24/10/2020 - 19:15

Phụ nữ “lép vế” trên chính trường Nhật Bản 

Sự chênh lệch về giới tính trên chính trường Nhật Bản đang tạo tiền đề cho những quan điểm tiêu cực, trong đó cho rằng giới nữ cần hành động dựa trên tư tưởng của đa số nam giới nếu muốn đạt chỗ đứng trong chính trị.

Tháng rồi, nhà lập pháp Mio Sugita (ảnh) đã khiến nhiều người phẫn nộ khi nói rằng phụ nữ có thể nói dối về vấn đề tấn công tình dục. Nữ nghị sĩ đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LPD) sau đó lên tiếng xin lỗi, nhưng đây không phải lần đầu tiên bà khiến nhiều cử tri xa lánh vì quan điểm bảo thủ.

Hồi năm 2018, Sugita từng bị chỉ trích khi tuyên bố các cặp đồng tính “không tạo ra năng suất” bởi họ không thể có con với nhau và rằng chính phủ không nên hỗ trợ cho nhóm đối tượng này. Ở một bình luận “độc hại” khác, nữ chính trị gia cánh hữu đổ lỗi cho nạn nhân Shiori Ito - một nhà báo đã trở thành biểu tượng của phong trào chống nạn lạm dụng tình dục #MeToo ở Nhật sau khi giành chiến thắng trong vụ kiện một cựu đồng nghiệp cưỡng hiếp cô.

Nền chính trị của đàn ông

Theo các nhà quan sát, những phát ngôn của bà Sugita là hệ quả của nền chính trị từ lâu nằm dưới sự thống trị của nam giới. Những trường hợp như trên không chỉ gây tổn thương nhiều người mà nó còn khuyến khích việc “bình thường hóa” quan điểm lệch lạc và nguy hiểm về nữ giới, đặc biệt ở một trong số quốc gia có tỷ lệ đại diện nữ tham gia chính trị thấp nhất toàn cầu như Nhật Bản.

Ðiều tra của Liên minh Nghị viện Thế giới cho biết Nhật Bản xếp thứ 167/190 quốc gia về đại diện của nữ giới tại cơ quan lập pháp. Tình trạng bất bình đẳng giới thể hiện rõ ở hạ viện khi phái nữ chỉ chiếm 46/465 ghế, tức khoảng 9,9% so với mức trung bình 20% ở châu Á và 25% trên thế giới.

Phục vụ trong chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe trước khi từ chức vào năm 2017, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada thừa nhận nữ chính trị gia vốn thuộc nhóm thiểu số ở Nhật; do đó đi cùng với họ thường là định kiến cố hữu và phân biệt đối xử. Ðể tồn tại, chuyên gia xã hội học Chizuko Ueno cho biết một số người sẽ cảm thấy bản thân phải tuân thủ quan điểm của đồng nghiệp nam để được chấp nhận và đạt chỗ đứng trong giới chính trị.

Tuy nhiên, bà Ueno nói thêm, xã hội Nhật đang dịch chuyển và các chiến dịch như #MeToo và #KuToo - phản đối quy định đi giày cao gót nơi làm việc - đang buộc các chính trị gia phải thay đổi lập trường về bất bình đẳng giới cũng như nhân quyền ở Nhật. Ví dụ như năm 2017, nữ nghị sĩ Yuka Ogata bị yêu cầu rời khỏi cuộc họp của hội đồng thành phố Kumamoto vì mang theo con. Cuộc họp bị hoãn lại 40 phút và bà Ogata chỉ được vào họp sau khi gửi con cho một người bạn. Còn hiện nay, sự chú ý của giới truyền thông và phản ứng gay gắt của người dân đối với nhận xét của bà Sugita là bằng chứng cho thấy công chúng không còn làm ngơ trước những nhận xét phân biệt đối xử giới tính của các nhà lập pháp.

Dẫu vậy, đây vẫn là một tiến trình dài để các đảng chính trị ở Nhật thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Năm 2018, Quốc hội Nhật Bản đã ban hành đạo luật thúc đẩy phụ nữ tham gia hoạt động chính trị nhưng chưa cho thấy hiệu quả bởi luật này không có tính ràng buộc và không có biện pháp chế tài. Cùng năm, ông Abe chỉ bổ nhiệm một phụ nữ trong số 19 thành viên nội các mới, bất chấp cam kết tăng tỷ lệ phụ nữ nắm các vị trí lãnh đạo ở các doanh nghiệp lẫn chính phủ.

Tình hình không khá hơn vào năm 2020 khi tân Thủ tướng Yoshihide Suga bổ nhiệm 2 gương mặt nữ trong số 21 nhân sự nội các. Trước sự chênh lệch này, bà Inada đã mô tả Nhật Bản là một “nền dân chủ không có nữ giới”. Hồi tháng 8, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Inada cũng từng tìm cách tham gia cuộc đua lãnh đạo LDP sau khi Thủ tướng Abe từ chức do sức khỏe kém. Song, cả bà và cựu Bộ trưởng Nội vụ Seiko Noda đều không giành đủ sự ủng hộ cần thiết của các thành viên khác trong LDP để ra ứng cử.

MAI QUYÊN (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết