18/12/2017 - 08:25

Quả ngọt trong hành trình điều trị hiếm muộn 

Tết này, gia đình chị L.T.N.H. (42 tuổi, quận Ninh Kiều) vẹn tròn niềm vui, khi chị vừa đón hai bé gái xinh xắn chào đời sau hành trình 5 năm tìm con với nhiều gian nan, vất vả. Hạnh phúc ngọt ngào ấy nhờ sự đồng hành của các thầy thuốc Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ.

Người mẹ hạnh phúc trong niềm vui mẹ tròn con vuông.

Chị N.H kết hôn năm 2012, vợ chồng chị đều mong con để hạnh phúc gia đình được vẹn tròn. Nhưng hy vọng của anh chị ngày càng trở nên xa vời bởi ở tuổi gần 40, việc sinh nở với chị H. không phải là chuyện dễ dàng. Chị H. tâm sự, vợ chồng anh chị chạy chữa nhiều nơi, uống nhiều loại thuốc bắc, thuốc nam, ai bày đi đâu anh chị cũng tới, với hy vọng sớm có con. Uống thuốc đông y không hiệu quả, chị H. và chồng quyết định bơm tinh trùng vào buồng trứng. Tuy nhiên, nhiều lần áp dụng phương pháp này vẫn thất bại, khiến vợ chồng chị dần mệt mỏi và áp lực có con càng trở nên nặng nề. Với niềm khao khát có con cùng chút hy vọng còn sót lại, chị H. và chồng tìm đến Khoa Hiếm muộn, BV Phụ sản TP Cần Thơ. Tại đây, anh chị được các bác sĩ tư vấn kỹ thuật TTTON- xin noãn do dự trữ buồng trứng thấp.

Sự kiên trì, bền bỉ của vợ chồng chị H., cùng sự đồng hành của đội ngũ thầy thuốc khoa Hiếm muộn, vợ chồng chị H. đã tròn nguyện ước trong hành trình gian nan tìm con. Chiều 2- 12- 2017, hai bé gái có cân nặng 2.500 gram và 2.700gram cất tiếng khóc chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ bến của gia đình chị H. Ngắm các con yêu say ngủ, chị H. xúc động chia sẻ: “Nhờ có sự chu đáo, tận tình và yêu nghề của các y, bác sĩ mà giờ đây vợ chồng tôi có được hai thiên thần bé nhỏ. Gia đình tôi chân thành cảm ơn các y, bác sĩ tại BV Phụ sản TP Cần Thơ”.

Thạc sĩ- bác sĩ Nguyễn Phan Vinh- Phó Trưởng Khoa Hiếm muộn cho biết: Những trường hợp vô sinh do vợ mắc phải tình trạng giảm dự trữ buồng trứng, suy buồng trứng sớm, sẽ được thực hiện kỹ thuật Ttton- xin noãn: lấy noãn của người cho kết hợp với tinh trùng của người chồng, sau đó chuyển phôi vào buồng tử cung của người vợ. Áp dụng TTTON- xin noãn, về mặt di truyền, đứa trẻ mang gien bố, còn người vợ cũng hài lòng vì có được niềm vui mang nặng, đẻ đau.

Bên cạnh đó, kỹ thuật trữ phôi còn giúp nâng tỷ lệ thành công trong điều trị hiếm muộn. Bởi lẽ, trong quá trình kích thích, gây xâm lấn, cùng với việc dùng thuốc, bệnh nhân đau đớn, stress cũng ảnh hưởng đến hiệu quả chuyển phôi của lần đầu tiên. Nếu lần đầu chuyển phôi không thành công, số phôi dư được trữ đông lạnh, lần sau khi cơ thể đã hồi phục, tâm lý ổn định thì người bệnh có thể tiếp tục chuyển phôi với phôi đã được trữ, giúp giảm chi phí cho người bệnh và tỷ lệ đậu thai sẽ cao hơn.

Các bác sĩ Khoa Hiếm muộn cho biết, từ năm 2011 đến nay, tỷ lệ thành công của phương pháp TTTON- xin noãn tại Khoa Hiếm muộn là khoảng 60%. Ca đầu tiên được áp dụng kỹ thuật này là chị N.T.U. (41 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long) sinh được 2 bé với cân nặng lần lượt là 2.600 gram và 2.900 gram. Gần đây nhất, vợ chồng chị N. K. L. (47 tuổi, Vĩnh Long) hạnh phúc sinh được 2 bé gái với cân nặng lần lượt 2.200 gram và 2.300 gram sau 3 năm mong con. Sắp tới, BV sẽ chào đón thêm những thiên thần nhỏ được thụ tinh thành công từ phương pháp này.

Khoa Hiếm muộn đã thực hiện nhiều kỹ thuật cao và được đầu tư trang bị nhiều thiết bị hiện đại. Đây là đơn vị triển khai TTTON đầu tiên của khu vực ĐBSCL, được Đoàn thẩm định Bộ Y tế đánh giá đủ điều kiện về cơ sở, trang thiết bị và trình độ chuyên môn kỹ thuật, tiền đề cho việc triển khai mang thai hộ sắp tới ở Cần Thơ và khu vực ĐBSCL.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết