13/03/2020 - 19:14

Dịch COVID-19:

Phương pháp điều trị của Nhật cho kết quả khả quan 

Giới chuyên môn y tế Nhật Bản mới đây cho biết phương pháp điều trị hỗ trợ tim phổi nhân tạo (ECMO) áp dụng cho các bệnh nhân mắc COVID-19 đang cho những kết quả sơ bộ đáng khích lệ.

Đến  nay đã có 325/696 bệnh nhân trên tàu Diamond Princess được chữa khỏi. Ảnh: Getty Images

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, kết quả cuộc điều tra do Hiệp hội điều trị y tế tập trung và Hiệp hội cấp cứu y tế Nhật Bản tiến hành đối với 300 cơ sở y tế trên toàn Nhật Bản cho thấy, trong số ít nhất 23 bệnh nhân COVID-19 được điều trị bằng phương pháp ECMO có 12 người hồi phục và không có trường hợp tử vong.

Bác sĩ Kutsuna Satoshi tại Trung tâm Y tế và Sức khỏe Toàn cầu Quốc gia (NCGM) của Nhật Bản cho biết trung tâm này đã điều trị cho 15 bệnh nhân COVID-19. Trong số đó nổi bật có một bệnh nhân cao tuổi có triệu chứng sốt kéo dài trong 1 tuần và sau đó viêm phổi nặng với các biểu hiện như ho dữ dội và ra đờm. Ban đầu bệnh nhân được chữa bằng thuốc điều trị AIDS nhưng bệnh tình không thuyên giảm mà ngày càng xấu đi. Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân dần hồi phục sau 2 tuần được chữa trị bằng phương pháp ECMO nhằm giảm tải hoạt động cho phổi.

Phương pháp điều trị ECMO, hay còn gọi là phương pháp oxy hóa qua màng ngoài của cơ thể, được áp dụng khi chức năng hoạt động phổi của bệnh nhân yếu đi do bị virus tấn công. Khi đó, hệ thống ECMO sẽ được sử dụng để thay thế tạm thời chức năng hoạt động của phổi bằng cách đưa máu ra ngoài cơ thể, loại bỏ carbon và thêm oxy vào tế bào hồng cầu, sau đó đưa máu đã được tiếp thêm oxy trở lại cơ thể và chờ hệ miễn dịch của bệnh nhân loại bỏ virus trong cơ thể. Máy ECMO có thể thay tới 4 lít máu trong thời gian khoảng 1 phút.

Tuy nhiên, ECMO là một kỹ thuật rất phức tạp và đòi hỏi chuyên môn cao nên việc điều trị bằng phương pháp này tại Nhật Bản đến nay vẫn chưa được phổ biến. Bác sĩ Satoshi cho biết hiện số lượng máy ECMO và số nhân viên y tế sử dụng được loại máy này tại Nhật Bản chưa nhiều, do đó Nhật Bản ưu tiên điều trị bằng phương pháp này với các bệnh nhân nặng.

Tính đến chiều 13-3, Nhật Bản ghi nhận 26 ca tử vong, trong đó 7 ca trên du thuyền Diamond Princess. Số người mắc COVID-19 tại Nhật Bản là 1.387 người, bao gồm 696 người trên du thuyền Diamond Princess.

Nguyên nhân khiến Ý  đối mặt với tình trạng khủng hoảng

Đài BBC mới đây đã có bài viết chỉ ra 5 nguyên nhân khiến một quốc gia châu Âu với trình độ và cơ sở hạ tầng y tế tương đối tốt lại có tỷ lệ tử vong ở mức 5%, hơn hẳn so với các quốc gia khác (Hàn Quốc là 0,4%, Tây Ban Nha và Pháp là 2%).

* Canada. Phu nhân của Thủ tướng, bà Sophie Grégoire Trudeau có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.  Theo Văn phòng Thủ tướng Canada, Thủ tướng Justin Trudeau đang tự cách ly tại nhà.

* Úc. Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton cho biết ông có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, hiện đang điều trị tại bệnh viện.

Nguyên nhân đầu tiên là do Ý chỉ phát hiện người bệnh một cách thụ động. Những trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 chỉ được phát hiện sau khi đã phát triệu chứng và đến bệnh viện kiểm tra, có nghĩa là họ đều ở trong giai đoạn phát bệnh. Điều này hoàn toàn khác với Hàn Quốc, khi quốc gia này đã tìm và xét nghiệm chủ động nên rất nhiều ca dương tính được phát hiện ngay trong thời gian ủ bệnh. Nói cách khác, Ý chỉ phát hiện được người bệnh ở giai đoạn sau, còn Hàn Quốc đã phát hiện từ giai đoạn đầu khi nồng độ virus còn thấp và ít nguy cơ tử vong.

Nguyên nhân thứ hai là tình trạng quá tải hệ thống y tế buộc Ý chấp nhận bỏ các ca có tiên lượng xấu như người cao tuổi có tiền sử bệnh lý để tập trung nguồn lực cứu những người trẻ hơn.

Một nguyên nhân khác phải kể đến là ngôn ngữ và phong cách giao tiếp. Tiếng Ý là một trong những ngôn ngữ đòi hỏi nhiều sự biểu cảm, đặc biệt là việc sử dụng ngôn ngữ hình thể. Điều này khiến nguy cơ lây nhiễm từ người này sang người kia rất cao. Văn hóa Ý cũng chuộng các hành động thân thiết khi giao tiếp, vô tình khiến người dân nước này trở nên nhạy cảm hơn với dịch COVID-19. 

Về chính sách, Ý là quốc gia đi đầu ở châu Âu trong việc tham gia Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, đã nới lỏng chính sách nhập cư và xin thị thực du lịch của người Trung Quốc từ năm 2014.

Nguyên nhân cuối cùng chính là khí hậu. Theo một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Trung Quốc, SARS-CoV-2 rất nhạy cảm với nhiệt độ và lây lan tốt nhất ở môi trường 9 độ C. Ý vừa bước qua mùa Đông từ tháng 12 năm ngoái đến tháng 2 năm nay và đang có nhiệt độ trung bình từ 7 đến 14 độ C. Đây là dải nhiệt độ lý tưởng cho COVID-19.

 

Bùi Hà

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Dịch COVID-19