18/03/2014 - 08:49

Phát huy khả năng sáng tạo của học sinh

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Quý (đứng giữa) tham quan gian trưng bày của đơn vị dự thi. Ảnh: THU HẰNG

Cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp Quốc gia khu vực phía Nam dành cho học sinh trung học năm 2014 diễn ra tại TP Cần Thơ vừa qua đã khép lại; nhưng dư âm còn đọng lại trong tâm trí thầy cô, học sinh và phụ huynh. Cuộc thi không chỉ tạo sân chơi trí tuệ mà còn là động lực góp phần thúc đẩy đổi mới phương pháp và các hình thức giáo dục tích cực trong trường phổ thông...

Không chỉ là sân chơi bổ ích...

"Một nhà thơ đã viết: "Tổ quốc tôi như một con tàu. Mũi thuyền ta đó - Mũi Cà Mau". Chúng em rất vinh dự, tự hào đại diện học sinh THPT tỉnh Cà Mau tham dự cuộc thi. Đến với cuộc thi, đội Cà Mau muốn giao lưu khám phá, học hỏi kinh nghiệm từ đội bạn", đây là phần giới thiệu của học sinh trong Đội thi đến từ cực Nam Tổ quốc. Hay như phần giới thiệu đầy tự tin của Đội thi Đà Nẵng: "Chúng em đến cuộc thi với mục tiêu chiến thắng nhưng nếu ai giỏi hơn thì thật sự khâm phục, khâm phục!"… Những lời giới thiệu của các đội dự thi tạo ấn tượng mạnh ngay ngày đầu dự khai mạc cuộc thi. Một số học sinh giới thiệu đội mình rất mộc mạc, chân quê, trong khi số khác còn e dè, nhút nhát, nhưng cùng có điểm chung đáng quý: Hỗ trợ, đoàn kết lẫn nhau suốt thời gian tham gia cuộc thi. Em Trương Thị Uyển My, học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Tiệp (tỉnh Đồng Tháp), bộc bạch: "Cuộc thi giúp chúng em thỏa lòng say mê sáng tạo KHKT, ứng dụng những kiến thức đã học ở trường vào thực tiễn cuộc sống". Đội Đồng Tháp có 3 gian hàng trưng bày cho đề tài: "Xe đẩy lấy rác" của tác giả Trương Thị Uyển My (đoạt giải Nhất lĩnh vực); "Làm chất đốt từ mù u" của tác giả Trần Tiến Phát; "Cặp chống đuối với thiết bị báo động bằng âm thanh và ánh sáng" của tác giả Nguyễn Anh Nguyễn. Em Trần Quốc Gia Cát, học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), dự thi đề tài "Diệt ruồi, muỗi bằng phương pháp sinh học", bộc bạch: "Mục tiêu dự thi của em không phải để giành giải thưởng mà là muốn khẳng định khả năng ứng dụng đề tài ra cộng đồng. Qua cuộc thi, em học hỏi nhiều điều về ý chí vượt khó và tự tin hơn trong cuộc sống".

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý, cuộc thi đã thu hút đông đảo giáo viên, học sinh các trường phổ thông trên cả nước tham gia, số lượng tăng gấp đôi (riêng khu vực phía Nam tăng gần 3,5 lần) so với năm 2013. Thông qua cuộc thi, Bộ GD&ĐT có thể đánh giá lại hiệu quả giảng dạy, thực hiện việc xây dựng chương trình sách giáo khoa trong công tác đổi mới giáo dục của bậc phổ thông. Ông Quý đề nghị: "Từ cuộc thi này, các trường cần hỗ trợ học sinh tham gia cuộc thi KHKT các cấp; trong đó, chú trọng chính sách đối với các trường tham gia dự thi, cũng như các thầy, cô giáo hướng dẫn học sinh, học sinh tham gia cuộc thi và đạt giải".

Nhiều đề tài mang "hơi thở" cuộc sống

133 đề tài dự thi đều mang lại ý nghĩa thiết thực, ứng dụng hiệu quả vào cuộc sống. Đơn cử như đề tài "Xe đẩy lấy rác" của em Trương Thị Uyển My. Từ thực tiễn Trường THCS Nguyễn Văn Tiệp (tỉnh Đồng Tháp), hằng ngày, người lao công vệ sinh sân trường bằng chổi quét, dụng cụ hốt rác và chiếc xe đẩy, đã gieo trong lòng My ý tưởng chế tạo sản phẩm. Em Uyển My cho biết: "Một dịp em chứng kiến cô lao công làm việc vất vả với những dụng cụ đơn sơ. Từ đó, trong tâm trí em nung nấu ý tưởng về xe đẩy lấy rác tiện lợi, dễ sử dụng. Trên cơ sở kiến thức đã học về truyền và biến đổi chuyển động (môn Công nghệ) để phối hợp ba dụng cụ lao động trên thành xe công cụ vệ sinh quét và gom rác. Nhờ sự góp ý, trợ giúp của thầy cô, em mới có thể hoàn thành xong sản phẩm". Theo Uyển My, quá trình thực hiện đề tài không dễ dàng, khi trục đẩy không đi, lúc thùng đựng rác không khép lại, không di chuyển... My phải kiên trì làm đi làm lại nhiều lần mới hoàn thiện sản phẩm..

