01/02/2021 - 21:12

Quân đội Myanmar kiểm soát chính quyền 

Hôm 1-2, kênh truyền hình quân đội Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở nước này trong một năm sau khi lực lượng vũ trang tiến hành bắt giữ các lãnh đạo chính phủ dân sự vào sáng cùng ngày để đối phó “gian lận bầu cử”.

Binh sĩ phong tỏa tuyến đường dẫn tới tòa nhà Quốc hội Myanmar. Ảnh: Reuters

Binh sĩ phong tỏa tuyến đường dẫn tới tòa nhà Quốc hội Myanmar. Ảnh: Reuters

Dẫn điều khoản trong hiến pháp do quân đội soạn thảo, kênh Myawaddy TV cho biết quyền lực kiểm soát trong thời kỳ khẩn cấp quốc gia đã được chuyển giao cho Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, Thống tướng Min Aung Hlaing. Các chức năng lập pháp của Quốc hội bị đình chỉ. Trước đó, phát ngôn viên Myo Nyunt thuộc Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền tại Myanmar xác nhận Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống U Win Myint, Bộ trưởng Tài chính và Kế hoạch Soe Nyunt Lwin cùng một số quan chức khác thuộc NLD đã bị quân đội bắt giữ. Hiện các đường dây liên lạc đến thủ đô Naypyitaw và thành phố lớn nhất Yangon đều không hoạt động, theo Hãng tin Reuters.

Vụ bắt giữ các lãnh đạo chính trị ở Myanmar xảy ra sau thời gian căng thẳng dâng cao giữa chính quyền dân sự và quân đội về kết quả bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ đảo chính. Trong cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ hai kể từ khi chế độ quân sự kết thúc vào năm 2011, NLD do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo tuyên bố thắng lớn sau khi đạt đủ số ghế để tự thành lập chính phủ. Song, quân đội cùng đảng Phát triển và Ðoàn kết Liên minh (USDP) do lực lượng này hậu thuẫn đã phát động chiến dịch nhằm bác bỏ cuộc bầu cử với cáo buộc gian lận. Bất chấp khẳng định của Ủy ban Bầu cử Myanmar về việc không có sai sót nào đủ lớn để ảnh hưởng độ tin cậy của cuộc bỏ phiếu, lực lượng vũ trang nhấn mạnh họ sẽ “hành động” và không loại trừ kế hoạch đảo chính.

Washington lên tiếng

Trong một thông báo, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã được báo cáo về khủng hoảng ở Naypyitaw. Theo chuyên gia cao cấp Murray Hiebert về Ðông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) trụ sở tại Washington, việc quân đội tiếp quản quyền lực ở Myanmar là thách thức ngoại giao đối với chính quyền mới của Mỹ. Trong tuyên bố phát đi hôm 1-2, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Washington phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi kết quả cuộc bầu cử gần đây hoặc cản trở quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar. Trong khi đó, Ngoại trưởng Antony Blinken kêu gọi trả tự do cho tất cả các quan chức chính phủ và lãnh đạo dân sự, đồng thời nhấn mạnh cam kết của Mỹ sát cánh với người dân Myanmar trong khát vọng dân chủ, tự do, hòa bình và phát triển.

Bà San Suu Kyi và Thống tướng Min Aung Hlaing trong một cuộc gặp trước đây. Ảnh: Reuters

Bà San Suu Kyi và Thống tướng Min Aung Hlaing trong một cuộc gặp trước đây. Ảnh: Reuters

Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã bãi bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính duy trì gần hai thập kỷ đối với Naypyitaw sau chuyến thăm lịch sử hồi năm 2016 của bà San Suu Kyi tới Nhà Trắng trên tư cách Cố vấn Nhà nước Myanmar. Nhưng kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền năm 2017, Washington bắt đầu áp đặt lại các hạn chế thị thực và trừng phạt tài chính đối với quốc gia Ðông Nam Á nhằm đáp trả tình trạng khủng hoảng khiến gần 1 triệu người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar phải trốn sang Bangladesh. Trong bài phát biểu tại Tòa quốc tế ở Hà Lan năm 2019, bà San Suu Kyi, người nhận giải Nobel Hòa bình năm 1991 khi đang bị quản thúc tại gia, đã phủ nhận các cáo buộc về tội “diệt chủng” xảy ra trong nước nhằm vào cộng đồng người Hồi giáo thiểu số. Việc bà lên tiếng bào chữa cho quân đội vấp phải chỉ trích gay gắt từ phương Tây, khiến vị thế quốc tế của nữ chính trị gia 75 tuổi ngày càng mờ nhạt.

Nhưng ở quê nhà, San Suu Kyi vẫn được phần đông người dân Myanmar ủng hộ. Là con gái của anh hùng dân tộc, Tướng Aung San, bà San Suu Kyi được coi là một biểu tượng nhân quyền vì đóng góp cho công cuộc cải cách dân chủ trong nước. Bị giam giữ gần 15 năm trong suốt giai đoạn 1989-2010, bà San Suu Kyi sau khi được trả tự do bắt đầu hoạt động mạnh mẽ trở lại khi chính phủ mới bắt tay vào cải cách. Ðến năm 2015, NLD do bà lãnh đạo giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử và San Suu Kyi được chỉ định làm Cố vấn Nhà nước với cam kết chấm dứt nội chiến, thúc đẩy đầu tư nước ngoài, giảm vai trò của quân đội trong chính trị cũng như giải quyết vấn đề của người Rohingya. San Suu Kyi không được làm tổng thống do con bà mang quốc tịch nước ngoài.

Sẽ bầu cử sau 1 năm

Quân đội Myanmar thông báo cuộc bầu cử mới ở nước này sẽ được tổ chức sau khi tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm kết thúc. Sau đó, lực lượng này sẽ trao lại quyền điều hành đất nước cho chính phủ mới.
Quân đội Myanmar nêu rõ trong thời gian áp đặt tình trạng khẩn cấp, Ủy ban Bầu cử Liên bang sẽ được cải tổ và kết quả cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra vào tháng 11-2020 sẽ được xem xét lại. 

MAI QUYÊN (Theo Bloomberg, AP)

Chia sẻ bài viết