26/11/2017 - 16:58

Phát triển phẫu thuật tim ít xâm lấn tại Cần Thơ 

Phẫu thuật tim nội soi và ít xâm lấn có những điểm ưu việt: hiệu quả điều trị cao, đảm bảo tính thẩm mỹ, bệnh nhân ít đau sau mổ, giảm thời gian và chi phí điều trị. Kỹ thuật này được các chuyên gia tim mạch của Bệnh viện (BV) Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh chuyển giao cho ê kíp phẫu thuật tim của BV Đa khoa TP Cần Thơ.

Nhiều ca thành công

Bác sĩ CKII Phạm Văn Phương, Trưởng Khoa Ngoại lồng ngực – mạch máu thăm hỏi bệnh nhân sau phẫu thuật tim.  

Hai tuần sau ca phẫu thuật, chú H. H. D. (69 tuổi, ở quận Ô Môn) cảm thấy khỏe hơn, không còn các cảm giác mệt, khó thở. Chú D. có tiền sử thiếu máu cơ tim cục bộ và mắc nhiều bệnh lý mãn tính (thận suy).

Cách nay hơn 2 tháng, chú D. lên cơn đau tim, người thân đưa nhập viện BV Đa khoa TP Cần Thơ. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị hẹp van động mạch chủ, van động mạch chủ hai mảnh, phình động mạch chủ ngực.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, đây là tổn thương bẩm sinh, thời gian đầu người bệnh vẫn sống bình thường, không phát hiện bệnh. Từ 40, 50 tuổi trở lên, van động mạch bị vôi hóa, lỗ van bị hẹp, khiến bệnh nhân đối mặt với các bệnh lý gây nguy hiểm sức khỏe, tính mạng như: thiếu máu não, thiếu máu cục bộ cơ tim, tai biến mạch máu não…

Chú D. được các bác sĩ tiến hành thay van động mạch chủ kết hợp với thay đoạn phình động mạch chủ. Đây là trường hợp đầu tiên được thực hiện tại BV Đa khoa TP Cần Thơ, kể từ khi triển khai phẫu thuật tim vào cuối năm 2016 đến nay.

Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Hoàng Định, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch – BV Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, ca phẫu thuật thành công cho thấy ê kíp phẫu thuật tim của BV Đa khoa TP Cần Thơ nắm vững kỹ thuật được chuyển giao.

Từ năm 2010, các bác sĩ ngoại lồng ngực BV Đa khoa TP Cần Thơ đã triển khai phẫu thuật phình động mạch chủ bụng. Đến nay, các bác sĩ thực hiện thuần thục, phẫu thật thành công gần 40 ca, kịp thời cứu sống nhiều trường hợp nguy kịch tính mạng.

Bác sĩ CKII Phạm Văn Phương, Trưởng Khoa Ngoại lồng ngực – mạch máu BV cho biết: “Phẫu thuật thay van động mạch chủ kết hợp với thay đoạn phình động mạch chủ ngực bằng ống ghép nhân tạo là kỹ thuật cao của lĩnh vực phẫu thuật lồng ngực tim mạch. Việc BV triển khai ngày càng nhiều kỹ thuật cao giúp người bệnh trong vùng được tiếp cận kỹ thuật cao, với chi phí điều trị hợp lý”.

Từ cuối năm 2016 đến nay, trong khuôn khổ chương trình hợp tác chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật tim giữa BV Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh và BV Đa khoa TP Cần Thơ, BV Đa khoa thành phố Cần Thơ đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật tim. Phần lớn các trường hợp được phẫu thuật nội soi.

Theo bác sĩ CKII Phạm Văn Phương, từ khi triển khai phẫu thuật mổ tim tại BV Đa khoa TP Cần Thơ, đã có nhiều bệnh nhân được phẫu thuật, điều trị các bệnh lý van tim, lỗ thông liên thất, thông liên nhĩ và bệnh mạch vành.

Với sự phối hợp nhịp nhàng của các chuyên gia tim mạch BV Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh và ê kíp phẫu thuật tim BV Đa khoa thành phố, sắp tới, trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh của vùng sẽ có điều kiện được phẫu thuật, điều trị tại Cần Thơ.

Điều trị sớm, hiệu quả cao

Phó Giáo sư – Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Hoàng Định, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch – BV Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cho biết, phẫu thuật tim nội soi ngày càng phát triển, chỉ định ngày càng mở rộng. Đối với bệnh tim người lớn, khoảng 80% trường hợp có thể mổ nội soi, ít xâm lấn, bệnh nhân ít đau, ít mất máu, hồi phục nhanh, sớm trở lại cuộc sống bình thường và đặc biệt, đảm bảo về yếu tố thẩm mỹ, nhất là đối với bệnh nhân nữ.

Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Định, bệnh lý tim bẩm sinh chiếm khoảng 1% số trẻ sinh ra, với các bệnh lý thường gặp: thông liên nhĩ, thông liên thất, hẹp eo động mạch chủ, tứ chứng Fallot,… Đó là những bệnh lý đơn giản, có thể dễ dàng phẫu thuật điều trị, chiếm khoảng 70 – 75% tổng số các trường hợp tim bẩm sinh.

Còn khoảng 20 -25% các trường hợp tim bẩm sinh phức tạp, buộc phải phẫu thuật sớm, với nhiều khâu phẫu thuật, giúp bệnh nhân có thể tiếp tục phát triển; ngược lại, nếu không điều trị sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.

Ngày nay, với sự phát triển của y học, trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh có thể được tầm soát, phát hiện từ trong bào thai. Tim và mạch máu hình thành vào tuần thứ 3 – 4 của thai kỳ, nên trong giai đoạn này, thai phụ không may bị nhiễm siêu vi, hóa chất độc hại, uống rượu, hút thuốc lá,… sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành của tim.

Khoảng tháng thứ 3 – 4 của thai kỳ, siêu âm tim sẽ giúp phát hiện những bất thường của tim, để có thể điều trị ngay trong tháng đầu tiên sau sinh, giúp trẻ có cơ hội sống sót. Các chuyên gia tim mạch khuyến cáo: Thai phụ nên khám thai định kỳ, để được tầm soát và phát hiện sớm dị tật bẩm sinh của trẻ từ trong bào thai, để trẻ được điều trị kịp thời, đạt hiệu quả cao. 

Khi người bệnh có các dấu hiệu bất thường về tim mạch, với các triệu chứng như đau ngực, khó thở,… đến phòng khám số 19 – lầu 1, BV Đa khoa TP Cần Thơ để được các bác sĩ thăm khám, điều trị kịp thời, tránh các biến chứng làm ảnh hưởng đến sức khỏe.

 

Bài, ảnh: THU SƯƠNG 

Chia sẻ bài viết