05/05/2012 - 20:41

Phòng chống sạt lở bảo vệ đô thị TP Cần Thơ

Gia cố đê bao, thay mới cống đập tại cồn Khương, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận
Bình Thủy.
 

TP Cần Thơ là đô thị trung tâm của vùng sông nước Cửu Long, hệ thống sông rạch chằng chịt, sự biến đổi của dòng chảy thời gian qua làm tăng nguy cơ sạt lở đê, sông trên địa bàn thành phố vào mùa mưa bão. Do vậy, việc theo dõi sát các điểm có nguy cơ sạt lở cao, đồng thời huy động nguồn vốn đầu tư cho các công trình chống sạt lở để chủ động khắc phục, ứng phó với hiểm họa này luôn được ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn thành phố đặc biệt quan tâm.

Nguy cơ cao

Theo Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ, năm 2011, trên địa bàn TP Cần Thơ xảy ra 12 vụ sạt lở, sụp lún làm chết 2 người, bị thương 5 người, sập 24 căn nhà... Ước thiệt hại của các vụ sạt lở hơn 3,5 tỉ đồng. Trong đó, vụ sạt lở đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại chợ Rạch Cam, phường Long Hòa, quận Bình Thủy vào ngày 9-5-2011 làm 2 người chết, 5 người bị thương, 12 lô sạp hàng hóa sụp xuống sông. Và mới đây, vào ngày 1-5-2012, trên địa bàn quận Bình Thủy lại tiếp tục xảy ra 1 vụ sạt lở tại khu vực 2 phường Trà An làm các dãy phòng trọ của 3 hộ dân sụp xuống sông Trà Nóc. Mặc dù nguy cơ sạt lở bờ sông thường xuyên được cảnh báo nhất là trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, vào mùa mưa bão, nhưng nhiều người dân sống ven sông rạch vẫn chủ quan, rồi còn lấn chiếm lòng kênh, sông, cơi nới bằng cừ tràm để xây dựng, mở rộng nhà ở, làm gia tăng nguy cơ sạt lở.

Ông Lê Tâm Niệm, Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, cho biết: “Ngành chức năng của quận đã xác định 18 điểm có nguy cơ sạt lở trên địa bàn, với 16 điểm trên đất liền (tập trung dọc theo các tuyến sông Trà Nóc, Bình Thủy, Rạch Cam), còn lại là đê bao ở Cồn Sơn và Cồn Khương thuộc phường Bùi Hữu Nghĩa. Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, quận đã thông báo, cảnh báo đến người dân sinh sống ven sông, rạch chủ động ngăn ngừa, ứng phó với hiểm họa sạt lở. Mặt khác, chỉ đạo các phường vận động nhân dân chủ động gia cố các điểm sạt lở. Trong trường hợp xảy ra sạt lở, ngành chức năng địa phương nhanh chóng huy động lực lượng hỗ trợ người dân di dời tài sản ra khỏi nơi nguy hiểm và tìm giải pháp khắc phục, gia cố”. Năm 2012, tình hình thời tiết được dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nên các quận huyện trên địa bàn thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống lụt bão sớm hơn để ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Mùa mưa đang bắt đầu, những diễn biến bất thường của thời tiết và tác động biến đổi dòng chảy trên các sông do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang đe dọa sinh kế, đời sống của người dân sống trong vùng sạt lở. Phòng chống sạt lở được xem là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách mà các địa phương và người dân thành phố phải thực hiện. Tuy nhiên, với những điểm sạt lở nhỏ, địa phương và người dân có thể chủ động khắc phục, còn các công trình quy mô lớn thì rất cần nguồn vốn đầu tư của thành phố và Trung ương để kiên cố hóa các công trình.

Chủ động ứng phó

Ngày 19-11-2010, UBND TP Cần Thơ ban hành Quyết định số 3164/QĐ-UBND “Về việc phê duyệt Đồ án Quy hoạch phòng chống sạt lở các sông, rạch trên địa bàn TP Cần Thơ” giai đoạn 2010-2015 và 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Qua đó, xác định phòng chống sạt lở là nhiệm vụ và mục tiêu chung quan trọng đối với phát triển kinh tế- xã hội của TP Cần Thơ. Đồ án xác định danh mục 25 công trình phòng chống sạt lở theo thứ tự ưu tiên đầu tư từ năm 2010-2030 với nguồn kinh phí dự kiến hơn 889,7 tỉ đồng. Trong giai đoạn 2010-2015 sẽ xây dựng các công trình phòng chống sạt lở theo thứ tự ưu tiên: Khu vực 1, dọc theo sông Hậu và sông Cần Thơ, những nơi có hố xoáy cục bộ, tại các đoạn hợp lưu các nhánh, các đoạn sông cong có chế độ dòng chảy phức tạp; Khu vực 2 là các sông, rạch, kênh trục nối trực tiếp với sông Hậu, chịu ảnh hưởng của chế độ dòng chảy lũ và thủy triều biển Đông, biển Tây; Khu vực 3 gồm hệ thống kênh trục, kênh cấp 2 nội đồng. Đến giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 sẽ tiếp tục di dời dân vào vùng ở ổn định, tuân thủ hành lang an toàn, tiếp tục xây dựng các công trình chống sạt lở tại các khu vực ưu tiên...

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, cho biết: “Thành phố đang triển khai thực hiện 2 công trình phòng chống sạt lở có quy mô lớn là công trình xây dựng Kè sông Cần Thơ do Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng thành phố quản lý và công trình kè chống sạt lở sông Ô Môn (quận Ô Môn) do Sở NN&PTNT quản lý. Các công trình hoàn thành sẽ góp phần đáng kể để phòng chống tình trạng sạt lở bờ sông, đảm bảo an toàn, ổn định cuộc sống và sinh hoạt của người dân ven sông, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm lòng sông, bờ sông, kết hợp chỉnh trang đô thị”. Ngoài ra, thành phố đã hoàn thành việc lập dự án đối với 3 dự án cấp bách gồm kè chống sạt lở chợ Rạch Cam (quận Bình Thủy), kè chống sạt lở khu vực chợ Mỹ Khánh (huyện Phong Điền), kè chống sạt lở khu vực rạch Cái Sơn (quận Ninh Kiều), đề nghị Trung ương hỗ trợ vốn kết hợp với nguồn vốn ngân sách cân đối của địa phương để sớm triển khai thực hiện.

Song, điều kiện ngân sách hạn hẹp, nguồn vốn đầu tư phân bổ cho các công trình chống sạt lở gặp không ít khó khăn. Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, việc xác định tính chất quan trọng của các công trình để ưu tiên đầu tư hợp lý là giải pháp mà thành phố xác định để từng bước tháo gỡ khó khăn về vốn đầu tư. Bên cạnh việc huy động nhiều nguồn lực từ xã hội để đầu tư xây dựng các công trình phòng chống sạt lở, thành phố cũng vận động các ngành chức năng, các địa phương thực hiện các giải pháp phi công trình như: tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, cắm biển cảnh báo ở các khu vực có nguy cơ sạt lở, gia cố tạm thời trong điều kiện cho phép, giảm tải bờ sông... Những giải pháp này được thực hiện đồng bộ sẽ góp phần giúp TP Cần Thơ từng bước phòng chống và khắc phục tình trạng sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản nhân dân, thúc đẩy sự phát triển của thành phố.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Gia cố đê bao, thay mới cống đập tại cồn Khương, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy. 

Chia sẻ bài viết