Trần Kiều Quang
Mạng xã hội những ngày qua sôi nổi tranh luận về lì xì sau bài viết dài của một người nổi tiếng cho rằng lì xì là cái nợ, gây nhiều hệ lụy trong ba ngày Tết. Trong khuôn khổ bài viết này, xin góp một vài phân tích về nguồn gốc và ý nghĩa của phong tục lì xì. Khi hiểu về phong tục này, sẽ có cái nhìn nhiều chiều để từ đó đánh giá và ứng xử phù hợp trong văn hóa lì xì.
Lì xì ngày Tết. Ảnh: DUY KHÔI
Trong dịp Tết, ta thường thấy ông bà, cha mẹ có lệ đặt tiền mới vào chiếc phong bao vàng son rực rỡ, nhỏ nhỏ, xinh xinh, hoặc phong bao bằng giấy hồng điều, để mừng tuổi cho con cháu trong nhà, trẻ em hàng xóm, họ hàng thân thuộc. Tiền ở trong người ta gọi là tiền lì xì và phong bao đó được gọi là phong lì xì, hoặc bao lì xì. Bao lì xì cũng có nhiều loại: loại lớn, loại nhỏ, loại trang trí đơn giản, loại trang trí phức tạp, đẹp mắt, bằng mực son... Bên ngoài là những câu chúc mừng, thể hiện ước vọng an lành, vui tươi, phát đạt… đại loại như: Kim ngọc mãn đường, Vạn sự như ý, Niên niên hưng vượng…
Về nguồn gốc của tục lì xì, có truyền thuyết kể rằng: Ngày xưa, ở Ðông Hải có một cây đào to, có rất nhiều yêu quái sinh sống, như hồ ly tinh, chuột tinh, sói già... Vì luôn có thần tiên ở hạ giới canh giữ nên chúng không thể thoát ra ngoài gây hại được. Nhưng hễ tới đêm giao thừa, các thần tiên đều phải về trời để phân công lại nhiệm vụ, thế là yêu tinh nhân cơ hội đó thường xuất hiện vào đêm giao thừa để xoa đầu trẻ con đang ngủ, gây hại đến sức khỏe trẻ nhỏ. Những người có con nhỏ lo lắng nên cầu khẩn thượng đế. Thượng đế cho tám nàng tiên xuống hạ giới bảo vệ trẻ em. Ðể lừa lũ yêu tinh, các nàng tiên biến thành tám đồng tiền và được đặt dưới gối của trẻ. Vào ban đêm, khi yêu tinh đến gần trẻ, thì lập tức tám đồng tiền lóe lên những tia sáng kỳ lạ, với ánh sáng chói lòa, làm mù mắt yêu tinh, khiến chúng bỏ chạy. Sau khi nghe câu chuyện này, dân gian tin rằng, cần thiết đặt tiền vào một gói màu đỏ và đưa cho trẻ để bảo vệ chúng thoát khỏi những điều xấu. Ban đầu, các phong bao màu đỏ chỉ được trao cho trẻ trong các lễ hội mùa xuân, nhưng sau đó, bất cứ ai cũng có thể nhận lì xì từ người thân của mình(1).
Về ý nghĩa của phong tục lì xì, Hạo Nhiên Nghiêm Toản cho rằng: âm “lì” tương ứng với tiếng Hán - Việt là “lợi” (nghĩa là lợi lộc, điều lợi), “xì” tương ứng với tiếng Hán - Việt là “thị” (nghĩa là chợ). Như vậy, lì xì tương ứng với từ lợi thị và có ba nghĩa như sau: thứ nhất là số lời thu được do mua bán mà ra; thứ hai là tốt lành, có lợi; thứ ba là vận tốt, vận may(2). Như vậy, trong cả ba trường hợp đều có nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn. Vậy nên lì xì, mừng tuổi chính là tiền đem lại cái hên, điều lành, điều tốt cho trẻ em trong dịp đầu xuân.
Ở Việt Nam, ít người để ý nhiều đến nguồn gốc của phong tục lì xì, người ta chỉ quan niệm rằng đây là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa của dân tộc. Bởi vì: “Lì xì nhằm cầu chúc người nhận gặp may mắn, phát đạt. Không chỉ người lớn mừng tuổi con cháu, mà hồi xưa, con cháu phải mừng tuổi ông bà trước. Qua Giao thừa, tới sáng sớm mùng Một, con cháu bảo nhau tới nhà thờ để chúc Tết và lạy mừng ông bà, cha mẹ. Lạy xong, con cháu thơm thảo với đấng sinh thành bằng bánh trái tươi ngon và một phong giấy hồng. Bên trong phong giấy thẳng thớm này có đặt một món tiền, để lên khay tươm tất và hoan hỷ, mong các cụ nhận cho, đó là tiền mở hàng. Tiền này không nhằm để cất cho nặng hầu bao, mà ngụ ý cầu chúc các cụ quanh năm sung mãn, may mắn”(3).
Ngày nay, phong tục lì xì đã có nhiều thay đổi, không còn những nét nguyên bản như ban đầu, mà theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản, những thay đổi dễ thấy nhất là: Nếu trước kia việc trao nhận tiền mừng tuổi chỉ bắt đầu từ ngày mùng Một Tết thì ngày nay thời điểm trao nhận tiền mừng tuổi cũng đã có sự thay đổi, mở rộng thời gian cả về trước Tết và sau Tết cùng việc đến thăm, chúc Tết, tặng quà… Sự phát sinh này là do thay đổi nếp sống của cuộc sống hiện đại, khi cuộc sống vật chất đầy đủ thì người ta nghĩ đến hưởng thụ nhiều hơn, cũng như việc ăn Tết không chỉ còn gói gọn trong ba ngày Tết nữa. Cũng không chỉ trẻ con mới được nhận tiền mừng tuổi từ người lớn, mà đối tượng trao nhận cũng mở rộng cho tất cả. Trong gia đình, con cháu cũng mừng tuổi ông bà, cha mẹ, anh em mừng tuổi cho nhau… Ngày đầu năm đến công sở, ai cũng hân hoan nhận những phong bao đỏ, lì xì đỏ kèm những lời chúc tốt đẹp từ lãnh đạo, đồng nghiệp để khởi đầu một năm làm việc thật vui vẻ, hiệu quả. Sự mở rộng này theo chiều hướng tích cực đã mang lại thêm ý nghĩa mới của tục mừng tuổi, phù hợp với cuộc sống hiện đại. Ăn theo sự sáng tạo đó là vỏ bao lì xì giờ đây cũng được chú trọng hơn về hình thức. Những năm gần đây, ngoài những mẫu theo phong cách truyền thống, dù là in ấn hay đồ thủ công thì trên thị trường cũng ngập tràn những chiếc phong bao lì xì bắt mắt bởi những cách trang trí đẹp, độc, lạ: làm theo hình chiếc bánh chưng, chế hình các con giáp của từng năm, in những câu chúc Tết dễ thương lên vỏ bao lì xì…(4).
Dù bắt nguồn từ truyền thuyết nào, có nhiều thay đổi như thế nào đi nữa, lì xì vẫn là một trong những phong tục tập quán thể hiện tấm lòng thơm thảo, chúc nhau may mắn, bình an; với trẻ em thì lì xì để chúc cho trẻ mạnh giỏi, khôn lớn nên người. Với ý nghĩa đó, văn hóa lì xì nên được ứng xử phù hợp, như một phong tục đem lại niềm vui nhẹ nhàng và những lời chúc phúc cho nhau trong những ngày xuân.
--------------------
(1) Bùi Thị Ánh Vân (2016), “Tục mừng tuổi ngày tết ở Trung Quốc”, Tạp chí Di sản văn hóa, số 1, tr.118-119.
(2) Hạo nhiên Nghiêm Toản (1975), “Nhân tìm nghĩa hai chữ lì xì”, Ðặc san xuân Danh từ chuyên môn, số 9 tháng 01, trang 7.
(3) https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/tuc-li-xi-ngay-tet-57622.html. Ngày truy cập 01/01/2023.
(4) https://baotintuc.vn/van-hoa/tuc-mung-tuoi-ngay-tet-xua-va-nay - 20190201134350868.htm. Ngày truy cập 01/01/2023.