06/05/2022 - 06:40

Phát triển kinh tế ban đêm gắn với du lịch 

Kinh tế ban đêm được xem là một trong những giải pháp quan trọng tăng sức hút với du khách, tạo hệ thống sản phẩm dịch vụ đa dạng, góp phần kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của du khách. Tại TP Cần Thơ, mô hình này đang được triển khai.

Tín hiệu tích cực từ Tuyến phố đi bộ Ninh Kiều

Du khách tham quan Tuyến phố đi bộ Ninh Kiều.

Du khách tham quan Tuyến phố đi bộ Ninh Kiều.

Tuyến phố đi bộ Ninh Kiều vừa đi vào hoạt động ngày 30-4-2022 trên đoạn đường Hai Bà Trưng (khu vực công viên Ninh Kiều), là tuyến phố đi bộ đầu tiên của Cần Thơ, kỳ vọng là điểm đến thu hút du khách trong nước và quốc tế. Ngày tuyến phố đi bộ ra mắt, trời mưa lớn nhiều đợt, nhưng du khách vẫn đông đảo. Chị Trần Thị Thùy Linh (ngụ tại quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), vui vẻ bày tỏ: “Tuyến phố đi bộ náo nhiệt, có nhiều hoạt động biểu diễn, trò chơi… phù hợp với nhiều lứa tuổi”. Chị Nguyễn Thị Bảo Thy (Vĩnh Long) cho biết: “Tôi cùng nhóm bạn đến Cần Thơ chơi, biết được có tuyến phố đi bộ nên nán lại tham quan, tham gia một số trò chơi. Mặc dù trời mưa, tuyến phố đi bộ vẫn đông vui và về lâu dài đây là hoạt động rất hay vì tạo được không gian vui chơi thoải mái cho du khách”.

Tuyến phố đi bộ có 3 khu vực với các hoạt động đa dạng. Khu vực 1 có các gian hàng mua sắm, ẩm thực, biểu diễn đờn ca tài tử. Khu vực 2 có các hoạt động truyền thống. Còn khu vực 3 diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt náo, trò chơi dân gian, ảo thuật… Xuyên suốt tuyến phố đi bộ sẽ có các chương trình biểu diễn nhạc cụ từ truyền thống đến hiện đại, nhảy hiện đại, dân vũ, khiêu vũ, dancesport… Anh Đoàn Thành Trung (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Trước đây, Cần Thơ ít có các hoạt động về đêm nên du khách dễ chán. Nay có tuyến phố đi bộ nên tôi nán lại. Tôi nghĩ bước đầu tuyến phố đông vui, về lâu dài nên có nhiều hoạt động cho du khách tham gia tương tác hơn”.

Ông Huỳnh Trung Trứ, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết tuyến phố đi bộ tạo thêm cơ hội phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch địa phương; đồng thời góp phần tạo điểm nhấn cho du lịch Ninh Kiều nói riêng và Cần Thơ nói chung; nhất là phát triển kinh tế ban đêm đang được triển khai thí điểm ở Ninh Kiều. Tuyến phố đi bộ Ninh Kiều cũng sẽ là không gian sinh hoạt văn hóa, du lịch nhằm tôn vinh, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống trong đời sống hiện đại.

Tuyến phố đi bộ sẽ được thí điểm trong 3 tháng, hoạt động từ 18h-22h thứ bảy mỗi tuần và có thể xem xét gia tăng thêm ngày chủ nhật (nếu hiệu quả). Đến cuối tháng 7-2022, Ban tổ chức Tuyến phố đi bộ Ninh Kiều sẽ tổng kết, đánh giá kết quả và căn cứ thực tiễn, nhu cầu của du khách và nhân dân để có phương án đầu tư các hạng mục cơ sở hạ tầng, các hoạt động văn hóa văn nghệ, các loại hình dịch vụ phù hợp, cần thiết sẽ tổ chức thêm một số buổi trong tuần hoặc hàng đêm.

Mở ra cơ hội phát triển kinh tế ban đêm gắn với du lịch

Các gian hàng tò he thu hút các em nhỏ tại Tuyến phố đi bộ Ninh Kiều.

Các gian hàng tò he thu hút các em nhỏ tại Tuyến phố đi bộ Ninh Kiều.

Việc Tuyến phố đi bộ Ninh Kiều đi vào hoạt động là cơ sở thí điểm để Cần Thơ định hướng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế ban đêm. Trước đó, Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1129/QÐ-TTg, trong đó Cần Thơ là một trong 10 tỉnh, thành được chọn thí điểm xây dựng mô hình. Trên cơ sở này, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 1401/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn TP Cần Thơ (thí điểm tại quận Ninh Kiều). Trên thực tế, Cần Thơ có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế ban đêm với hệ thống hạ tầng thương mại dịch vụ, du lịch, các hoạt động kinh tế ban đêm sẵn có, điều kiện tự nhiên sông nước “trên bến dưới thuyền”, cảnh quan thiên nhiên, các di sản văn hóa phi vật thể… Tuy nhiên, các tiềm năng này vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

