19/08/2024 - 09:02

Phòng, chống bạo lực học đường 

Bạo lực học đường (BLHĐ) là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự và nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học, xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập. Pháp luật đã có những quy định điều chỉnh để phòng ngừa và xử lý đối với tình trạng BLHĐ.

Học sinh Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa ký cam kết thực hiện các tiêu chí của mô hình “Trường học thân thiện, học sinh thanh lịch, không ma túy, không tệ nạn xã hội và không BLHĐ”. 

Theo Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17-7-2017 quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống BLHĐ, các biện pháp phòng ngừa BLHĐ gồm: tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học và cộng đồng về mối nguy hiểm và hậu quả của BLHĐ; trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi BLHĐ; ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi BLHĐ phù hợp với khả năng của bản thân; giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại người học, phòng, chống BLHĐ, bạo lực trẻ em trên môi trường mạng cho người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên của cơ sở giáo dục và gia đình người học; giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho người học; công khai kế hoạch phòng, chống BLHĐ và các kênh tiếp nhận thông tin, tố giác về BLHĐ; tổ chức kiểm tra, giám sát, thu thập và xử lý thông tin liên quan đến BLHĐ; thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực, không bạo lực đối với người học.

Các biện pháp hỗ trợ người học có nguy cơ bị BLHĐ: phát hiện kịp thời người học có hành vi gây gổ, có nguy cơ gây BLHĐ, người học có nguy cơ bị BLHĐ; đánh giá mức độ nguy cơ, hình thức bạo lực có thể xảy ra để có biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ cụ thể; thực hiện tham vấn, tư vấn cho người học có nguy cơ bị bạo lực và gây ra bạo lực nhằm ngăn chặn, loại bỏ nguy cơ xảy ra bạo lực.

Nghị định 80/2017/NĐ-CP quy định biện pháp can thiệp khi xảy ra BLHĐ: đánh giá sơ bộ về mức độ tổn hại của người học, đưa ra nhận định về tình trạng hiện thời của người học; thực hiện ngay các biện pháp trợ giúp, chăm sóc y tế, tư vấn đối với người học bị bạo lực; theo dõi, đánh giá sự an toàn của người bị bạo lực; thông báo kịp thời với gia đình người học để phối hợp xử lý; trường hợp vụ việc vượt quá khả năng giải quyết của cơ sở giáo dục thì thông báo kịp thời với cơ quan công an, UBND cấp xã, phường, thị trấn và các cơ quan liên quan để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.

Thông tư số 38/2019/TT-BLĐTBXH ngày 30-12-2019 hướng dẫn xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống BLHĐ quy định hỗ trợ khi có nguy cơ bị BLHĐ: phát hiện kịp thời học sinh, sinh viên có nguy cơ bị BLHĐ thông qua các biện pháp quản lý, theo dõi và các kênh thông tin; đánh giá mức độ nguy cơ, hình thức bạo lực có thể xảy ra để có biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ cụ thể đối với học sinh, sinh viên; tổ chức gặp gỡ, tìm hiểu, cảnh báo đối với học sinh, sinh viên về nguy cơ BLHĐ có thể xảy ra. Tư vấn các biện pháp cần thiết để học sinh, sinh viên có thể phòng, tránh BLHĐ; phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh, sinh viên và tổ chức, cơ quan liên quan trong việc hỗ trợ học sinh, sinh viên có nguy cơ bị BLHĐ. Ngoài ra, khi xảy ra BLHĐ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải có biện pháp cô lập, khống chế kịp thời các đối tượng gây ra BLHĐ, không để đối tượng tiếp tục gây các hậu quả không mong muốn. Liên lạc, báo cáo ngay với cấp thẩm quyền để xử lý vụ việc theo quy định. Trường hợp vụ việc vượt quá khả năng giải quyết của cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì thông báo kịp thời với chính quyền hoặc cơ quan chức năng để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật. Đánh giá sơ bộ về mức độ tổn hại của nạn nhân. Thực hiện ngay các biện pháp trợ giúp, chăm sóc y tế đối với nạn nhân. Theo dõi, đánh giá và có biện pháp hỗ trợ thiết thực bảo vệ an toàn cho nạn nhân trong thời gian tiếp theo. Thông báo kịp thời với gia đình nạn nhân để phối hợp xử lý.

Một số trường hợp BLHĐ nghiêm trọng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự. Cụ thể: Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã quy định, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý. Đối với những hành vi có tính chất nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của nạn nhân thì tùy tính chất mức độ có thể bị xử lý hình sự với người vi phạm từ đủ 16 tuổi trở lên. Còn đối với người đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Bài, ảnh: Hoàng Yến

Chia sẻ bài viết