14/10/2019 - 09:11

Phiêu lưu “Trên con đường tơ lụa Nam Á” 

Là cây bút đi nhiều, viết nhiều, đặc biệt là thể loại du ký, tác giả Nguyễn Chí Linh khá quen thuộc với độc giả qua các chuyên mục du lịch của các báo, tạp chí trong nước và nhiều đầu sách chuyên về du ký. “Trên con đường tơ lụa Nam Á” (NXB Thế Giới) là một trong những tác phẩm gây ấn tượng với người đọc bởi không đơn thuần là viết về những điểm đến hấp dẫn, những trải nghiệm thú vị, mà còn là một cuộc phiêu lưu với muôn vàn nguy hiểm.

Con đường tơ lụa còn được gọi là con đường Đông - Tây hình thành từ những năm 220 Trước Công nguyên, do những người Trung Hoa giao thương tơ, lụa và gấm đến các quốc gia lân cận, nhất là khu vực Nam Á. Trên con đường đó còn xuất hiện việc mua bán các mặt hàng quý giá, việc truyền bá đạo Phật, cũng như có ý nghĩa quan trọng về mặt quân sự. Nguyễn Chí Linh đã từng đến các quốc gia Nam Á vào năm 2011, nhưng anh vẫn muốn quay trở lại vùng đất này theo con đường tơ lụa để tìm hiểu về Phật giáo, về cuộc sống của người dân ở Afghanistan trong thời loạn lạc chiến tranh…

Bắt đầu từ Bangladesh đến New Delhi, Kabul…, độc giả theo bước chân của Nguyễn Chí Linh khám phá cung đường huyền thoại, nghe những câu chuyện sống động, chân thực về đất nước, văn hóa và con người bản địa. Đặc biệt là hồi hộp, thót tim cùng tác giả trước những nguy cơ khôn lường…

6 chương của cuốn sách chứa ngồn ngộn những tư liệu hiện thực, lịch sử, văn hóa ở những nơi tác giả đi qua. Cách tác giả trần thuật lại câu chuyện như cách anh ghi nhật ký: chi tiết, cụ thể và đầy cảm xúc, tâm trạng. Những nguy hiểm mà tác giả nếm trải khi đi qua vùng đất mà Taliban chiếm đóng, khi bị tra xét; những rắc rối về thủ tục, giấy tờ, những khó khăn vì khác biệt văn hóa, ngôn ngữ… càng làm hành trình du lịch đậm chất phiêu lưu, mạo hiểm. Khi đã đi được 2/3 chặng đường, tác giả nghe tin mẹ bị tai nạn phải vào viện cấp cứu. Đi tiếp hay quay về là chọn lựa khó khăn nhất của anh lúc này vì lịch trình, vé máy bay không dễ gì đổi được. May mắn nhờ người thân, họ hàng chăm sóc, mẹ anh đã dần khỏe lại, động viên anh yên tâm tiếp tục hành trình còn dang dở.

“Trên con đường tơ lụa Nam Á” miêu tả những nét đẹp, những giá trị văn hóa, lịch sử, kinh tế thương mại ở từng công trình, thành phố, điểm đến nổi tiếng của các quốc gia Nam Á như: kinh đô vàng son một thời Lahore, kho bạc Bagram, sắc màu Pakistan, Bảo tàng quốc gia Afghanistan, đất Phật Bamyan, thung lũng Yakawlang, kinh đô Phật giáo Ấn Độ, những pháo đài, lăng mộ, nghĩa địa cổ… Các quốc gia Nam Á có những người dân đôn hậu, thân thiện, nhiệt tình giúp đỡ du khách nước ngoài. Và họ luôn mơ có cuộc sống yên bình, không chiến tranh, nền giáo dục phát triển… Tình người ấm ở những vùng đất còn chưa được bình yên là điều mà tác giả trân trọng và là động lực tiếp sức cho anh tiếp tục khám phá cung đường mơ ước.

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết