 |
Những người ủng hộ Tổng thống al-Assad biểu tình ở Damas phản đối hành động can thiệp của Mỹ và đồng minh phương Tây. Ảnh: AP |
Ngày 18-8, Mỹ và các nước đồng minh châu Âu kêu gọi Tổng thống Syrie Bashar al-Assad từ chức, đồng thời vạch chiến dịch nhắm vào nguồn tài chính của Damas, quyết buộc nhà lãnh đạo Syrie từ bỏ quyền lực.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phối hợp với Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Liên minh châu Âu (EU), đưa ra tuyên bố cho rằng Tổng thống al-Assad đã “phung phí cơ hội tự do hóa hệ thống chính trị của Syrie”. Vì vậy, theo họ, sự sụp đổ của chính quyền Damas hiện nay là khó tránh khỏi. Ông Obama nói: “Trước sau như một, chúng tôi cho rằng Tổng thống al-Assad phải tiến tới chuyển giao dân chủ hoặc phải ra đi. Ông ấy đã không chuyển đổi. Vì lợi ích của nhân dân Syrie, đã đến lúc Tổng thống al-Assad phải từ bỏ quyền lực”.
Chính quyền Obama cấm ngay lập tức việc mua các sản phẩm năng lượng của Syrie, ước tính tương đương 6.000 thùng dầu/ngày. Washington cũng tuyên bố đã áp lệnh cấm doanh nghiệp Mỹ làm ăn với Syrie và phong tỏa mọi tài sản của nước này ở Mỹ. Ngày 18-8, chính quyền của các nước Anh, Pháp, Bồ Đào Nha và Đức cho biết họ cũng bắt đầu thảo nghị quyết trừng phạt Damas. Theo văn phòng đối ngoại EU, họ có 4 lựa chọn nhắm vào lĩnh vực năng lượng của Syrie, gồm: cấm mọi hoạt động xuất khẩu dầu thô của Syrie; cấm EU bán cho Syrie các sản phẩm dầu; cấm bán thiết bị chuyên dụng mà Syrie cần để khai thác và sản xuất; và cấm các khoản đầu tư có thể tạo điều kiện cho Syrie tiếp cận kỹ thuật năng lượng khác.
Ông al-Assad vẫn nhận được sự ủng hộ của nhiều nước. Trước nay, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ luôn phản đối những nỗ lực của Mỹ và EU nhằm yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ủng hộ các nghị quyết do họ soạn thảo để trừng phạt Damas hoặc có thể chuyển việc phán xét chế độ của ông al-Assad lên Tòa hình sự Quốc tế (ICC) ở La Haye (Hà Lan). Mỹ và các đồng minh phương Tây tại HĐBA ủng hộ việc đưa vấn đề của Syrie ra ICC, nhưng Nga và Trung Quốc phản đối động thái này. |
Những động thái như vậy có thể tác động mạnh tới nguồn tài chính của chính quyền al-Assad. Theo thống kê, khoảng 1/3 nguồn thu của chính phủ Syrie là từ dầu và khoảng 95% dầu của nước này được bán cho khách hàng châu Âu. EU cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Syrie, với kim ngạch song phương năm ngoái đạt 7,2 tỉ euro. Nhiều công ty lớn của châu Âu hợp tác trong lĩnh vực năng lượng của Syrie, trong đó có Total của Pháp và Royal Dutch Shell của Hà Lan. Đại diện của hai công ty này cho biết họ sẽ tuân thủ mọi biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Syrie. Bashar Jaafari, Đại sứ Syrie tại Liên Hiệp Quốc, lập tức phản ứng rằng Mỹ và các nước đồng minh phương Tây đang “tiến hành cuộc chiến ngoại giao và nhân đạo” chống Syrie. Ông Jaafari nhấn mạnh: “Chỉ cho tôi thấy luật quốc tế nào cho phép bất kỳ ai đặt vấn đề về tính pháp lý của một tổng thống”. Mahmoud Akkam, học giả đạo Hồi dòng Sunni tại Aleppo (thành phố lớn nhất Syrie), cho rằng: “Vấn đề ở đây là khi ông Obama bảo người dân Syrie phải làm gì. Ông ấy không phải là người bảo vệ nhân dân Syrie, cũng không đảm bảo an ninh cho Syrie”. Bà Reem Haddad, Vụ trưởng Vụ đối ngoại của Bộ Thông tin Syrie nhấn mạnh “thay vì giúp Syrie thực hiện chương trình cải cách, ông Obama và phương Tây lại tìm cách kích động bạo lực tại Syrie”.
Theo bà Haddad, Tổng thống al-Assad trong cuộc điện đàm với Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 17-8 đã khẳng định quân đội và cảnh sát nước này đã dừng các chiến dịch an ninh. Ông al-Assad cũng đã gặp các thành viên của đảng Baath cầm quyền để thảo luận cách thức thực hiện chương trình cải cách trong vài tháng tới, trong đó có việc sửa đổi hiến pháp và tiến hành bầu cử quốc hội. Vì vậy, hành động trên của Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo châu Âu chứng tỏ Syrie một lần nữa lại là mục tiêu công kích của phương Tây. Những người ủng hộ Tổng thống al-Assad tuyên bố sự can thiệp của Mỹ và châu Âu vào công việc nội bộ của Syrie càng làm gia tăng sự ủng hộ dành cho Tổng thống al-Assad.
NGUYỄN KIỆT
(Theo WSJ, Guardian)