26/09/2024 - 10:50

Phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu 

Phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương, huyện Phong Điền tích cực phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu. Từ đó, kinh tế - xã hội của huyện thêm khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao.

Phát huy thế mạnh

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, chia sẻ: Mục tiêu căn cơ của chương trình xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn trên nền tảng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp, có cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý. Vì vậy, phát triển kinh tế nông thôn sẽ tạo tiền đề để thực hiện thành công xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Huyện chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập của người dân…

Vùng chuyên canh vú sữa xã Trường Long, huyện Phong Điền.

Với thế mạnh phát triển vườn cây ăn trái, đến nay, toàn huyện có 9.058ha diện tích vườn cây ăn trái; trong đó, diện tích cho trái gần 7.185ha. Huyện đã xây dựng và hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh trên địa bàn như vùng chuyên canh vú sữa xã Giai Xuân, Trường Long với diện tích 464,3ha; vùng chuyên canh sầu riêng xã Tân Thới và thị trấn Phong Điền với diện tích 1.345,5ha và vùng mở rộng liền kề xã Nhơn Ái có diện tích 661ha; vùng chuyên canh nhãn xã Nhơn Nghĩa với diện tích 253ha; vùng chuyên canh dâu Hạ Châu xã Nhơn Ái với diện tích 55,6ha; vùng chuyên canh chanh không hạt xã Trường Long, Giai Xuân với diện tích 115,8ha.

Nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện đã hỗ trợ, hướng dẫn nông dân ứng dụng những mô hình công nghệ cao. Đơn cử: lắp đặt hệ thống tưới phun cho vườn cây ăn trái của 2.361 hộ với tổng diện tích 1.457,8ha. Xây dựng 5 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gồm: mô hình nhà lưới trồng rau, có diện tích 0,07ha; nhà lưới trồng rau thủy canh, có diện tích 0,05ha; nhà lưới trồng dưa lưới, có diện tích 0,15ha; nhà trồng nấm đông trùng hạ thảo, có diện tích 0,02ha; nhà lưới trồng dược liệu, có diện tích 0,2ha. Từ đầu năm đến nay, huyện triển khai thực hiện và cơ bản hoàn thành thêm 6 mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, vượt 2 mô hình so kế hoạch đề ra. Cụ thể, 5 mô hình VietGAP trên cây sầu riêng tại Tổ hợp tác Nhơn Thọ 2, Hợp tác xã Thanh Xuân, Tổ hợp tác sầu riêng Nhơn Lộc 2A, Chi hội nghề nghiệp trồng sầu riêng Mỹ Hòa, Hợp tác xã sầu riêng Tân Bình; 1 mô hình VietGAP trên cây vú sữa tại xã Giai Xuân.

Không chỉ phát triển sản xuất gắn với thế mạnh của địa phương, việc đổi mới hình thức tổ chức sản xuất cũng được coi là một trong những giải pháp quan trọng. Các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện đang phát triển theo hướng đa dạng các loại hình dịch vụ nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thành viên và thị trường. Trên địa bàn huyện hiện có 30 hợp tác xã, với 571 thành viên, vốn điều lệ 15.048 tỉ đồng, với diện tích sản xuất 472ha. Đến nay, huyện đã có 11 sản phẩm OCOP (chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”) từ 3 sao. Huyện đang hỗ trợ, hướng dẫn cho các chủ thể thực hiện đăng ký xây dựng cho 7 sản phẩm OCOP trong năm 2024...

Thực hiện “mục tiêu kép”

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất, kinh tế - xã hội huyện Phong Điền ngày càng khởi sắc, đồng thời, góp phần để huyện hoàn thành các nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Qua đó, diện mạo nông thôn chuyển biến rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần người dân không ngừng nâng cao. Chú Nguyễn Văn Mười ở ấp Nhơn Thọ 2, xã Nhơn Ái, cho biết: “Gia đình tôi chuyển đổi diện tích vườn kém hiệu quả sang trồng sầu riêng. Nhờ sự quan tâm hỗ trợ của ngành chuyên môn trong kỹ thuật chăm sóc sầu riêng, mấy năm nay vườn sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập được cải thiện nên đời sống gia đình tôi cũng thoải mái hơn. Hiện nay, gia đình tôi phối hợp với ngành chuyên môn tiến hành các bước thực hiện trồng sầu riêng theo quy trình VietGAP để nâng cao chất lượng trái sầu riêng…”.

Hiện nay, bên cạnh nâng chất các tiêu chí xã NTM nâng cao, Phong Điền phấn đấu xây dựng hoàn thành thêm 2 xã NTM kiểu mẫu trong năm 2024 là xã Tân Thới và Nhơn Ái. Đồng thời, huyện đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí huyện NTM nâng cao. Trong đó, các yêu cầu về thu nhập của người dân, hình thức tổ chức sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo… đòi hỏi cao hơn. Vì vậy, phát triển sản xuất góp phần thực hiện “mục tiêu kép” là phát triển bền vững kinh tế nông thôn và xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Ái, cho biết: Việc nâng cao thu nhập cho người dân luôn liên quan đến nhiều yếu tố khác trong cả quá trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Chính vì vậy, xã tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế nhằm khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng thông qua việc đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời quan tâm tạo việc làm để nâng cao thu nhập cho người dân địa phương...

Ông Nguyễn Văn Thắng cho biết: Huyện tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng tập trung sản xuất quy mô lớn dựa trên ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp thông minh. Chú trọng thúc đẩy các mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất và kinh doanh nông nghiệp. Cùng đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa. Huyện quan tâm củng cố, nâng chất các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn phát huy hiệu quả kinh tế tập thể; hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể xây dựng các sản phẩm OCOP...

Bài, ảnh: T. TRINH

Chia sẻ bài viết