29/06/2018 - 22:04

Quân đội Mỹ tại Hàn Quốc dời trụ sở 

Lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK) hôm 29-6 đã chính thức chuyển đến trụ sở mới tại căn cứ Humphreys (ảnh), cách Thủ đô Seoul 65km về phía Nam và gần 100km so với biên giới CHDCND Triều Tiên.

Trụ sở mới của USFK nằm ở thành phố Pyeongtaek trên khu đất rộng 24.000m2, gồm một tòa nhà chính 4 tầng và tòa nhà phụ 2 tầng. Cơ sở này nằm trong khu căn cứ Humphreys diện tích lên đến 14,7 triệu m2. Là doanh trại quân sự lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài với kinh phí xây dựng gần 11 tỉ USD, Trại Humphreys hiện có khoảng 19.904 nhân viên Mỹ đồn trú. Con số này dự kiến tăng lên 27.702 người vào cuối năm 2021.

Được biết, Bộ Tư lệnh Quân khu 8, đơn vị chỉ huy toàn bộ lực lượng mặt đất của USFK đã chuyển về căn cứ ở Pyeongtaek từ tháng 7. Theo Tư lệnh quân đội Mỹ tại Hàn Quốc Vincent Brooks, Bộ chỉ huy Liên Hiệp Quốc (UNC) tại Hàn Quốc do Mỹ đứng đầu sẽ tiếp tục dời về đây vào cuối năm nay trong khi Lực lượng Phối hợp Mỹ-Hàn (CFC) vẫn trụ tại Seoul và chuyển sang khu liên hợp thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.

Đây là lần đầu tiên trong 73 năm USFK di dời trụ sở kể từ khi đóng quân tại căn cứ Yongsag. Dự án di dời được khởi xướng vào năm 2004 với dự tính ban đầu hợp nhất khoảng 40 căn cứ của Mỹ trên khắp Hàn Quốc. Thỏa thuận này được đưa ra tại thời điểm Washington đang tìm kiếm chiến lược linh hoạt và lớn hơn trong các hoạt động của USFK.

Phát biểu tại lễ khai trương cơ sở mới, Tướng Brooks cho biết sự kiện này đánh dấu cột mốc lịch sử trong liên minh Mỹ-Hàn, đồng thời ca ngợi quốc gia Đông Bắc Á đã chia sẻ gánh nặng chi phí quân sự giữa hai nước khi đảm trách 90% kinh phí dự án. Đáp lại, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hy vọng trụ sở mới sẽ giúp đảm bảo tính ổn định của USFK. “Thông qua việc mở ra kỷ nguyên mới ở Pyeongtaek, tôi hy vọng liên minh Mỹ - Hàn sẽ phát triển toàn diện, không riêng về mặt quân sự”– trích phát biểu của Tổng thống Moon. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo cho biết vai trò USFK sẽ thay đổi trong hoạt động thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, góp phần ổn định khu vực và duy trì hòa bình thế giới.

Lễ khai trương trụ sở mới diễn ra trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên đang đứng trước những thay đổi lịch sử. Do vậy, giới quan sát đánh giá sự kiện hôm 29-6 không đơn thuần là di chuyển căn cứ mà dự kiến mở rộng vị thế lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc trong vai trò đảm bảo an ninh khu vực. Trong tuyên bố, Tổng thống Hàn Quốc cũng đánh giá những bước tiến gần đây hướng đến phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên không chỉ là nỗ lực ngoại giao của các nước mà còn nhờ “sự sẵn sàng và tính răn đe” của liên minh Mỹ-Hàn.

Mỹ trấn an đồng minh

Cũng hôm 29-6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố Washington và các đồng minh khu vực sẽ duy trì lập trường “hợp tác phòng thủ mạnh mẽ” trong vấn đề Triều Tiên dù chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn đang thúc đẩy tiến trình đàm phán với Bình Nhưỡng.

Lời khẳng định này được Bộ trưởng Mattis đưa ra trong chuyến thăm châu Á gần một tuần qua. Tại điểm dừng chân cuối cùng ở Nhật Bản, Bộ trưởng Mattis sau cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Itsunori Onodera khẳng định cam kết an ninh giữa Mỹ với Nhật Bản là “nền tảng” cho ổn định khu vực và “không lay chuyển” trước tác động từ tiến trình đàm phán Mỹ -Triều. “Quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật là hòn đá tảng đối với sự ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cam kết của chúng tôi đối với liên minh này vẫn vững như bàn thạch” - ông Mattis nhấn mạnh. Trong buổi tiếp Bộ trưởng Mattis, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề nghị Mỹ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Trước đó ở Hàn Quốc, Bộ trưởng Mỹ đã tìm cách trấn an Seoul rằng Washington sẽ duy trì số lượng binh sĩ Mỹ hiện diện trên bán đảo Triều Tiên.

Những tuyên bố trên được ông chủ Lầu Năm Góc đưa ra giữa lúc các đồng minh khu vực đang quan ngại sau khi Tổng thống Trump đình chỉ  nhiều cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc. Bảo vệ quyết định của Tổng thống Trump, Bộ trưởng Mattis cho biết động thái này là tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán và mở ra cơ hội đạt được giải pháp hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Song song đó, ông Mattis cũng xoa dịu đồng minh với tuyên bố Mỹ tiếp tục duy trì lập trường hợp tác phòng thủ mạnh mẽ nhằm đảm bảo vị thế trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên. 

Ngày 28-6, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua việc bổ nhiệm Đô đốc Harry Harris  làm đại sứ tại Hàn Quốc, lấp đầy vị trí ngoại giao quan trọng bị bỏ trống lâu nay.

Ông Harry Harris sắp mãn nhiệm chức Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM). Vị trí đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc bị bỏ trống suốt từ thời điểm Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào tháng 1-2017, thậm chí cả trong thời gian Washington bắt đầu các cuộc đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân với Triều Tiên.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
MỹHàn Quốc