06/11/2012 - 21:37

VÙNG 5 HẢI QUÂN

Phát huy vai trò lực lượng nòng cốt trong bảo vệ vùng biển Tây Nam của Tổ quốc

Nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của biển đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Vùng 5 Hải quân đã phối hợp với Quân khu 9, Vùng Cảnh sát biển 4 (CSB4), Hải đoàn Biên phòng 128, tỉnh Kiên Giang và Cà Mau thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Qua đó, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tây Nam của Tổ quốc...

Chuẩn đô đốc Doãn Văn Sở, Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, cho biết: Những năm qua, Vùng 5 Hải quân đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn, định kỳ tuần, tháng, quý tổ chức hội nghị giao ban, trao đổi, phản ảnh thông tin, tình hình có liên quan đến an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; kịp thời tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và cấp trên đề ra các chủ trương, biện pháp giải quyết, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới biển và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đóng quân. Thường xuyên duy trì chặt chẽ lực lượng, phương tiện trực theo quy định, nắm chắc tình hình, phối hợp xử lý tốt các vấn đề nảy sinh trên biển, đảo. Đặc biệt là đã tổ chức thành công bốn chuyến tuần tra chung với Hải quân Hoàng gia (HQHG) Campuchia và một chuyến tuần tra chung với HQHG Thái Lan. Qua đó, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa hải quân hai nước; kịp thời ngăn chặn tàu thuyền của ngư dân vi phạm vùng nước lịch sử, góp phần xây dựng đường biên giới trên biển hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân làm ăn, sinh sống trên vùng biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc.

Bảo quản vũ khí trang bị sẵn sàng chiến đấu ở Lữ đoàn 127 Vùng 5 Hải quân. 

Quá trình làm nhiệm vụ, các tàu của Vùng 5 Hải quân thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Vùng CSB4, Bộ đội Biên phòng trao đổi thông tin tình hình trên biển. Sử dụng loa phát thanh tuyên truyền về phạm vi chủ quyền vùng biển, đảo Việt Nam; quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết những bất đồng, tranh chấp chủ quyền biển, đảo. Đồng thời tuyên truyền về vùng nước lịch sử giữa Việt Nam – Campuchia, tình hình an ninh trên vùng biển cho hàng ngàn lượt tàu thuyền, góp phần giữ vững ổn định an ninh trên vùng biển Tây Nam. Kịp thời hướng dẫn tàu thuyền hoạt động trên biển chủ động sơ tán khi gặp thời tiết xấu; duy trì các lực lượng, phương tiện thường trực sẵn sàng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu giúp đỡ nhân dân, xử lý nhanh và hiệu quả khi có tình huống xảy ra. Trong năm, Vùng 4 Hải quân cùng với các lực lượng huy động 26 lượt phương tiện, tổ chức tìm kiếm cứu nạn 18 vụ, cứu kéo 26 phương tiện và đưa 83 lượt người dân vào bờ an toàn.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết Nhiệm vụ quản lý nhà nước vùng biển đảo Tây Nam lần thứ 9 - năm 2012, Đại tá Phạm Văn Sáng, Phó Chỉ huy - Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, cho rằng: Thời gian tới nên tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, các cấp, các ngành trong quản lý nhà nước vùng biển đảo; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân nhận thức tốt về luật biển, nhất là luật biển Việt Nam và vùng nước lịch sử giữa Việt Nam – Campuchia. Thực hiện tốt tuần tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ các phương tiện hoạt động trên biển, đặc biệt là trong vùng nước lịch sử. Thực hiện tốt kế hoạch phối hợp giữa các cấp, các ngành, tránh sơ hở, chồng chéo giữa các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ.

Thực tế thời gian qua, Vùng 5 Hải quân đã làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới", Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020", về tình hình nhiệm vụ; đối tượng, đối tác; tình hình biển đảo trong giai đoạn hiện nay, nhất là âm mưu, thủ đoạn của các nước đối với biển Đông; góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác trước những động thái an ninh trên biển, đảo, xây dựng ý chí quyết tâm, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Không những làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục trong đơn vị, Vùng 5 Hải quân còn phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang và Cà Mau tổ chức 18 lớp cho 2.388 lượt cán bộ, giáo viên, học sinh các trường trung học phổ thông nâng cao nhận thức về tình hình biển, đảo, như: cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; các hiệp định phân định vùng biển Việt Nam với các nước; đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về phát triển kinh tế biển, đảo gắn với củng cố quốc phòng - an ninh trên biển; vai trò nòng cốt của Hải quân Nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Cùng với đó, các lực lượng quân sự, công an, biên phòng và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương của các tỉnh cũng tổ chức tuyên truyền cho 3.500 lượt người, phát hơn 5.200 tờ rơi và 4.500 bộ tài liệu về chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, luật biển, luật biên giới biển, luật bảo vệ môi trường biển và bảo đảm an toàn cho các hoạt động kinh tế trên biển, tàu thuyền khi đi biển. Phối hợp tổ chức 76 đợt tuần tra, quản lý và bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia trên biển; phát hiện, xua đuổi nhiều tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam. Bên cạnh đó, các lực lượng và cơ quan chức năng các tỉnh thường xuyên trao đổi thông tin, nhận định tình hình và chủ động giải quyết các vụ khiếu kiện, tranh chấp, gây rối, không để địch lợi dụng kích động thành điểm nóng. Kịp thời xử lý 21 vụ vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới trên biển. Phối hợp đấu tranh ngăn chặn 14 vụ truyền đạo trái phép, 17 vụ chặt phá rừng.

Có thể nói, nhiệm vụ quản lý nhà nước vùng biển, đảo Tây Nam trong những năm qua đã được triển khai thực hiện một cách toàn diện, đồng bộ, đạt hiệu quả thiết thực bằng nhiều nội dung và cách làm sáng tạo. Qua đó, góp phần quan trọng trong nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các địa phương và nhân dân ven biển về vị trí, tầm quan trọng của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ CNH, HĐH.

Bàn về các giải pháp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước vùng biển, đảo trong thời gian tới, Trung tướng Trần Phi Hổ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, nhấn mạnh: Các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của Campuchia để quản lý chặt chẽ tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên đất liền và biển, đảo. Tăng cường công tác giáo dục ngư dân chấp hành nghiêm pháp luật. Phát huy tinh thần trách nhiệm cao của các lực lượng hải quân, biên phòng, cảnh sát biển trong giải quyết các vụ việc trên biển, không để xảy ra các hiện tượng vi phạm pháp luật, các vụ va chạm trên biển, xâm phạm lãnh hải của nhau. Duy trì tốt các lực lượng, phương tiện, sẵn sàng xử lý nhanh các tình huống xảy ra trên biển; làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn. Tiếp tục thực hiện tốt công tác đối ngoại quân sự, phối hợp tuần tra chung giữa Hải quân Nhân dân Việt Nam và Hải quân Hoàng gia Campuchia.

Bài, ảnh: Phạm Hồng Soi

Chia sẻ bài viết