Tại Cần Thơ các hoạt động kinh tế ban đêm đã có, thông qua  hình thức chợ đêm, các khu ẩm thực, giải trí (karaoke, bar…). Tuy nhiên, những hoạt động này thường bị giới hạn về thời gian, các dịch vụ đơn điệu, doanh thu không ổn định. Khung giờ hoạt động bình quân là khoảng từ 18h-22h, một số dịch vụ như karaoke, bar có thể kéo dài hơn. Nhiều năm qua, hệ số lưu trú tại Cần Thơ vẫn chưa vượt qua 2 ngày. Một trong những nguyên nhân được xác định là Cần Thơ thiếu các điểm vui chơi giải trí lớn, hay các hoạt động giải trí ban đêm dành cho du khách. Do đó, việc phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều thay đổi cho kinh tế - xã hội địa phương, nhất là về du lịch. Trên cơ sở đó, Đề án Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn TP Cần Thơ (thí điểm tại quận Ninh Kiều) cũng xác định lộ trình cụ thể: năm 2022 đến 2024 xây dựng mô hình thí điểm tại quận Ninh Kiều; năm 2024-2025 là giai đoạn đánh giá rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình.

Theo đó, các loại hình sản phẩm, dịch vụ và hoạt động kinh tế ban đêm của Cần Thơ gồm các nhóm: vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm và du lịch, văn hóa, thể thao ban đêm. Về vui chơi giải trí sẽ phát triển, đa dạng hóa các loại hình biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách; tổ chức sự kiện văn hóa như lễ hội âm nhạc, lễ hội ánh sáng, lễ hội pháo hoa, thời trang, liên hoan phim, nghệ thuật đương đại hướng đến tổ chức định kỳ tại các trung tâm, tổ hợp giải trí hoặc tuyến phố đi bộ, khu vực bờ sông, hồ...; hình thành đường sách, đường hoa, đường ẩm thực Á-Âu”, đường văn hóa các dân tộc Kinh - Hoa - Khmer - Chăm...; tạo điều kiện cho các rạp chiếu phim, xiếc, vũ trường, bar, cà phê, karaoke hoạt động và phát triển. Hình thành không gian ẩm thực hấp dẫn như các phố ẩm thực, chợ hải sản, các nhà hàng ẩm thực ven sông, trên sông Hậu, sông Cần Thơ. Tổ chức các festival ẩm thực, lễ hội bánh dân gian Nam Bộ, các cuộc thi vua đầu bếp Á - Âu, các sự kiện giúp du khách trải nghiệm ẩm thực vùng ĐBSCL. Nâng chất các hoạt động của các trung tâm thương mại, siêu thị hiện có (kéo dài thời gian phục vụ, đa dạng hàng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ,...); mời gọi đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại quy mô vùng ĐBSCL, các chợ đêm mang bản sắc vùng miền, trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL, tổ chức các hoạt động dành cho khách du lịch trải nghiệm, chế tác các đồ thủ công mỹ nghệ, mây tre đan truyền thống... Đối với du lịch, văn hóa, thể thao ban đêm sẽ hình thành các khu chăm sóc sức khỏe như massage, xông hơi, tắm lá thuốc...; các hoạt động thả đèn trời, đèn hoa đăng trên sông; ngắm bình minh trên sông Hậu… Các loại hình sản phẩm, dịch vụ và hoạt động kinh tế ban đêm của TP Cần Thơ có thể lồng ghép trong các mô hình kinh tế ban đêm phổ biến hiện nay đã được nhiều địa phương áp dụng thành công như: mô hình phố đi bộ, mô hình chợ đêm, mô hình khu vui chơi giải trí thương mại tổng hợp, mô hình kết nối mạng lưới tour tuyến du lịch trong nước và quốc tế,...

Trong giai đoạn thí điểm, Ninh Kiều là địa phương đầu tiên xây dựng và triển khai các mô hình phát triển kinh tế ban đêm. Hiện UBND quận Ninh Kiều cũng đang xây dựng kế hoạch triển khai, bước đầu đã hình thành tuyến phố đi bộ. Đồng thời đang cho phép mở rộng khung thời gian hoạt động từ 6 giờ tối ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau đối với các hoạt động hiện có như: phố hàng rong trên đường Phan Chu Trinh - Phan Bội Châu, chợ đêm Ninh Kiều trên đường Võ Văn Tần - Nguyễn Thái Học, chợ đêm ẩm thực Cần Thơ trên đường sông Hậu, tuyến đường chuyên doanh thời trang Nguyễn Trãi, Nguyễn Việt Hồng, Mậu Thân và ẩm thực Đề Thám, hoạt động karaoke… Từng bước kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế ban đêm ở các địa điểm: khu vực từ Cầu đi bộ đến đường Trần Phú, khu vực đường Lê Lợi, khu vực kè rạch Khai Luông từ Cầu đi bộ đến Nhà lồng 3 của Trung tâm Thương mại Cái Khế, khu vực Lê Bình thuộc phường Hưng Lợi và một phần diện tích của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ,…

Phát triển kinh tế ban đêm gắn với du lịch không chỉ là giải pháp góp phần kéo dài thời gian lưu trú, gia tăng chi tiêu của du khách mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Bài, ảnh: ÁI LAM

Chia sẻ bài viết