23/02/2021 - 09:39

Phát triển hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực 

Ðể xây dựng các mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, TP Cần Thơ đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy liên kết giữa hợp tác xã (HTX) với doanh nghiệp. Qua đó, giúp các HTX xây dựng chuỗi giá trị liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ, gia tăng giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa, nông sản trong xu thế hội nhập.

Liên minh HTX TP Cần Thơ hỗ trợ cho các HTX tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm nông sản an toàn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ… trong và ngoài thành phố.

Liên minh HTX TP Cần Thơ hỗ trợ cho các HTX tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm nông sản an toàn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ… trong và ngoài thành phố.  

Ông Nguyễn Ðức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, cho biết: Liên minh HTX thành phố đã và đang phối hợp với các ngành và các địa phương hỗ trợ cho HTX được tiếp cận các nguồn vốn, ứng dụng khoa học công nghệ và xúc tiến thương mại. Cùng đó, triển khai nhiều chương trình tư vấn, hướng dẫn cho HTX ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Qua đó, thành phố đã có trên 70% HTX sản xuất thủy sản, lúa chất lượng cao, cây ăn trái có ký kết hợp đồng bao tiêu đầu ra sản phẩm cho thành viên; có 15 HTX đạt chứng nhận VietGAP, có nhãn hiệu hàng hóa, với truy xuất nguồn gốc,... đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của thị trường về số lượng lẫn chất lượng, có ký kết hợp đồng tiêu thụ dài hạn với doanh nghiệp, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Với mục tiêu hỗ trợ nông dân tham gia vào thị trường “mua chung, bán chung”, HTX Nông nghiệp Hiếu Bình, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh không chỉ chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa chất lượng cao, mà còn năng động tổ chức đa dạng các dịch vụ trong nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên vào HTX. Nhờ đó, HTX Nông nghiệp Hiếu Bình đã trở thành “điểm sáng” trong phong trào liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản ở địa phương; có ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định với các công ty giống, Viện Lúa ÐBSCL và Tập đoàn Lộc Trời, với tổng diện tích 300ha; có vốn điều lệ 5,8 tỉ đồng, có 4 trạm bơm điện, 1 nhà kho, 1 lò sấy lúa, phục vụ tối ưu nhu cầu sản xuất của 20 hộ thành viên và 600 nông dân cùng làm ăn với HTX. Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hiếu Bình, cho biết: Ðể tạo dựng uy tín thị trường với các đối tác, doanh nghiệp, HTX phải tổ chức cho các hộ thành viên thực hiện quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng đó, để các thành viên tin tưởng vào HTX, an tâm sản xuất, HTX chủ động cung cấp các dịch vụ bơm tưới, dịch vụ cày, cấy, thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp với giá ưu đãi cho thành viên; đồng thời, liên kết với các công ty, ký kết hợp đồng cung ứng dịch vụ đầu vào và bao tiêu đầu ra sản phẩm cho thành viên. Nhờ thực hiện đồng bộ các dịch vụ trong nông nghiệp, nên thu nhập tăng thêm của toàn HTX đạt trên 1,7 tỉ đồng/năm.

Nắm bắt xu hướng của người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các sản phẩm nông sản có chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Phan Văn Tây, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lộc Hưng, xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ đã tập hợp nhiều hộ trồng xoài nhỏ lẻ vào HTX để trồng xoài cát Hòa Lộc, xoài tượng da xanh và da vàng theo quy trình an toàn, với tổng diện tích hơn 47ha. Trong đó có 30,5ha xoài đã áp dụng tốt các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đạt chất lượng cao và được thị trường ưa chuộng. Theo ông Phan Văn Tây, phần lớn xoài của HTX đều đạt tiêu chuẩn an toàn và được doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua, với giá cao hơn so với bên ngoài từ 2.000 đồng/kg; ước tính với diện tích canh tác từ 1ha trở lên, nông dân trồng xoài 2 vụ sẽ có lãi từ 110 triệu đồng/năm trở lên. Ðể xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP theo nhu cầu của đối tác, HTX đã tập huấn cho các hộ thành viên làm tốt các khâu từ xử lý đất, bón phân, tưới nước đến cách bao trái, xử lý sâu bệnh, tránh tình trạng phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người trồng. Hiện, ngoài sản phẩm chủ lực là xoài cát Hòa Lộc, các loại xoài tượng da xanh của HTX Nông nghiệp Lộc Hưng đã được sản xuất theo các quy trình an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Ðiều đáng mừng hơn là nhà vườn trồng xoài ở HTX đã tiết giảm được chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng trái xoài và giá trị kinh tế; đồng thời, góp phần thúc đẩy các mô hình HTX phát triển theo chuỗi giá trị nông sản chủ lực của địa phương.

Theo ông Nguyễn Đức Phương, việc tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị đã giúp cho HTX tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh và thu nhập của thành viên sẽ tăng từ 10% trở lên. Cùng đó, chất lượng và giá trị sản phẩm nông sản được nâng lên, mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho các hộ thành viên và HTX; đồng thời, góp phần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Do đó, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là một trong những giải pháp quan trọng để các HTX phát triển bền vững trong xu thế cạnh tranh thị trường. Hướng tới, các cấp, các ngành có liên quan cần tập trung xây dựng nhiều mô hình HTX kiểu mới, có mối liên kết bền vững với doanh nghiệp, có quy mô sản xuất lớn, gắn với các sản phẩm có thế mạnh của thành phố.

Bài, ảnh: MỸ HOA

Chia sẻ bài viết