17/11/2015 - 20:39

THỚI LAI

Phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp

Thời gian qua, các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn huyện Thới Lai đã đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân… Tuy nhiên, hoạt động kinh tế hợp tác trên địa bàn huyện còn nhiều hạn chế, có nhiều THT, HTX hoạt động không hiệu quả hoặc ngưng hoạt động; khó khăn về vốn, đất đai và chính sách hỗ trợ, chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh hợp lý,…

* Phát triển nhưng chưa bền vững

Huyện Thới Lai hiện có 16 HTX nông nghiệp, 453 THT và 29 câu lạc bộ. Các câu lạc bộ hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thực hiện bơm tưới, xuống giống và thu hoạch đồng loạt, chuyển giao khoa học kỹ thuật... Nhìn chung, các hình thức tổ chức sản xuất trên địa bàn huyện gắn với tiêu chí thứ 13 trong xây dựng nông thôn mới là "có THT và HTX hoạt động hiệu quả".

Sử dụng máy tách hạt phục vụ sản xuất lúa giống tại HTX Thới Tân, huyện Thới Lai.

Các HTX nông nghiệp huyện đã chuyển đổi sang hoạt động theo Luật HTX năm 2012 với 3 mô hình chủ yếu: HTX nông nghiệp chuyên làm dịch vụ hỗ trợ, HTX nông nghiệp sản xuất tập trung, HTX sản xuất kinh doanh tổng hợp. Riêng các THT trên địa bàn huyện phát triển đều ở địa phương, trong đó tập trung nhiều ở các xã Tân Thạnh, Trường Thắng, Trường Xuân A, Định Môn. Bà Phạm Thị Ngọc Bích, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Lai, cho biết: Sự phát triển của THT ở Thới Lai thời gian qua cho thấy tính linh hoạt, thích hợp với trình độ sản xuất của kinh tế hộ ở nhiều khu vực, nhất là trong nông nghiệp, nông thôn. THT đã và đang có vai trò rõ nét trong nâng cao năng lực kinh tế hộ; giúp các thành viên sử dụng có hiệu quả nguồn lực lao động, vật tư, tiền vốn, đất đai; tiếp nhận thông tin, tiến bộ khoa học, kỹ thuật, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên… Sau gần 5 năm, từ năm 2011 đến tháng 8-2015, các HTX nông nghiệp ở Thới Lai đã huy động được vốn khá lớn và ngày càng tăng. Nếu như năm 2011 vốn điều lệ huy động từ các thành viên HTX nông nghiệp đạt 1.082,7 tỉ đồng thì đến tháng 8-2015 đã tăng lên 3.432,7 tỉ đồng; đạt tốc độ tăng bình quân 6,75%/năm.

Tuy nhiên, do trình độ năng lực quản lý của cán bộ THT, HTX còn hạn chế; quy mô sản xuất kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ nên các THT, HTX gặp khó trong liên kết sản xuất, mở rộng quy mô... Ông Tô Thành Mông, Chủ nhiệm HTX Thới Tân, chia sẻ: Trong quá trình hoạt động, HTX đầu tư kho chứa thức ăn, ghe vận chuyển với tổng nguồn vốn trên 600 triệu đồng. Tuy nhiên, việc tiếp cận các nguồn vốn từ bên ngoài để đầu tư cho HTX gặp không ít khó khăn. Tài sản có giá trị thế chấp của HTX không lớn, nên việc vay vốn tín dụng dài hạn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng gặp khó khăn, khiến cho khả năng đầu tư thiết bị, máy móc kỹ thuật vào sản xuất gặp trở ngại… Ngoài ra, đa số HTX có quy mô nhỏ, hoạt động hỗ trợ xã viên hiệu quả chưa cao, phát triển chưa thực sự bền vững, mức đóng góp vào nền kinh tế của địa phương không nhiều. Vốn ngân sách địa phương còn hạn chế nên chưa đáp ứng nhu cầu hỗ trợ cho các THT, HTX nông nghiệp, nhất là đào tạo nâng cao trình độ cán bộ quản lý.

*Tìm hướng đi mới

Nhiều ý kiến cho rằng, mô hình kinh tế tập thể (THT, HTX) giúp nông dân có đủ năng lực để liên kết với các doanh nghiệp theo hình thức hợp đồng hỗ trợ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Do đó, cần tạo môi trường thuận lợi về cơ chế, chính sách… để các THT, HTX duy trì và phát triển theo định hướng của Nhà nước. Đặc biệt, cần chú trọng trong việc thực thi các chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và khoa học, công nghệ cho các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp. Nguồn vốn hoạt động cũng được xem là một trong những vấn đề nan giải của loại hình kinh tế hợp tác ở Thới Lai và cả TP Cần Thơ. Do đó, thành phố cần có chính sách hỗ trợ các HTX nông nghiệp có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi nhằm khuyến khích các HTX đầu tư trở lại và mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.

Bà Phạm Thị Ngọc Bích, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Lai, chia sẻ: Quá trình hợp tác sản xuất của các xã viên trong THT, HTX tạo ra những mô hình sản xuất với quy mô lớn, sản xuất cùng loại sản phẩm, ứng dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất. Song song đó, cần chú trọng khuyến khích các mối liên doanh, liên kết giữa các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ và giữa các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

Các THT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp có phát triển mạnh mẽ và đúng hướng hay không, phụ thuộc một phần rất quan trọng vào cơ chế, chính sách và phương pháp tổ chức, quản lý của chính quyền các cấp ở địa phương và sự năng động, sáng tạo trong đầu tư sản xuất kinh doanh của chính bản thân các THT và HTX. Theo ông Nguyễn Đức Phương, Phó Chủ tịch Liên minh HXT TP Cần Thơ, xu hướng chuyển các THT sang hình thức HTX sẽ là bước phát triển mới của kinh tế hợp tác, phù hợp với mục tiêu sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Điều này không những giúp huy động và sử dụng có hiệu quả các tiềm năng về vốn, đất đai, lao động trong dân cư, sự năng động sáng tạo, kinh nghiệm sản xuất của một bộ phận dân cư mà quan trọng hơn đây chính là nhân tố thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng gia tăng năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh và nhất là tăng thu nhập cho từng nông hộ, từng THT, HTX.

HUỲNH HẢI ĐĂNG

Chia sẻ bài viết