16/04/2024 - 08:43

Phòng ngừa nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt 

Theo các chuyên gia sức khỏe, thiếu máu do thiếu sắt có thể là “thủ phạm” gây ra tình trạng “sương mù não”, lờ đờ, uể oải và thiếu tập trung, làm giảm chất lượng sống. Đa số bệnh nhân thường không nhận ra mình đang mắc bệnh cho đến khi được bác sĩ chẩn đoán.

Nhóm thực phẩm giàu chất sắt.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ, thiếu máu do thiếu sắt (iron-deficience anemia) xảy ra khi cơ thể không được cung cấp đủ chất sắt. Bệnh nhân được chẩn đoán khi xét nghiệm máu cho thấy giá trị huyết sắc tố dưới 13,5 gram/decilit (gm/dl) ở nam hoặc dưới 12 gm/dl ở nữ.

Bà Maya Bloomberg, một y tá khoa huyết học tại Trường Y khoa Miller thuộc Đại học Miami (Mỹ), cho biết khi bị thiếu máu, bệnh nhân không có đủ tế bào hồng cầu lưu thông nên cơ thể không thể hoạt động ở mức 100%. Các triệu chứng thường gặp bao gồm mệt mỏi, suy nhược, khó thở, tức ngực, nhức đầu, tim đập nhanh, da nhợt nhạt, chóng mặt, tay chân lạnh.

Tuần hoàn máu kém cũng khiến lượng ôxy đến não giảm và có thể dẫn đến tình trạng “sương mù não”, khiến đầu óc lờ đờ, nhớ nhớ quên quên, khó tập trung suy nghĩ, xử lý thông tin, giải quyết vấn đề và tinh thần uể oải.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh thiếu máu

Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo mọi người một khi cảm thấy cơ thể có các biểu hiện bất thường nêu trên, hãy đi kiểm tra sức khỏe. Thông thường, các bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu và xem xét kích thước cũng như màu sắc tế bào hồng cầu, kiểm tra tỷ lệ phần trăm thể tích máu được tạo thành từ các tế bào hồng cầu, theo dõi nồng độ huyết sắc tố và ferritin (một loại prôtêin giúp dự trữ sắt trong cơ thể).

Một khi đã được chẩn đoán bị thiếu máu do thiếu sắt, bước quan trọng tiếp theo là cần xác định nguyên nhân gây bệnh. Theo Bác sĩ Nikka Kanani, thiếu máu có thể do tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng, xuất huyết, sử dụng một số loại thuốc và do di truyền. Ngoài ra, phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt, phụ nữ mang thai và những người mắc bệnh mãn tính là những đối tượng có nguy cơ bị thiếu máu cao nhất.

Sau khi tìm ra nguyên nhân cơ bản, bước hành động tiếp theo là điều trị bệnh. Đối với nhiều bệnh nhân thiếu máu do thiếu sắt, bổ sung sắt là biện pháp tốt nhất. Bác sĩ có thể khuyên dùng các loại thuốc sắt không kê đơn để bổ sung lượng sắt dự trữ trong cơ thể. Tuy nhiên, uống thuốc bổ sung sắt không phải là giải pháp phù hợp cho tất cả bệnh nhân, mà tùy vào thể trạng từng người.

Trong một số trường hợp, việc thực hiện thay đổi lối sống cũng có lợi cho bệnh nhân thiếu máu do thiếu sắt, chẳng hạn như giảm triệu chứng “sương mù não”. “Thói quen trong lối sống góp phần gây ra “sương mù não”, đặc biệt là mức độ căng thẳng cao, có thể tác động tiêu cực đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta. Các kỹ thuật giảm căng thẳng, chẳng hạn như thiền, tập yoga hoặc chỉ đơn giản là dành thời gian hòa mình vào thiên nhiên cũng có thể giúp giảm mức độ căng thẳng” - chuyên gia Bloomberg cho biết thêm.

Ngoài ra, bệnh nhân thiếu máu do thiếu sắt cũng có thể kết hợp các thực phẩm giàu chất sắt vào chế độ ăn uống hằng ngày. Các chuyên gia cho biết một chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng cần thiết để sản xuất hồng cầu có thể giúp giảm bớt các triệu chứng thiếu máu, bao gồm sắt, vitamin B12 và folate. Dùng vitamin C cùng với thực phẩm giàu chất sắt có thể làm tăng khả năng hấp thu sắt cho cơ thể.

Nhìn chung, thông qua những phương pháp điều trị thích hợp, bệnh nhân thiếu máu do thiếu sắt sẽ thấy chất lượng cuộc sống được cải thiện. Mức năng lượng cũng như năng suất làm việc của họ có thể được nâng cao hơn.

AN NHIÊN (Theo Fortune.com)

 

Chia sẻ bài viết