21/10/2024 - 10:01

Phát huy hiệu quả sử dụng rơm rạ để giảm phát thải khí, tăng thu nhập 

Ðốt bỏ rơm rạ trên đồng vừa lãng phí, vừa là nguyên nhân làm phát sinh nhiều khí thải nhà kính trong quá trình sản xuất lúa gạo. Ðể nâng cao thu nhập cho nông dân gắn với giảm phát thải và thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã và đang tích cực phối hợp các địa phương, đơn vị có liên quan triển khai nhiều hoạt động nhằm giúp nông dân thu gom rơm rạ khỏi đồng để khai thác, sử dụng theo hướng kinh tế tuần hoàn.

Nông dân ở huyện Cờ Đỏ sử dụng máy móc cơ giới để thu gom rơm ra khỏi đồng ruộng sau thu hoạch lúa.

Bỏ phí rơm rạ

Nước ta là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới. Cùng với lượng lúa được sản xuất ra đạt khoảng 43 triệu tấn/năm, cũng có từ 43 triệu tấn rơm rạ/năm trở lên, trong đó vùng ÐBSCL có sản lượng lúa khoảng 24-25 triệu tấn và lượng rơm rạ cũng ở mức tương đương đến cao hơn. Với sự quan tâm hỗ trợ và hướng dẫn của ngành chức năng, thời gian qua nông dân tại nhiều địa phương đã quan tâm thu gom rơm rạ khỏi đồng ruộng để trồng nấm rơm, làm thức ăn cho gia súc và phục vụ cho nhiều hoạt động sản xuất khác giúp gia tăng thu nhập. Tuy vậy, nhìn chung vẫn còn một lượng lớn rơm rạ còn bị vứt bỏ hay đốt trên đồng sau mùa thu hoạch lúa tại ÐBSCL và nhiều địa phương trong nước. Ðiều này vừa gây lãng phí, vừa ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và tăng phát thải khí nhà kính. Ðây là vấn đề cần quan tâm khắc phục nhằm nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo, cũng như góp phần phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững. Theo số liệu báo cáo được Cục Trồng trọt công bố trong năm 2023 vừa qua, chỉ có khoảng 30% rơm rạ tại vùng ÐBSCL được thu gom sử dụng, còn lại 70% là đốt đồng và vùi vào đất…

Theo nhiều chuyên gia, đốt rơm rạ trên đồng gây mất chất dinh dưỡng có trong rơm rạ, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và gây ô nhiễm môi trường. Còn vùi rơm rạ vào ruộng ngập nước làm phát thải khí mê tan và các loại khí thải nhà kính khác. Ðể khắc phục tình trạng này, nông dân cần thu gom rơm ra khỏi đồng và sử dụng chúng làm nguyên liệu đầu vào cho các quá trình sản xuất khác để tạo ra giá trị gia tăng cao. Chú ý khai khác, sử dụng rơm cho nhiều “vòng quay” và mục đích khác nhau trước khi tận dụng lại chúng một lần nữa để làm phân bón hữu cơ phục vụ cho quá trình sản xuất lúa và các loại cây trồng.

