25/02/2020 - 12:51

Phòng bệnh cúm gia cầm lây sang người 

Tính đến 16-2-2020, theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có 16 ổ dịch cúm gia cầm. Trong đó, 14 ổ dịch do H5N6 và 2 ổ dịch do H5N1 tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Trà Vinh. Tổng số gia cầm chết, tiêu hủy trên 55.000 con. Do vậy, các địa phương cần chủ động phòng dịch.

Người dân nuôi vịt cần cẩn thận phòng, bệnh cúm gia cầm. 

TP Cần Thơ hiện chưa xảy ra bệnh cúm gia cầm. Tuy nhiên, trong điều kiện giao thương, đi lại thuận tiện như hiện nay, người dân cần cảnh giác với bệnh này. Theo các chuyên gia y tế, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân nhiễm cúm A (H5N1) lên đến 50%. Riêng với bệnh cúm A (H5N6), mới ghi nhận 1 trường hợp tử vong tại Trung Quốc.

Bệnh cúm A (H5N1) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus cúm A (H5N1) từ gia cầm lây sang người. Bệnh diễn biến nặng, tiến triển nhanh, không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường và có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh cho người. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp; qua tiếp xúc trực tiếp với gia cầm, phân gia cầm, sản phẩm từ gia cầm, vật dụng, môi trường bị nhiễm mầm bệnh; qua ăn thịt, sản phẩm gia cầm chưa được nấu chín.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cúm A (H5N6) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do virus cúm thuộc nhóm A/H5N6 gây ra. Bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau, như: gà, vịt, chim cút... Đặc biệt, bệnh cúm gia cầm H5N6 có thể lây sang người và gây tử vong. Tại Việt Nam, chủng virus cúm này được phát hiện trên đàn gia cầm từ vài năm trước.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ (CDC Cần Thơ), mấy năm gần đây, thành phố không ghi nhận ca nhiễm cúm A (H5N1) trên người. Tuy nhiên, nhưng vẫn có nguy cơ bệnh cúm A (H5N1) trên gia cầm lây lan từ gia cầm sang người. Theo bác sĩ Trần Văn Tuấn, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế, CDC Cần Thơ, khi phát hiện gia cầm có biểu hiện cúm, chết, người dân cần báo ngay với lực lượng thú y. Cán bộ thú y sẽ lấy mẫu, gởi xét nghiệm để biết gia cầm chết do nguyên nhân gì. Khi kết quả dương tính, cán bộ thú y sẽ tiêu độc, khử trùng, tiêu hủy gia cầm chết… Ngành y tế xuống hộ gia đình xem có ai bị bệnh ho, sốt… lập danh sách người trực tiếp và gián tiếp tiếp xúc với gia cầm để theo dõi sức khỏe. Nếu có biểu hiện, kịp thời đưa đến cơ sở y tế cách ly, điều trị, lấy mẫu xét nghiệm (gởi Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh) theo quy định. Song song đó, ngành y tế mời hộ dân ở xung quanh đến tuyên truyền, phát tờ rơi, phun thuốc trong bán kính 200m. CDC Cần Thơ cũng tham mưu Sở Y tế có công văn chỉ đạo phòng, chống bệnh cúm A (H5N1), cúm A (H5N6) trên địa bàn.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm A(H5N1), cúm A(H5N6), bác sĩ Trần Văn Tuấn khuyến cáo người dân: Không ăn tiết canh, không ăn gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc; không quăng xác gia cầm và động vật bị chết xuống sông, kênh, rạch; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; chỉ sử dụng thịt và các sản phẩm từ gia cầm rõ nguồn gốc và được nấu chín kỹ.

Người chăn nuôi gia cầm vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng cho gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y, trạm y tế xã, phường. Khi có biểu hiện như: sốt, ho, đau ngực, khó thở và có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bị bệnh (nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn thịt gia cầm bị bệnh…), tiếp xúc gần với người bệnh nghi ngờ, có thể hoặc đã xác định mắc bệnh… phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Bộ Y tế chỉ đạo ngành y tế địa phương cần chú ý giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh trên người, đặc biệt nơi có ổ dịch cúm gia cầm. Với trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính hoặc viêm phổi nặng, có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm chết thì cần lưu ý lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm.

Từ năm 2003-2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận tổng cộng 861 trường hợp bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1 trên thế giới, trong đó 455 người tử vong. Từ năm 2004-2014, Việt Nam đã ghi nhận 127 người mắc bệnh, trong đó có 64 (50,4%) người chết vì mắc bệnh cúm A/H5N1.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết