03/08/2012 - 23:02

"Phiên tòa thế kỷ" ở Brazil

Phiên tòa được cho là mang tính lịch sử của Brazil. Ảnh: Reuters

Tòa án Tối cao Brazil ngày 2-8 đã mở phiên xét xử vụ tham nhũng được xem là “lớn nhất trong lịch sử nước này” với hàng chục quan chức cấp cao bị dính líu. Vụ án được cho sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva và đảng Lao động (PT) cầm quyền.

Trong vụ xét xử mà báo chí gọi là “phiên tòa thế kỷ”, 38 bị cáo gồm các cựu bộ trưởng, nhà lập pháp, doanh nhân và nhân viên ngân hàng đã bị cáo buộc có hành vi mua phiếu bầu tại Quốc hội từ năm 2002 đến 2005. Những nhân vật chóp bu có thể kể đến là cựu Chánh văn phòng nội các Jose Dirceu, cựu Bộ trưởng Thông tin Liên lạc Luiz Gushiken, cựu Bộ trưởng Giao thông vận tải Anderson Adauto cùng hàng chục nhà lập pháp trong liên minh cầm quyền của cựu Tổng thống Silva. Tuy nhiên, vị tổng thống lên nắm quyền vào năm 2003 này không có trong danh sách bị truy tố.

Do tính chất liên quan, các thẩm phán của Tòa án Tối cao đã quyết định đưa tất cả 38 bị cáo vào chung trong một vụ án với hồ sơ dài 50.000 trang và liên quan đến 600 nhân chứng. 38 bị cáo trên đã bị cáo buộc với 1.089 tội, bao gồm tham nhũng, rửa tiền, biển thủ công quỹ... Tuy nhiên, không bị cáo nào trong số trên có mặt tại phiên tòa mà đều cử đại diện thay thế.

Hãng tin Mỹ AP dẫn lời giới điều tra cho biết bị cáo chính trong vụ án này là cựu Chánh văn phòng nội các Dirceu - nguyên lãnh đạo đảng Lao động và là nhân vật thân cận của cựu Tổng thống Silva. Chính khách 66 tuổi này bị cho là nhân vật chủ mưu đứng đằng sau mạng lưới tham nhũng trong chính quyền. Ông bị tố cáo đã đều đặn chi tiền cho các nhà lập pháp thuộc các đảng đồng minh trong Quốc hội để có được lá phiếu của họ kể từ khi đảng Lao động lên cầm quyền năm 2003. Tổng số tiền “lại quả” hằng tháng trên được cho lên đến 50 triệu USD và được cắt xén từ tiền quảng cáo của các công ty quốc doanh. Nếu bị buộc tội, ông Dirceu sẽ đối mặt với án phạt ít nhất 15 năm tù.

Trước vụ việc này, cựu Tổng thống Silva cho rằng ông đã bị cấp dưới qua mặt và đứng ra đại diện đảng Lao động xin lỗi người dân. Tuy nhiên, nhà lập pháp Roberto Jefferson - người tiên phong vạch trần đường dây tham nhũng này năm 2005 - cho rằng cựu tổng thống phải được đưa vào danh sách điều tra.

Thực tế, ông Silva từng bị chất vấn về việc đã gặp một thẩm phán của Tòa án Tối cao hồi tháng 5 và yêu cầu vị thẩm phán này dời cuộc xét xử sang tháng 10 để tránh ảnh hưởng đến uy tín của đảng Lao động. Tuy nhiên, ông phủ nhận cáo buộc trên. Được biết, vị tổng thống từng lãnh đạo Brazil suốt 2 nhiệm kỳ này rất được nhân dân yêu mến do có công giúp quốc gia Nam Mỹ phát triển kinh tế một cách vượt bậc.

Theo hãng tin Pháp AFP, vụ án mang tên “Mensalao” (nghĩa là “những khoản đút lót hằng tháng”) đã gây rúng động và thu hút sự quan tâm đặc biệt trên toàn đất nước Brazil. Dư luận cho rằng việc phanh phui và xét xử vụ án đã cho thấy tín hiệu tích cực ở một quốc gia mà nạn tham nhũng còn tràn lan. “Brazil sẽ đưa những vụ tham nhũng ra ánh sáng và người có tội sẽ bị kết án. Trong tương lai, các quan chức Brazil sẽ phải cân nhắc thật kỹ trước những hành động của mình” - một nhà nghiên cứu chính trị tại Đại học Brasilia nhận định.

Dự kiến, tiến trình xét xử vụ án Mensalao có thể kéo dài trong một tháng và phiên biện hộ cho bị cáo sẽ diễn ra vào hôm nay 4-8. Theo các nhà phân tích, vụ xét xử này có thể ảnh hưởng tới phe chính phủ trong cuộc bầu cử địa phương vào tháng 10 tới.

TRIẾT VĂN (Theo AP, AFP, Reuters)

Chia sẻ bài viết