Phát huy hiệu quả sử dụng rơm rạ

Ðể khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn rơm rạ trong quá trình sản xuất lúa, thời gian qua Bộ NN&PTNT đã tích cực phối hợp các địa phương, đơn vị có liên quan đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức và hành động của nông dân cùng các bên có liên quan trong chuỗi ngành hàng lúa gạo. Ðồng thời, hỗ trợ nông dân đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong thu gom rơm, cũng như xây dựng, phát triển các mô hình quản lý, sử dụng hiệu quả rơm rạ, nhất là các mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn từ rơm. Bộ NN&PTNT cũng đã phối hợp các đơn vị có liên quan để tiến hành xây dựng, ban hành Quy trình và Sổ tay hướng dẫn quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp ở ÐBSCL. Ðặc biệt, triển khai thực hiện Ðề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt là Ðề án 1 triệu héc-ta lúa CLC), từ vụ lúa hè thu 2024, Bộ đã phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện 5 mô hình thí điểm “canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp” tại 5 địa phương thuộc các vùng sinh thái khác nhau ở ÐBSCL. Ðó là tại các tỉnh, thành gồm: Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và Ðồng Tháp. Lúa trong các mô hình được áp dụng theo quy trình kỹ thuật của Ðề án 1 triệu héc-ta lúa CLC để có sản phẩm đạt chất lượng cao gắn với giảm phát thải khí nhà kính. Theo đó, nông dân cũng được khuyến cáo, hướng dẫn áp dụng các máy móc cơ giới và công nghệ tiên tiến để thực hiện thu gom rơm ra khỏi đồng phục vụ trồng nấm rơm, làm phân bón hữu cơ và các mục đích sử dụng khác để nâng cao thu nhập và khắc phục tình trạng đốt đồng gây phát thải khí nhà kính.

Ðề án 1 triệu héc-ta lúa CLC đã đề ra mục tiêu tỷ lệ rơm trong các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng đạt 70% vào 2025 và đạt 100% vào năm 2030. Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT, kết quả từ các mô hình thí điểm thực hiện Ðề án 1 triệu héc-ta lúa CLC cho thấy, ngoài giảm phát thải nhà kính từ giảm lượng sử dụng giống, phân bón và thay đổi chế độ nước tưới, thì việc giảm phát thải từ rơm cũng rất quan trọng, thông qua việc di chuyển rơm rạ khỏi đồng ruộng để chế biến tái sử dụng. Qua đó, thực hiện tốt các mục tiêu của Ðề án về tái tổ chức hệ thống sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị, giảm phát thải, tăng trưởng xanh, tăng thu nhập cho nông dân. Sử dụng các giải pháp kỹ thuật để khai thác tốt rơm rạ và các phụ phẩm. Ðề án đã được sự đồng tình hưởng ứng, hỗ trợ của Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) cùng nhiều tổ chức quốc tế. Nông dân được hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn từ rơm giúp nâng cao thu nhập. Ðáng chú ý là mô hình sử dụng rơm để trồng nấm rơm sau đó tiếp tục tái sử dụng giá thể rơm để làm phân bón hữu cơ được triển khai hiệu quả ở Cần Thơ.

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, từ lúc Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ triển khai Ðề án 1 triệu héc-ta lúa CLC tại vùng ÐBSCL, các giải pháp khoa học, công nghệ giúp thu gom rơm và khai thác, phát huy giá trị của rơm rạ được triển khai, lan tỏa rất nhanh. Cục Trồng trọt đã liên tục ban hành các tiến bộ khoa học trong canh tác lúa, quản lý và sử dụng rơm rạ, ứng dụng cơ giới hóa… Qua đó, góp phần giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm phát thải khí nhà kính. Những tiến bộ kỹ thuật trên được ban hành, được công nhận để đưa vào phổ biến rộng rãi là sự nỗ lực rất lớn của các nhà khoa học Việt Nam, đồng thời có sự giúp đỡ rất hiệu quả của các tổ chức quốc tế, nhất là IRRI. Tới đây, rất mong có thêm nhiều tiến bộ kỹ thuật cùng các giải pháp hiệu quả giúp ngành hàng lúa gạo phát triển và tháo gỡ kịp thời các vướng mắc trong khai thác, sử dụng hiệu quả rơm rạ. Nếu giả định 25 triệu tấn rơm tại ÐBSCL được khai thác hiệu quả để trồng nấm đúng kỹ thuật và nấm rơm được bán với giá 70.000 đồng/kg như gần đây, tổng giá trị mang lại chắc chắn cao hơn cả giá trị của ngành hàng lúa gạo hiện tại. Song, để làm được điều đó, đòi hỏi có sự chung tay vào cuộc của tất cả các bên có liên quan, từ các phát kiến của nhà khoa học, nhà quản lý, đến việc áp dụng cơ giới và các quy trình kỹ thuật trong thu gom rơm, trồng nấm và tiêu thụ sản phẩm.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết