15/06/2024 - 12:02

Phụ nữ Nhật không muốn đổi họ sau khi kết hôn 

Nhật Bản là quốc gia duy nhất trên thế giới quy định vợ chồng phải cùng họ. Tuy nhiên, quy định này không còn phù hợp trong đời sống hiện đại khi nó khiến phụ nữ gặp nhiều phiền toái về mặt pháp lý sau khi kết hôn, cũng như cản trở nỗ lực bình đẳng giới tại đất nước Mặt trời mọc.

Hầu hết phụ nữ Nhật phải đổi sang họ của chồng sau khi kết hôn.

Nhiều hệ lụy vì quy định lỗi thời

Theo lịch sử, thì vào Thời kỳ Edo (1603-1868), người Nhật thậm chí còn không có họ riêng, ngoại trừ lớp quý tộc. Ðến thời Minh Trị (1868-1912), Bộ luật Dân sự Nhật quy định phụ nữ lấy họ của chồng. Nhưng do tập tục này được du nhập từ phương Tây nên nó đã được thay đổi vào năm 1947, cho phép các cặp vợ chồng lấy họ của một trong 2 người. Vì vậy, việc sử dụng một họ sau hôn nhân không được coi là một phần của văn hóa truyền thống Nhật Bản.

Ðiều 750 trong Bộ luật Dân sự Nhật Bản hiện nay quy định vợ chồng phải mang cùng họ, nghĩa là một trong 2 người phải đổi họ. Về lý thuyết, người chồng hoàn toàn có thể mang họ vợ, nhưng một khảo sát của chính phủ cho thấy chỉ có 4% nam giới chịu đổi sang họ vợ. Trên thực tế, có tới 95% phụ nữ phải từ bỏ họ khai sinh để đổi sang họ chồng. Việc mang họ khác nhau chỉ được cho phép trong trường hợp kết hôn với người khác quốc tịch.

Việc đổi họ khi kết hôn được xem là “cơn ác mộng pháp lý” đối với nhiều phụ nữ Nhật, vì phải thực hiện hàng loạt thủ tục hành chính đối với hộ chiếu, tài khoản ngân hàng và các giấy tờ tùy thân khác. Ðể tránh sự bất tiện và phiền hà vì vấn đề tên họ sau khi kết hôn, một số phụ nữ đã chọn không đăng ký kết hôn hoặc ly hôn giả với chồng để được giữ tên khai sinh.

Đã đến lúc thay đổi

Mặc dù Tòa án Tối cao Nhật Bản từng nhiều lần bảo vệ thành công điều luật có từ thế kỷ 19 này trong những vụ kiện pháp lý vào các năm 2015, 2019 và 2021, nhưng cũng kêu gọi các nghị sĩ thảo luận về những đề xuất giữ nguyên họ sau kết hôn. Trong khi đó, các chính trị gia bảo thủ - đặc biệt là trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền - vẫn một mực phản đối, cho rằng vợ chồng mang họ khác nhau sẽ khiến tình cảm gia đình rạn nứt và dễ ly hôn.

Thực tế, Chính phủ Nhật không chỉ chịu áp lực thay đổi luật họ tên từ các nhà vận động nhân quyền, mà còn từ giới lãnh đạo doanh nghiệp, những người cho rằng quy định này đang cản trở doanh nghiệp Nhật kinh doanh ở nước ngoài. Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản - Keidanren đã kêu gọi chính phủ cho phép các cặp vợ chồng có họ riêng, cho rằng luật hiện hành buộc phụ nữ đã kết hôn phải theo họ chồng sẽ gây ra rủi ro kinh doanh.

Masakazu Tokura, người đứng đầu Keidanren, nói rằng có nhiều trở ngại mà phụ nữ phải đối mặt khi hộ chiếu và thẻ tín dụng không phải lúc nào cũng khớp với tên họ sử dụng cho công việc. Masahiko Uotani, giám đốc điều hành hãng mỹ phẩm Shiseido, xác nhận từng có nữ giám đốc điều hành bị khách sạn từ chối phục vụ hay không được vào phòng họp trong các chuyến công tác nước ngoài vì danh tính trên giấy tờ tùy thân và giấy tờ công ty không trùng khớp. Một số phụ nữ còn gặp khó khăn trong việc ký kết hợp đồng pháp lý.

Vấn đề tên họ của phụ nữ sau kết hôn cũng khiến Nhật Bản tụt hậu so với các quốc gia khác về bình đẳng giới. Trong báo cáo Khoảng cách giới tính toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2023, Nhật Bản xếp thứ 125/146 quốc gia và là thành viên duy nhất trong Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7, gồm Anh, Pháp, Ý, Ðức, Mỹ, Canada và Nhật Bản) không lọt vào top 100.

Theo thăm dò của đài truyền hình quốc gia NHK hồi tháng 4-2024, 62% số người được hỏi ủng hộ việc thay đổi quy định vợ chồng phải cùng họ và chỉ 27% phản đối. Ngay cả trong nhóm từ 70 tuổi trở lên, thì số người ủng hộ vẫn đông hơn số người phản đối.

NGUYỆT CÁT (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết