24/04/2019 - 12:51

Phe Dân chủ chia rẽ về việc luận tội ông Trump 

Đảng Dân chủ hiện lâm vào tình thế khó xử giữa một bên quan ngại hậu quả chính trị trong khi số khác thúc giục đưa Tổng thống Donald Trump (ảnh) ra luận tội.

Ảnh: Business Insider

Ảnh: Business Insider

Tuần rồi, Bộ Tư pháp Mỹ công bố kết quả cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016. Tuy không kết luận ông Trump “âm mưu hay thông đồng” với Mát-xcơ-va, nhưng tài liệu trưng ra luận điểm khiến nhiều người hoài nghi ông chủ Nhà Trắng phạm tội cản trở công lý. Ủy ban Tư pháp Hạ viện sau đó bỏ phiếu trao quyền cho Chủ tịch Jerry Nadler ra trát yêu cầu được cung cấp toàn bộ nội dung cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, mở ra cuộc chiến pháp lý tiềm năng giữa các nhà lập pháp Dân chủ và Nhà Trắng.

Trong động thái gây áp lực, ông Nadler đã ra trát triệu tập cựu cố vấn Nhà Trắng Donald McGahn - một trong những nhân vật trung tâm trong báo cáo, ra điều trần vào cuối tháng 5. Người đứng đầu Ủy ban Tư pháp Hạ viện khẳng định phe Dân chủ sẽ thúc đẩy các cuộc điều tra về Tổng thống Trump tại Quốc hội để “tìm kiếm sự thật”. Ông cũng nêu rõ hành vi cản trở tư pháp nếu được chứng minh sẽ là cơ sở khởi động thủ tục luận tội và phế truất.

Tuy nhiên, một số thành viên đảng Dân chủ cho rằng thủ tục luận tội không đơn giản khi Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát có thể không bãi nhiệm ông Trump. Đồng thời, họ quan ngại tranh luận xoay quanh tiến trình này có thể khiến cử tri bất mãn và gây xao lãng chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020, thậm chí giúp ông Trump thu được ủng hộ về mặt chính trị. Trái với ý kiến trên, số khác đặt câu hỏi liệu Hạ viện có nên làm nhiều hơn để buộc ông Trump chịu trách nhiệm về các hành động đã dẫn ra trong báo cáo. Nhiều người cảnh báo bỏ qua quy trình luận tội là thông điệp cho đương kim tổng thống và những người kế nhiệm, rằng hành vi sai trái nghiêm trọng có thể được cho qua. Trong số đó, thượng nghị sĩ Elizabeth Warren - ứng viên tổng thống đầu tiên của đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử năm 2020, là người tích cực vận động Quốc hội  khởi động thủ tục loại ông Trump khỏi Nhà Trắng.

Trước tình thế khó xử như trên, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi trong cuộc họp nội bộ đảng Dân chủ đã thảo luận về việc phải làm gì cùng các thành viên cấp cao khác. Nhắc lại đề nghị trước đó, bà Pelosi không hoàn toàn bác bỏ khả năng luận tội ông Trump nhưng cho rằng Hạ viện nên thận trọng và tiếp tục các cuộc điều tra về tổng thống trước khi quyết định có nên bắt đầu tiến trình này hay không. Đối mặt sức ép từ đảng Dân chủ, Tổng thống Trump hôm 22-4 cho biết bản thân ông không lo lắng nguy cơ bị luận tội. Trên Twitter, ông chủ Nhà Trắng còn nhấn mạnh chỉ có phạm tội nghiêm trọng và cư xử sai trái mới dẫn đến kết quả này trong khi bản thân ông không phạm tội (không câu kết với Nga, không cản trở điều tra) nên không có căn cứ để luận tội.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết