Dự án cầu Cờ Đỏ trên đường tỉnh 919, huyện Cờ Đỏ và Dự án cầu Tây Đô, huyện Phong Điền được HĐND thành phố thông qua tại Nghị quyết số 38/NQ-HĐND ngày 4-12-2020. Đây là 2 công trình đầu tiên hoàn thành trong tổng số 17 dự án được thông qua tại Nghị quyết số 38/NQ-HĐND. Trong đó, Dự án cầu Cờ Đỏ được UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư tại Quyết định số 3772/QĐ-UBND ngày 2-11-2022 với tổng kinh phí thực hiện gần 133 tỉ đồng (vốn ngân sách thành phố); thời gian thực hiện từ năm 2021-2024. Dự án cầu Tây Đô được UBND TP Cần Thơ phê duyệt điều chỉnh dự án tại Quyết định số 1951/QĐ-UBND ngày 23-8-2023, với tổng mức đầu tư điều chỉnh trên 225 tỉ đồng, từ vốn ngân sách thành phố; thời gian thực hiện từ năm 2021-2024… Cầu Cờ Đỏ, cầu Tây Đô thuộc công trình cầu giao thông cấp III. Trong đó cầu Cờ Đỏ có tổng chiều dài trên 369m, gồm 2 đơn nguyên, rộng 31m, với 6 làn xe. Cầu Tây Đô có tổng chiều dài trên 700m (trong đó cầu Tây Đô dài trên 140,26m, phần còn lại đường dẫn và đoạn giao thông mở mới), gồm 2 đơn nguyên, rộng 22,5m, với 4 làn xe. Mới đây, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Cần Thơ (chủ đầu tư dự án cầu Cờ Đỏ, cầu Tây Đô) tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng cầu Tây Đô và cầu Cờ Đỏ vào ngày 19-5-2024.
Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, cho biết: “Sau khi đưa vào sử dụng, cầu Cờ Đỏ góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông đường bộ, kết nối với hạ tầng giao thông trên các tuyến đường tỉnh 919, 922 và phát huy tối đa hiệu quả khai thác của các tuyến đường này, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH, an ninh quốc phòng tại địa phương. Cầu Tây Đô hoàn thành góp phần tạo đồng bộ về tải trọng khai thác trên tuyến đường đi từ thị trấn Phong Điền qua đường tỉnh 926, kết nối đường Bốn Tổng Một Ngàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện tham gia giao thông, giảm ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian lưu thông khi đi qua cầu Tây Đô và tạo động lực phát triển KT-XH tại huyện Phong Điền nói riêng và TP Cần Thơ nói chung...”.
Theo Sở GTVT TP Cần Thơ, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cầu Cờ Đỏ và cầu Tây Đô cũng gặp những khó khăn vướng mắc. Các hộ dân chưa đồng thuận về diện tích đất thu hồi, đơn giá bồi thường và chính sách tái định cư; công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật kéo dài... Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo 2 địa phương Cờ Đỏ và Phong Điền cùng sự nhiệt tình hỗ trợ của Ban quản lý dự án và phát triển quỹ đất huyện Cờ Đỏ, huyện Phong Điền đã kịp thời giải thích, tuyên truyền, vận động lợi ích của dự án. Từ đó, các hộ dân đồng thuận bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công, góp phần hoàn thành công trình theo yêu cầu về tiến độ. Bên cạnh đó, ngay sau khi có mặt bằng, khởi công dự án, Sở GTVT chỉ đạo nhà thầu thi công tập trung nguồn lực (thiết bị, vật tư, nhân lực…) để tổ chức thi công đảm bảo tiến độ theo yêu cầu. Nhờ đó, đến cuối năm 2022 cầu Cờ Đỏ được thông xe kỹ thuật đơn nguyên bên phải để phá dỡ cầu Cờ Đỏ (cũ) và thông xe đơn nguyên bên trái cầu Tây Đô; đến cuối năm 2023, cầu Cờ Đỏ, cầu Tây Đô thông xe kỹ thuật đơn nguyên còn lại và cơ bản hoàn thành.
Ông Nguyễn Hoàng Tùng cho biết thêm, trong suốt quá trình triển khai thi công 2 công trình trên, nhà thầu đã tuân thủ đúng quy trình thi công và nghiệm thu, thi công công trình theo đúng yêu cầu kỹ thuật của hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, quy chuẩn - tiêu chuẩn kỹ thuật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Nhất là đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn lao động, vệ sinh môi trường và không để xảy ra bất cứ một tai nạn lao động nào…”.
Cầu Tây Ðô xây dựng khang trang, hiện đại vừa được đưa vào sử dụng.
Thực hiện Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị, với quan điểm xây dựng và phát triển Cần Thơ thành: “Thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL”. Theo đó, một trong những giải pháp quan trọng là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng, là cơ sở để thành phố phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng, là đầu mối quan trọng… Với mục tiên này, thời gian qua, thành phố đã và đang triển khai đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, trong đó ưu tiên đầu tư các đường vành đai, đường liên tỉnh, đường tỉnh để kết nối đồng bộ với các đường cao tốc, quốc lộ qua địa bàn thành phố, từ đó kết nối đến cảng hàng không, cảng biển, các trung tâm đô thị, khu công nghiệp, giải quyết ùn tắc giao thông khu vực nội ô và mở rộng không gian phát triển đô thị như đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; đường Vành đai phía Tây; các đường tỉnh 917, 918, 921, 923. Đồng thời, thành phố đang đề xuất đầu tư 3 công trình trọng điểm, như nâng cấp, mở rộng quốc lộ 61C; đường liên tỉnh kết nối TP Cần Thơ với tỉnh Kiên Giang và tỉnh Đồng Tháp; cầu Ô Môn vào nhóm dự án DPO đầu tư bằng nguồn vốn vay JICA…
Tại lễ khánh thành cầu Cờ Đỏ và cầu Tây Đô, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc tổ chức thực hiện quản lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ khi khởi công xây dựng đến khi hoàn thành công trình cầu Cờ Đỏ, cầu Tây Đô. UBND thành phố cũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các sở, ban ngành và UBND huyện Cờ Đỏ, Phong Điền đã hỗ trợ tích cực chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án, giải phóng mặt bằng… Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị chủ đầu tư tiếp tục chỉ đạo nhà thầu thi công hoàn thiện các công việc còn lại, hoàn thành thủ tục để bàn giao công trình cho UBND huyện Cờ Đỏ, huyện Phong Điền quản lý, khai thác và sử dụng một cách hiệu quả nhất. Thành phố cũng sẽ tăng cường kiểm tra, đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành theo đúng kế hoạch các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn.
Bài, ảnh: HÀ VĂN