số 2,4 tỉ USD của giai đoạn,2021-2022.

Dựa vào số liệu trên, giới phân tích dự đoán hội nghị thượng đỉnh ở Mát-xcơ-va sẽ tập trung vào triển vọng phát triển hơn nữa quan hệ thương mại song phương, bên cạnh giải quyết các vấn đề thanh toán phát sinh từ lệnh trừng phạt của phương Tây. Ngoài hoàn tất Hiệp định trao đổi đối ứng về hậu cần (RELOS) cho phép mở rộng hợp tác quốc phòng, hai bên còn dự kiến thảo luận tăng đầu tư vào hành lang hàng hải Chennai - Vladivostok vốn được coi là lựa chọn hiệu quả hơn so với Hành lang Vận tải Quốc tế Bắc - Nam (INSTC); đồng thời khởi động lại các cuộc đàm phán hợp tác phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 và năng lượng hạt nhân.

Trong khi thương mại và kinh tế tăng trưởng mạnh, giới quan sát cho biết quan hệ đối tác chiến lược giữa Mát-xcơ-va và New Delhi dường như đang “chệch hướng” giữa thời điểm Điện Kremlin xích lại gần Trung Quốc, bên có tranh chấp biên giới với Ấn Độ và là đối thủ cạnh tranh tại khu vực Nam Á. Trong động thái khiến dư luận chú ý, Thủ tướng Modi thay vì trực tiếp có mặt đã cử Ngoại trưởng S. Jaishankar tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Kazakhstan hôm 4-7 vừa qua. Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Mát-xcơ-va của Thủ tướng Modi gửi đi tín hiệu rõ ràng rằng cuộc chiến ở Ukraine không ảnh hưởng đến quan hệ chiến lược giữa New Delhi và đối tác quan trọng từ thời Chiến tranh Lạnh.

Theo đuổi chiến lược cân bằng

Bằng cách chọn Mát-xcơ-va là điểm công du đầu tiên thay vì các nước láng giềng như trước nay, giới chuyên môn cho biết Thủ tướng Modi đang gửi thông điệp tới các đối tác phương Tây, đó là New Delhi sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách cân bằng quan hệ với Nga lẫn Mỹ và châu Âu. Xét điều kiện tình hình quốc tế liên tục thay đổi, chiến lược đa liên kết và hợp tác với nhiều nước lớn ở những thời điểm khác nhau là cần thiết. Theo mục tiêu này, nhu cầu của New Delhi củng cố quan hệ chính trị - kinh tế với quốc gia từng là đối tác quốc phòng đáng tin cậy như Nga là yếu tố bắt buộc để tối đa hóa lợi thế của Ấn Độ, đặc biệt sau những quan ngại về khả năng Mát-xcơ-va chuyển giao công nghệ phòng thủ tinh vi và không gian nhạy cảm cho Pakistan thông qua con đường hợp tác với Triều Tiên.

Trên bình diện quốc tế, duy trì quan hệ tốt đẹp với Nga là yếu tố không thể thiếu đối với tham vọng của Ấn Độ trở thành bên hòa giải cuộc xung đột ở Ukraine giữa thời điểm cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có khả năng trở lại Nhà Trắng. Theo đó, kịch bản ông Trump nắm quyền sau ngày 5-11 sẽ làm giảm hỗ trợ của Washington cho Kiev trong khi châu Âu dường như chưa sẵn sàng thay thế Mỹ. Bối cảnh này cho thấy có thể đã đến lúc Ấn Độ cân nhắc vai trò tác nhân kiến tạo hòa bình bằng cách đưa các bên tham chiến trong cuộc xung đột Ukraine ngồi vào bàn đàm phán.

MAI QUYÊN (Theo The Hindu, AP)

Chia sẻ bài viết