Nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thời gian qua các cấp chính quyền TP Cần Thơ đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động người dân thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản và không đánh bắt bằng xung điện, chất nổ và các phương pháp có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Qua đó, góp phần tích cực nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng...
Hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản trên sông Cần Thơ ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
Nỗ lực bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Theo Ban Chỉ đạo Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản thuộc UBND TP Cần Thơ, thực hiện xã hội hóa trong công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản, Ban Chỉ đạo đã vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản đóng góp kinh phí thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản. Tổ chức lễ phát động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản nhân kỷ niệm ngày truyền thống nghề cá Việt Nam (1-4) trên toàn địa bàn thành phố với khoảng 1.000 lượt người tham dự, thực hiện thả 4.640kg giống thủy sản các loại. Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ cũng phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Cần Thơ thả cá phóng sinh tái tạo nguồn lợi thủy sản tại quận Ninh Kiều, với khoảng 2 tấn giống thủy sản. Vận động người dân thả cá về tự nhiên vào các ngày Rằm lớn, với số thả cá phóng sinh trong năm 2018 ước đạt trên 100.000 con cá giống các loại.
Năm qua, thành phố và địa phương kiểm tra, nhắc nhở và xử lý kịp thời nhiều trường hợp vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đáng chú ý, Chi cục Thủy sản đã tổ chức 21 cuộc thanh tra, kiểm tra 85 cá nhân khai thác thủy sản. Kết quả phát hiện 36 trường hợp vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 113.000.000 đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là sử dụng điện trực tiếp từ máy phát điện, sử dụng công cụ kích điện và tàng trữ, vận chuyển công cụ kích điện. Các quận, huyện triển khai được 766 đợt tuần tra công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản với khoảng hơn 3.849 lượt cán bộ tham dự, kiểm tra khoảng 897 trường hợp. Kết quả phát hiện 264 trường hợp vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 94 trường hợp với tổng số tiền xử phạt là 187.900.000 đồng.
Cần tháo gỡ khó khăn
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm của các nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên được cho là do con người khai thác, đánh bắt quá mức, khai thác bằng các phương pháp tận diệt, bắt cả cá lớn, cá bé, cá non, cá con và cá bố mẹ trong giai đoạn chuẩn bị sinh sản. Trong khi đó, công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn. Theo đánh giá của các sở ngành hữu quan thành phố và địa phương, hiện kinh phí, phương tiện và trang thiết bị và nguồn nhân lực phục vụ triển khai các hoạt động thanh tra, kiểm tra thường xuyên còn hạn chế. Cần Thơ có hệ thống sông rạch chằng chịt nên khó quản lý việc đánh bắt thủy sản bằng xung điện, nhất là trong thời điểm đêm tối hoặc những chỗ thường vắng người. Đa số người dân sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản lại là hộ nghèo, cận nghèo, không đất sản xuất, không có nghề nghiệp ổn định nên dẫn đến hành vi vi phạm hành chính và khó khăn trong công tác xử lý vi phạm hành chính. Theo ông Lê Hồng Thắng, chuyên viên Phòng thanh tra-pháp chế, Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, thành phố có 48 tuyến sông và nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi cho thủy sản phát triển. Tuy nhiên, việc khai thác quá mức, cùng với nhiều hình thức khai thác mang tính chất hủy diệt đã làm cho nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm...
Biến đổi khí hậu và môi trường sống bị biến đổi do các hoạt động của con người, nhất là việc xây dựng các công trình ngăn sông và sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp cũng đang làm cho nguồn lợi thủy sản tại nhiều nơi bị suy giảm. Tuy nhiên, hiện vẫn còn thiếu các nghiên cứu, đánh giá đầy đủ về các vấn đề trên để có giải pháp ứng phó một cách tối ưu. Ông Nguyễn Thanh Bình ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho rằng: "Hiện nay, cá bán trên thị trường chủ yếu là cá nuôi, cá đồng đánh bắt tự nhiên ngày càng khan hiếm, với giá bán khá cao. Tới đây, các loại thủy sản tự nhiên sẽ giảm mạnh nếu ngành chức năng không kịp thời ngăn chặn triệt để việc người dân dùng xuyệt điện để bắt cá theo kiểu tận diệt. Đặc biệt, Nhà nước cần siết chặt quản lý các loại phân thuốc và hóa chất phục vụ sản xuất nông nghiệp để tránh lưu hành các sản phẩm có tính chất gây hại nhiều cho nguồn lợi thủy sản và môi trường".
Theo ông Dương Hoàng Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, tới đây Trung ương và thành phố cần xem xét, xây dựng cơ chế phối hợp chặt giữa các lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi thú ý và bảo vệ thực vật trong quản lý, sử dụng các loại thuốc thú y, thủy sản và bảo vệ thực vật. Đồng thời, nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ những ngư dân nghèo, không có đất sản xuất hiện đang sinh sống bằng nghề khai thác thủy sản chuyển đổi ngành nghề đảm bảo cuộc sống nhằm chấm dứt tình trạng sử dụng xung điện và các công cụ trái phép để đánh bắt thủy sản...
Theo Ban Chỉ đạo Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản TP Cần Thơ, trong năm 2019 tiếp tục thông tin, tuyên truyền về Luật Thủy sản và các Nghị định của Nhà nước về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản và việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Tăng cường thanh tra, kiểm tra phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tổ chức công khai tiêu hủy các phương tiện khai thác có tính hủy diệt như xung điện, kích điện… và mời bà con trên địa bàn đến chứng kiến, nhằm tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân. Khen thưởng kịp thời cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích tốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và quần chúng có thành tích tốt trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản...
Bài, ảnh: Khánh Trung