07/01/2023 - 08:22

Phương Tây nghi ngờ lệnh ngừng bắn tạm thời của Nga 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Trong một tuyên bố đăng tải trên trang web của Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết sẽ thực hiện lệnh ngừng bắn kéo dài 36 tiếng dọc theo toàn bộ chiến tuyến, từ 12h ngày 6-1 tới 24h ngày 7-1 (giờ địa phương) nhân dịp lễ Giáng sinh của Chính thống giáo, đồng thời kêu gọi Ukraine làm điều tương tự.

Mỹ nói Nga “tìm dưỡng khí”

Xe chiến đấu bộ binh Bradley mà Mỹ sẽ gửi cho Ukraine. Ảnh: AP

Xe chiến đấu bộ binh Bradley mà Mỹ sẽ gửi cho Ukraine. Ảnh: AP

“Dựa trên thực tế là một lượng lớn công dân theo Chính thống giáo sống trong các khu vực chiến sự, chúng tôi kêu gọi phía Ukraine tuyên bố ngừng bắn và cho họ cơ hội tham gia các buổi lễ vào đêm Giáng sinh” - tuyên bố có đoạn viết.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 5-1 cho rằng lời kêu gọi ngừng bắn tạm thời nói trên mà Tổng thống Putin đưa ra chỉ đơn giản là một nỗ lực “tìm dưỡng khí” cho “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. “Tôi nghĩ ông ấy đang cố gắng tìm một ít ôxy” - Tổng thống Biden nói.

Như muốn tiếp lời ông Biden, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho rằng lời kêu gọi ngừng bắn của Nga là một “mưu mô xảo quyệt” để Mát-xcơ-va nghỉ ngơi, trang bị lại, tái tập hợp lực lượng và cuối cùng là tấn công trở lại với mức tàn phá lớn hơn, tàn bạo hơn, thậm chí là gây sát thương nhiều hơn. Theo ông Price, chính quyền ông Biden không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga sẵn sàng đàm phán cũng như không nhận thấy bất kỳ hoạt động ngoại giao nào.

Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) và Anh cũng bày tỏ quan điểm đối với lệnh ngừng bắn của Tổng thống Putin. Trên trang cá nhân Twitter, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho rằng cách duy nhất để khôi phục hòa bình và an ninh là Nga rút quân khỏi Ukraine. Về phần mình, Ngoại trưởng Anh James Cleverly cũng nhấn mạnh Nga cần phải rút các lực lượng khỏi Ukraine.  

Về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã từ chối thẳng thừng lệnh ngừng bắn nói trên của Mát-xcơ-va, nói rằng đó là một chiêu trò để ngăn chặn bước tiến của các lực lượng Ukraine ở vùng Donbass và đưa thêm lực lượng Nga vào khu vực. Mykhailo Podolyak, cố vấn văn phòng Tổng thống Ukraine, thì cho rằng lời kêu gọi đình chiến của ông Putin là “một cái bẫy và mang yếu tố tuyên truyền”. Ông Podolyak nhấn mạnh, điều kiện chính để ngừng bắn và đình chiến là quân đội Nga phải rút khỏi lãnh thổ Ukraine và Kiev sẽ không xem xét các điều kiện khác.

Ukraine được “tiếp sức” vũ khí hạng nặng

Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 5-1 đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Biden để thảo  luận về cuộc chiến tại Ukraine. Nhà lãnh đạo 2 nước tái khẳng định sự ủng hộ đối với Ukraine, cũng như cam kết vững chắc đối với nước này. Hai bên bày tỏ tiếp tục cung cấp hỗ trợ tài chính, nhân đạo, quân sự và ngoại giao cần thiết cho Ukraine trong thời gian tới.

Vì mục tiêu trên, Mỹ sẽ gửi cho Ukraine khoảng 2,85 tỉ USD viện trợ quân sự cùng với khoảng 50 xe chiến đấu bộ binh Bradley vốn được mệnh danh là “sát thủ chống tăng”. Phát biểu trước báo giới, Chuẩn tướng Patrick Ryder, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, cho biết những chiếc Bradley lần đầu tiên được viện trợ sẽ cung cấp “khả năng tấn công và phòng thủ cho lực lượng Ukraine nhằm giúp họ có thể thay đổi cục diện trên chiến trường”.

Theo giới chức Mỹ, gói viện trợ cũng bao gồm xe bọc thép Humvee cùng một lượng lớn tên lửa và đạn dược khác. Đây là gói viện trợ quân sự lớn nhất trong hàng loạt gói viện trợ vũ khí của chính quyền Tổng thống Biden nhằm tăng cường gửi các phương tiện sát thương cũng như các loại vũ khí mạnh mẽ giúp Ukraine đánh trả lực lượng Nga.

Trong khi đó, Đức dự định cung cấp xe bọc thép chở quân Marder và một khẩu đội tên lửa Patriot cho Ukraine, còn Pháp cho biết sẽ sớm tổ chức các cuộc đàm phán để thu xếp việc chuyển giao các phương tiện chiến đấu bọc thép cho Ukraine. Thủ tướng Scholz cũng khẳng định rằng ông không muốn “đơn độc” gửi vũ khí hạng nặng đến Ukraine và rằng ông sẽ phối hợp với các thành viên khác của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại  Tây Dương (NATO) trong vấn đề này.

Chia sẻ bài viết