17/02/2020 - 16:17

Phẫu thuật thành công cho bệnh nhân đa tổn thương hiếm gặp 

 (CTO)- Sáng 17-2, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT), lần đầu tiên tại bệnh viện và ĐBSCL, các bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương vừa phẫu thuật thành công bệnh nhân đa tổn thương hiếm gặp: gãy nhiều xương ở 6 vị trí .

Bệnh nhân N.V.H, nam, 26 tuổi, ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Ngày 2-2, bệnh nhân chạy xe máy bị va chạm xe taxi, gãy đa xương và được nhập viện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang. Sau khi xử trí,  BV đã chuyển lên BVĐKTƯCT.

Ê kíp phẫu thuật cho bệnh nhân

Hội chẩn tại Khoa Ngoại chấn thương chẩn đoán: Bệnh nhân bị đa tổn thương - gãy hở mỏm khuỷu trái; gãy hở xương đùi trái, bàn chân trái; gãy kín 2 xương cẳng chân trái, xương đùi phải, 2 xương cẳng chân phải. Ê kíp phẫu thuật đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân 2 lần, tổng thời gian gần 9 giờ. Sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh táo, ăn uống tốt, giảm đau nhiều, mạch chân 2 bên rõ. Bệnh nhân được tiếp tục điều trị tại Khoa Ngoại chấn thương và tiếp tục xử trí vết thương phức tạp bàn chân trái do gãy nát. Hướng dẫn tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng vận động, theo dõi tình trạng vết thương và lành xương.

Theo bác sĩ Huỳnh Thống Em, Trưởng Khoa Ngoại chấn thương: Theo y văn, gãy xương đùi và gãy xương chày cùng bên còn gọi là gãy bập bềnh gối. Trường hợp gãy bập bềnh cả 2 gối là tổn thương rất hiếm gặp. Theo y văn, chỉ có 3 ca được báo cáo. Gãy bập bềnh 2 gối, ngoài những vấn đề lo ngại nhất là gây shock chấn thương do tổn thương đa gãy xương mất nhiều máu, đau đớn, mà còn biến chứng khác như thuyên tắc mạch do mỡ, thuyên tắc phổi do huyết khối, nhiễm trùng, tổn thương mạch máu, dây chằng khớp, cũng như việc phục hồi chức năng vận động cần thời gian rất dài.

Thầy thuốc thăm khám, động viên bệnh nhân. 

Việc thực hiện kết hợp xương cùng lúc 4 xương lớn và những tổn thương khác kèm theo sẽ kéo dài thời gian mổ, tăng nguy cơ mất máu nhiều dễ gây rối loạn đông máu, nguy cơ thuyên tắc mỡ… Do đó xử trí tối ưu nhất ở ca bệnh này là phẫu thuật sớm cắt lọc và xử trí tổn thương gãy hở trước, để kiểm soát nguy cơ nhiễm trùng vết thương do gãy hở. Sau 4 ngày, tổng trạng bệnh nhân ổn định và chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật tiếp theo đầy đủ hơn, nên tiến hành kết hợp xương bên trong cho chân còn lại bao gồm xương đùi - cẳng chân (P) và mỏm khuỷu (T). Do đó, chia làm 2 lần can thiệp nhằm giảm thiểu nguy cơ trên.

Tại BVĐKTƯCT, 100% phẫu thuật viên chính chấn thương chỉnh hình đều được đào tạo nâng cao từ nước ngoài. Đây là tiền đề quan trọng trong việc tiến đến thành lập trung tâm chấn thương chỉnh hình trực thuộc bệnh viện.

H.Hoa

Chia sẻ bài viết