16/07/2016 - 17:28

Phim hoạt hình ăn nên làm ra

Khan hiếm đề tài là một trong những nguyên do khiến nền công nghiệp điện ảnh Hollywood những năm gần đây bất ổn về doanh thu. Trong bối cảnh đó, phim hoạt hình được các chuyên gia đánh giá có tiềm năng phát triển lâu dài, cứu nguy cho các nhà làm phim. Thực tế gần đây phim hoạt hình đang là những "chiến binh" mạnh mẽ "xâm lăng" phòng vé không ngừng nghỉ. Năm 2016, doanh thu phòng vé luôn bùng nổ với phim hoạt hình.

Phim hoạt hình thống lĩnh phòng vé

Thống kê từ trang IMDB, khoảng 50 phim hoạt hình với nhiều nội dung, thể loại khác nhau đến từ nhiều hãng phim hoạt hình lớn nhỏ trên thế giới sẽ ra mắt khán giả trong năm 2016. Đây là con số thực sự ấn tượng với dòng phim được đánh giá là có đầu ra hạn hẹp, đối tượng khán giả chủ yếu là trẻ em. Sự bùng nổ này có cơ sở và dựa trên nhu cầu của của khán giả, kể từ thành công phòng vé vang dội của "Frozen" (2013), "Big Hero 6" (2014), "Inside Out" (2015). Bức tranh tổng thể phòng vé trong hơn 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy thể loại phim anh hùng, hành động đang bão hòa, trong khi phim hoạt hình dần có chỗ đứng. Trong số 10 phim có doanh thu nội địa Mỹ cao nhất năm 2016 (tính đến giữa tháng 7) đã có đến 4 tác phẩm là phim hoạt hình: "Finding Dory", "Zootopia", "Kung Fu Panda 3", "The Secret Life of Pets". Bất ngờ không dừng lại khi mỗi tác phẩm lại có thành tích đáng nể riêng.

"Zootopia".

"Zootopia" của hãng Disney, là câu chuyện phiêu lưu hài hước trong thế giới động vật. Cô nàng cảnh sát thỏ Judy Hopps và cậu cáo đường phố ngổ ngáo xảo quyệt Nick Widle buộc phải hợp tác để phá vỡ một âm mưu bí mật, bảo vệ bình an cho thị trấn Zootopia. Cả hai đã trải qua hành trình đầy bất ngờ, nguy hiểm. Khi vừa ra mắt, "Zootopia" đã phá mọi kỷ lục doanh thu phòng vé trước đó. Phim trở thành tác phẩm có doanh thu mở màn cao nhất mọi thời đại của hãng Walt Disney Animation Studios với hơn 73 triệu USD thu về trong 3 ngày ra mắt. Đây cũng là phim thứ hai trong năm 2016 cán mốc doanh thu hơn 1 tỉ USD. Nếu tính riêng dòng phim hoạt hình, "Zootopia" là tác phẩm thứ tư có được doanh thu "khủng", sau "Toy Story 3" (2010), "Frozen" (2013), "Minions" (2015).

Trong khi đó, sau gần 13 năm, "Finding Dory" mang cảnh sắc đại dương tuyệt vời trở lại với khán giả. Hành trình khám phá đại dương lần này không phải của hai cha con cá hề Marlin và Nemo, thay vào đó là cô nàng cá hay quên Dory phải trải qua nhiều nguy hiểm để tìm lại gia đình thất lạc. Câu chuyện đầy cảm động về tình bạn, tình thân của "Finding Dory" tiếp tục chinh phục khán giả và mang về thành công phòng vé đáng nể. Với hơn 54 triệu USD phòng vé trong ngày đầu ra rạp, "Finding Dory" đã đánh bại "Minions" trở thành phim hoạt hình có doanh thu mở màn cao nhất mọi thời đại.

Giới chuyên môn nhận định các nhà làm phim hoạt hình luôn chịu khó đầu tư mạnh về nhiều mặt, từ cốt truyện hấp dẫn có chiều sâu, cách xây dựng nhân vật siêu đáng yêu, cho đến kỹ xảo, đồ họa sắc nét… nhằm mở rộng đối tượng khán giả cho phim hoạt hình. Ông G. Leon, Phó Giám đốc điều hành của Ilion Animation, nhận định: "Chất lượng phim hoạt hình hiện nay thật đáng kinh ngạc, khiến chúng ta đang bị cuốn vào những bộ phim có cốt truyện độc đáo". Đề tài của phim hoạt hình cũng phong phú: hài hước, phiêu lưu, đến khám phá, siêu tưởng…

"The Secret Life of Pets".

Các phim hoạt hình ăn khách còn được chăm chút về công nghệ. Công nghệ 3D với hình ảnh sắc nét giúp nhân vật sống động và câu chuyện cuốn hút hơn. Đây cũng là một trong những lý do chính để phim hoạt hình thu hút khán giả đến rạp. Điển hình là "The Secret Life of Pets" của Universal Picture vừa mới ra rạp vào đầu tháng 7 vừa qua. Lấy bối cảnh tòa nhà chung cư bận rộn ở Manhattan, cuộc sống của chú chó Max bị đảo lộn cô chủ mang về thêm chó Duke. Cuộc tranh giành tình cảm của Max và Duke đã tạo nên nhiều tình huống hài hước, nhất là khi cả hai bất đắc dĩ trở thành thuộc hạ của chú thỏ quỷ quyệt Snowball- kẻ đang cầm đầu đội quân thú cưng chống lại các chủ nhân. "The Secret Life of Pets" thu hút bởi các phân cảnh hài hước, cũng như tạo hình ngộ nghĩnh, dễ thương của nhóm nhân vật: mèo béo Chloe lười biếng, chó trắng Gidget điệu đà, chó Mel mê bắt bướm…

Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi chỉ trong nửa đầu 2016, đã có 3 phim lọt vào top 50 tác phẩm hoạt hình có doanh thu phòng vé cao nhất mọi thời đại: "Zootopia" (vị trí thứ 4), "Finding Dory" (vị trí 20), "Kung Fu Panda 3"(vị trí 35). Ngoài các phim đình đám trên, khán giả còn đến rạp thưởng thức nhiều tác phẩm hoạt hình xuất sắc khác, như: "The Angry Birds Movie", "Ratchet & Clank", "Norm of the North"….

Sân chơi không chỉ dành cho các "ông lớn"

Phim hoạt hình trở thành "mảnh đất màu mỡ" được các hãng phim tranh nhau đầu tư. Disney, Pixar, DreamWorks Animation, 20th Century Fox, Warner Bros Pictures, Universal Pictures, Illumination Entertainment… đều có tác phẩm ra rạp trong nửa cuối năm 2016. Cụ thể, "Ice Age: Collision Course" của 20th Century Fox đã sớm có mặt ở rạp vào tháng 7. Phần 5 của Ice Age mở đầu thảm họa mới do chú sóc mê hạt dẻ Scrat nghịch ngợm gây ra, khiến bộ ba Sid, Manny và Diego buộc lòng phải di dời khu làng và lên đường tìm vùng đất mới. Hành trình mới kéo theo nhiều tình tiết hài hước, phiêu lưu mạo hiểm và những nhân vật mới đầy cá tính. Trong khi đó, Disney tiếp tục mang đến câu chuyện về những nàng công chúa với "Moana", dự kiến ra mắt vào tháng 11 tới. Phim kể về nàng công chúa da màu mạnh mẽ Moana quyết ra khơi tìm kiếm hòn đảo huyền thoại. Sau thành công của "The Secret Life of Pets", hãng Illumination Entertainment tiếp tục mang đến "Sing" với cuộc chiến giữ lại nhà hát kịch của chú gấu Buster Moon và những người bạn…

Ngoài các hãng phim lớn, thị trường phim hoạt hình còn có sự cạnh tranh đáng kể đến từ các hãng phim độc lập của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Argentina… Cụ thể, "Kubo and The Two Strings"- phim hoạt hình anh hùng đầu tiên của hãng phim Nhật nổi tiếng Laika- kể về chàng trai Kubo có thể triệu hồi linh hồn từ quá khứ. Hay "Your Name" của đạo diễn người Nhật Makoto Shinkai với câu chuyện tình đẹp đầy chất cổ tích. Hãng phim truyền thống Ghibli của Nhật cũng "bắt tay" với hãng phim Pháp Wild Brunch để cho ra mắt sản phẩm "The Red Turtle", kết hợp cách làm phim truyền thống với hiện đại. Trong khi đó, hãng phim độc lập Sony Pictures Imageworks của Anh, Canada, Columbia cũng không chịu thua khi chuẩn bị ra mắt "Storks" vào tháng 9 tới. "Storks" có thể sẽ "làm nên chuyện" với câu chuyện nhân văn về hai chú cò Junior và Tulip cùng nuôi dưỡng một em bé. Sony Pictures Imageworks từng làm nên thành công của "The Smurfs", "Surt’s Up"… khi hợp tác cùng Sony Pictures Animation. Ngoài ra, còn có "Snowtime!" của hãng phim Pháp CarpeDiem, "Animal Crackers" của Blue Dream Studios và công ty phim ảnh Trung Quốc Beijing Wen Hua Dong, hay "Rock Dog" của Huayi Brothers và Mandoo Pictures…

Sự bắt tay hợp tác của nhiều hãng phim ở nhiều quốc gia cho thấy phim hoạt hình đang trở thành xu hướng có thể thay thế phim siêu anh hùng vốn đang khiến khán giả "bội thực". Một câu chuyện nhẹ nhàng, hài hước, hình ảnh đẹp, lồng ghép những khúc nhạc cảm xúc, những thông điệp nhẹ nhàng về cuộc sống, phim hoạt hình đang được mọi đối tượng khán giả đón nhận.

ÁI LAM
(Tổng hợp từ businessinsider, hollywoodreporter, variety)

Chia sẻ bài viết