Trong quá trình phát triển và hội nhập của TP Cần Thơ, ngân hàng được xác định là một nhân tố góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nhanh và bền vững. Những năm gần đây, khi xuất khẩu nông thủy sản chế biến chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu thì tín dụng ngân hàng luôn đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông thủy sản trên địa bàn, tạo điều kiện tốt hơn cho quá trình thực hiện mục tiêu phát triển của thành phố. Chia sẻ về vai trò trung gian tài chính và thanh toán khu vực của ngành ngân hàng TP Cần Thơ, ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết:
- Ngành ngân hàng TP Cần Thơ đã và đang phát huy hiệu quả mối quan hệ giữa hoạt động tín dụng với quá trình phát triển kinh tế của thành phố. Hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tại TP Cần Thơ hiện có 53 đơn vị đang hoạt động, với 257 điểm giao dịch. Các TCTD không ngừng nỗ lực tăng trưởng cả về quy mô và chất lượng để đáp ứng nhu cầu vốn, hỗ trợ phát triển những ngành kinh tế trọng điểm của thành phố. Đồng thời thực hiện cơ cấu tín dụng phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố và hạn chế rủi ro. Dòng vốn tín dụng đã góp phần hỗ trợ phát triển công nghiệp, chế biến xuất khẩu, đầu tư cho nông nghiệp, thủy sản theo hướng phát triển toàn diện, đi vào chiều sâu, khai thác được những lợi thế so sánh của các ngành sản xuất chủ lực. Kết quả, ngành nông, thủy sản của thành phố có những bước phát triển mới, nâng cao khả năng cạnh tranh, góp phần tạo thêm việc làm và tăng thêm thu nhập cho xã hội.
Thời gian qua, các TCTD trên địa bàn đã dành sự quan tâm ra sao đối với các lĩnh vực đặc thù của thành phố, thưa ông?
- Các TCTD trên địa bàn đã tích cực thực hiện các chương trình tín dụng đặc thù nhằm hỗ trợ các mặt hàng nông thủy sản xuất khẩu chủ lực như: chính sách cho vay tháo gỡ khó khăn đối với chăn nuôi và thủy sản; chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra gặp khó khăn, chính sách cho vay phát triển thủy sản; cho vay kinh doanh lúa gạo và tạm trữ lúa gạo; chính sách cho vay doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản có mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Tại TP Cần Thơ tập trung nhiều doanh nghiệp và là đầu mối xuất khẩu nông, thủy sản của khu vực ĐBSCL, khi ngân hàng kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong các giao dịch cũng góp một phần tháo gỡ khó khăn chung cho nông thủy sản khu vực.
Từ tháng 6-2017, NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ đã thành lập Tổ hỗ trợ doanh nghiệp trong quan hệ, giao dịch với ngân hàng. Thành phần của Tổ gồm Giám đốc NHNN Chi nhánh, Giám đốc một số TCTD lớn với mục tiêu giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, xử lý ngay kiến nghị của doanh nghiệp trong quan hệ, giao dịch với ngân hàng và duy trì lịch tiếp doanh nghiệp vào thứ hai hằng tuần. NHNN Chi nhánh phối hợp với Sở Công thương và các đơn vị liên quan thành lập tổ làm việc trực tiếp với doanh nghiệp. Qua đó, tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp cũng như các kênh thông tin qua phương tiện truyền thông, các ngân hàng thương mại để phân tích, dự báo tình hình để kịp thời tham mưu thành phố tổ chức các hội nghị giải quyết khó khăn mang tính thời vụ như tiêu thụ xuất khẩu lúa gạo, cá tra… và kịp thời báo cáo NHNN Việt Nam để tổng hợp chỉ đạo chung. Kết quả mang lại là hoạt động của các TCTD an toàn, ổn định và phát triển. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực, ưu tiên vốn cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thế mạnh của thành phố.
Trước yêu cầu cạnh tranh, hội nhập, nhu cầu về nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong những ngành hàng chủ lực tại TP Cần Thơ sẽ có sự thay đổi ra sao, thưa ông?
- Lĩnh vực xuất khẩu nông, thủy sản là lĩnh vực tăng nhanh và chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng giá trị xuất khẩu (chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố). Với cơ hội hội nhập kinh tế sâu rộng trong thời gian tới, ngành sản xuất, kinh doanh nông thủy sản đang được xếp vào hàng có nhiều bất lợi, rủi ro, đòi hỏi doanh nghiệp phải đẩy mạnh đầu tư cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn kiểm định của thị trường xuất khẩu trong khi vốn tự lực của các doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh nông thủy sản trên địa bàn còn thấp. Do đó, thời gian tới, nhu cầu về vốn nhất là vốn tín dụng với lãi suất hợp lý, kỳ hạn dài sẽ có xu hướng tăng cao để các doanh nghiệp có đủ nguồn lực tài chính tập trung phát triển vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến, đầu tư công nghệ, dây chuyền chế biến và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý vùng nuôi trồng… tạo ra những sản phẩm tốt, chất lượng đạt chuẩn. Ước lượng nhu cầu vốn tín dụng của ngành nông thủy sản cũng tăng thêm ít nhất 7% mỗi năm so với mức tăng trưởng tín dụng thông thường hằng năm khi tham gia CPTPP và sắp tới là EVFTA.
Như vậy, ngành ngân hàng sẽ làm gì để góp phần cùng doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng thích ứng?
- Cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp cũng chính là cơ hội và thách thức của ngành ngân hàng khi hội nhập sâu rộng. Hệ thống TCTD trên địa bàn luôn nỗ lực phát triển, mở rộng về quy mô hoạt động và dịch vụ, hỗ trợ cung ứng lượng vốn tín dụng với cơ chế phù hợp cho các doanh nghiệp. Với mục tiêu vừa thực hiện các giải pháp để đồng hành cùng doanh nghiệp vừa hỗ trợ tốt nhất cho mục tiêu phát triển kinh tế của thành phố, ngành ngân hàng trên địa bàn đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều chính sách chiến lược theo sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN và địa phương nhằm phát huy và khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm nông thủy sản xuất khẩu.

Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Thủy sản NTSF (KCN Thốt Nốt).
Thực hiện mục tiêu trên ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp như: Tăng cường huy động vốn tại chỗ, nhất là kỳ hạn dài để đáp ứng nhu cầu cho vay trung và dài hạn. Tập trung đẩy mạnh cho vay, đầu tư vốn trung và dài hạn cho các dự án, vùng sản xuất hàng hóa xuất khẩu, dự án khai thác tiềm năng của thành phố, công nghiệp chế biến thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao. Tích cực cải tiến mô hình kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ phi tín dụng, nhất là hoạt động thanh toán quốc tế. Tiếp tục thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, duy trì hoạt động của Tổ hỗ trợ doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với ngân hàng. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận thông tin một cách dễ dàng và tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Ngành ngân hàng sẽ phát huy tối đa vai trò là cầu nối, kênh dẫn vốn hiệu quả giữa nền kinh tế với doanh nghiệp; đồng thời, mở rộng hệ thống thanh toán quốc tế giúp hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng hoạt động tới các thị trường mới. Qua đó, hiện thực hóa các cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại cho TCTD, các doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
MINH HUYỀN (thực hiện)