Đánh giá của ban giám khảo về đề tài "Xe đẩy lấy rác" phù hợp với thực tiễn trường học. Xe có cấu tạo đơn giản, dễ sử dụng, có ý nghĩa thực tiễn trên cả 3 phương diện kỹ thuật, kinh tế và xã hội. Đề tài có tính ưu việt như: xe vận hành bằng lực đẩy và có cần gạt; xe có kết cấu khép kín, khoang chứa rác có nắp đậy và hệ thống lỗ thoát hơi, bụi; có thùng cơ động để lấy rác ra nơi tập kết; trục chổi quét có cơ cấu điều chỉnh khi chổi bị mòn và dễ lấy ra khi cần thay chổi mới. Chính vì vậy, đề tài đã thuyết phục ban giám khảo chấm giải cao.

Hay với đề tài "Trích ly tinh dầu từ lá cây ngò gai (Eryngium foetidum Linn) thuộc họ thực vật hoa tán" của nhóm tác giả: Quách Diệu Ái, Hồ Nguyễn Nguyên Hồ và Khuất Minh Trí, học sinh Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ). Đề tài dựa trên phương pháp chưn cất lôi cuốn hơi nước với quy mô phòng thí nghiệm; khảo sát một số tính chất vật lý của tinh dầu lá ngò gai (tỷ khối, độ tan), chỉ số axit… Từ kết quả phân tích thành phần và kết quả kiểm định hoạt tính kháng sinh vật của sản phẩm - tinh dầu lá ngò gai - có thể khẳng định khả năng chữa được một số bệnh trong dân gian (cảm mạo, đau ngực, ho, ăn không tiêu, ăn mất ngon…) của tinh dầu lá ngò gai. Em Minh Trí cho biết: "Chúng ta có khả năng trích ly tinh dầu từ lá ngò gai và có thể ứng dụng kết quả thực nghiệm trên vào việc sản xuất một số dược phẩm như viên ngậm, viên dầu, nước súc miệng và điều trị một số bệnh thông thường (ho, cảm) từ tinh dầu lá ngò gai. Lá ngò gai dễ tìm, dễ trồng nên giá thành thấp". Theo Minh Trí, nhóm hy vọng đề tài là bước tiền đề để ngành dược phẩm nghiên cứu có thể dùng tinh dầu trên để sản xuất nước, sữa vệ sinh phụ nữ, giúp ngăn ngừa nguy cơ gây viêm nhiễm âm đạo, âm hộ và các bệnh phụ khoa do nấm…

Bên cạnh các đề tài trên, còn rất rất nhiều đề tài mang "hơi thở" cuộc sống như: "Diệt ruồi muỗi bằng phương pháp sinh học" của tác giả Trần Quốc Gia Cát (Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng); "KBOT – WIFI ROBOT – ROBOT Tin học lập trình" của tác giả Ngô Huỳnh Ngọc Khánh (Trường THPT Nguyễn Huệ, tỉnh Phú Yên); "Bảng hiển thị chữ nổi điện tử cho người khiếm thị" của nhóm tác giả Trần Thị Diệu Liên và Nguyễn Nam Du (Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TP Hồ Chí Minh)… Theo ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cuộc thi tạo cơ hội để ngành giáo dục, nhất là thầy cô và học sinh giao lưu, học hỏi; phát huy khả năng tư duy sáng tạo của học sinh khi thực hiện đề tài nghiên cứu KHKT… Qua đó, thúc đẩy phong trào nghiên cứu KHKT trong các trường ngày càng phát triển, góp phần thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

B.KIÊN- M.HOÀNG

Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2014 khu vực phía Nam tổ chức từ ngày 7 đến 9-3-2014 tại Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa. Năm nay, có hơn 280 học sinh đến từ 27 tỉnh, thành (từ Đà Nẵng trở vào) dự thi 133 đề tài thuộc 14 lĩnh vực. Cuộc thi do Bộ GD&ĐT tổ chức, đơn vị phối hợp tổ chức là Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh – Quỹ hỗ trợ sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam và Intel Việt Nam.

Chia sẻ bài viết