28/09/2021 - 10:03

Phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ 

Trong chương trình truyền hình trực tuyến Bảo vệ trẻ trước các bệnh truyền nhiễm, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, đã tư vấn nhiều thông tin giúp phụ huynh chủ động phòng bệnh cho trẻ.

Học sinh ở quận Bình Thủy tự học tại nhà theo hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm.

Học sinh ở quận Bình Thủy tự học tại nhà theo hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm.

Thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong 8 tháng năm 2021, thành phố ghi nhận khoảng 14.800 trẻ dưới 18 tuổi mắc COVID-19. Thực tế dịch bệnh ở nước ta cho thấy các em trong độ tuổi từ 12-18 có tỷ lệ mắc COVID-19 nhiều hơn, do một số có bệnh nền như người lớn, nhất là ở trẻ béo phì. Béo phì do rối loạn chuyển hóa, gây ra tình trạng mỡ xấu, đường máu, huyết áp tăng lên và dễ tổn thương hơn nếu mắc COVID-19. Ở người béo phì thường thiếu vitamin D, yếu tố không chỉ giúp xương chắc khỏe mà còn tăng cường hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

Các đợt bùng phát dịch COVID-19 vừa qua cho thấy trẻ em ít mắc bệnh này hơn người lớn. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, do giãn cách xã hội, trẻ không đến trường, ít tiếp xúc nên ít khả năng lây bệnh. Ngoài ra, hệ miễn dịch trẻ em với COVID-19 có điểm khác so với người lớn. Tuy nhiên, khi các địa phương gỡ phong tỏa và giãn cách xã hội, người dân ra đường, cha mẹ đi làm, trẻ nhỏ đi học, tiếp xúc nhiều, nguy cơ lây lan dịch có thể gia tăng.

Do vậy, cộng đồng, nhà trường và gia đình cần chủ động các giải pháp chăm sóc, bảo vệ trẻ, dự phòng nguy cơ có thể gia tăng mắc bệnh COVID-19 ở trẻ và các biến chứng nặng có thể gặp phải. Nhà cửa, trường lớp cần được vệ sinh thường xuyên, thông thoáng. Cần dạy cho trẻ các biện pháp phòng ngừa cơ bản như rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi vào lớp học, trước khi ăn. Cho trẻ súc miệng bằng nước muối loãng, giúp diệt virus ở họng và bảo vệ sức khỏe răng lợi. Tạo thói quen mới cho trẻ khi ra chơi hay tan học nên tản mác ra, thực hiện tốt giãn cách.

Thời gian giao mùa tháng 9 sang tháng 10, thời tiết thay đổi, làm suy giảm sức đề kháng, gia tăng các bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh mối lo COVID-19, trẻ em dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm phổi, thanh quản, phế quản, tai. Bên cạnh đó, trẻ có nguy cơ mắc phải và lây lan các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, đối với những trẻ bị viêm mũi họng tái đi tái lại, phần lớn trường hợp chảy nước mũi, chỉ cần nhỏ mũi. Uống thuốc giảm đau họng như paracetamol. Bổ sung dinh dưỡng, ăn uống nhiều hơn, sau 3-5 ngày bệnh tự khỏi. Trẻ ho sốt 10 lần, có 8 lần là do virus, chỉ có 2 lần là do vi khuẩn. Do vậy, cần hạn chế sử dụng kháng sinh để phòng tránh tình trạng kháng kháng sinh ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ. Với những trường hợp trẻ ho, sốt, cha mẹ hãy quan sát trẻ thở. Nếu trẻ thở nhanh hơn bình thường hoặc lõm ngực khi thở, mệt lử, cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện thăm khám, chữa trị kịp thời. 

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết