05/03/2014 - 14:47

Xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL

Phát huy hiệu quả

Mới đây, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (gọi tắt là Chương trình) tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình khu vực ĐBSCL tại tỉnh Hậu Giang. Mặc dù, 2 năm đầu triển khai, Chương trình còn nhiều bất cập nhưng bước sang năm thứ 3 đã được đẩy nhanh rõ rệt. Đến nay, Chương trình đã từng bước cải thiện đời sống người dân, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn vùng ĐBSCL…

* Tín hiệu khả quan

Khu vực ĐBSCL bao gồm 12 tỉnh và 1 thành phố, toàn khu vực có 1.269 xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), chiếm 14% tổng số xã của cả nước. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN), tổng kinh phí đã huy động cho Chương trình ở ĐBSCL khoảng 121.340 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách chiếm khoảng 31,2%, vốn tín dụng chiếm 47,3%, doanh nghiệp 4,3% và cộng đồng dân cư khoảng 17,2%. Đến cuối năm 2013, bình quân các xã khu vực ĐBSCL đã đạt 9,23 tiêu chí, tăng 3,19 tiêu chí so với năm 2011 (bình quân cả nước đạt 8,36 tiêu chí) và có 1,4% xã đạt chuẩn NTM. So với năm 2011, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã có mức tăng tiêu chí khá so với cả nước, xóa được xã “trắng” về đạt tiêu chí NTM.

Qua 3 năm xây dựng NTM, giao thông nông thôn ở nhiều địa phương có sự chuyển biến rõ nét. Ảnh chụp tại xã
Trung An, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.
 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Sau 3 năm thực hiện, Chương trình đã trở thành phong trào rộng khắp trong nhân dân, kể cả đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở đã có bước trưởng thành lớn trong nhận thức, khả năng vận động quần chúng và trình độ tổ chức quản lý xây dựng NTM. Đời sống người dân nông thôn được cải thiện hơn, thu nhập bình quân tăng 10%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%… Thời gian qua, các địa phương đã ưu tiên tập trung nguồn lực cho phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là giao thông, thủy lợi nên đã làm thay đổi vượt bậc về phát triển hạ tầng, góp phần tạo động lực trong phát triển sản xuất, cải thiện điều kiện sống của cư dân nông thôn. Toàn vùng cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ. Nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo trong huy động nguồn lực như: tỉnh Cà Mau đã huy động nguồn lực xã hội để hoàn thành đề án 1.588 cầu giao thông nông thôn; tỉnh Bến Tre đã huy động nguồn lực từ trong dân và các nhà tài trợ để xây dựng hàng ngàn cây cầu bê tông nông thôn; tỉnh Hậu Giang đã huy động được hơn 1.200 tỉ đồng, trong đó, dân đóng góp 43,4% để nâng số xã có đường ô tô về đến trung tâm đạt 96%...

Ông Huỳnh Văn Trắng, Bí thư Đảng ủy xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: “Từ khi được công nhận đạt chuẩn xã NTM vào cuối tháng 1-2014, người dân xã Vị Thanh đón Tết Giáp Ngọ 2014 với không khí vui tươi, phấn khởi, không xảy ra tệ nạn xã hội, không một vụ tai nạn giao thông nào, người dân cư xử với nhau rất là văn hóa. Đi đến đâu cũng nghe người dân bàn tán về niềm vui của xã NTM. Đó là một niềm hạnh phúc lớn nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã!”.

*Tập trung giải quyết “điểm nghẽn”

Qua 3 năm đi vào thực tế từng địa phương, Chương trình còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo đa phần ý kiến của các địa phương, ĐBSCL có hệ thống sông ngòi chằng chịt, nền đất yếu nên kinh phí đầu tư cho hạ tầng khá cao. Trong khi khả năng đóng góp của cộng đồng dân cư thấp, điều kiện hỗ trợ từ ngân sách có hạn. Tỷ lệ phát triển hạ tầng của khu vực vẫn thấp nhất, đặc biệt là giao thông, thủy lợi, nước sạch, cơ sở văn hóa… đang là “điểm nghẽn” chính cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Bên cạnh đó, dù là khu vực có tiềm năng lớn nhất cả nước về phát triển nông nghiệp nhưng do hạ tầng phục vụ sản xuất còn hạn chế và thiếu đồng bộ, thời tiết biến đổi thất thường gây nhiều rủi ro bất lợi cho sản xuất, quy hoạch sản xuất nông nghiệp chưa gắn với đầu tư tương thích nên sản xuất hàng hóa chưa bền vững, hiệu quả thấp. Sự liên kết hợp tác, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm còn rất yếu; việc đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và đi liền là phát triển bền vững còn chậm. Nền kinh tế nông nghiệp bị đe dọa bởi ảnh hưởng biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Thông tin từ Bộ NN&PTNT, đến nay còn 62 xã đạt dưới 5 tiêu chí, trong đó tập trung nhiều ở các tỉnh Tiền Giang (39 xã), Bến Tre (7 xã), Cà Mau (10 xã)… đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực cao hơn nữa của chính quyền và người dân ở các xã này. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí ở một số địa phương còn chưa được coi trọng, chủ quan và mang tính hình thức, chạy theo phong trào. Bộ máy quản lý, điều hành, giúp việc các cấp hiện chủ yếu là kiêm nhiệm nên còn gặp nhiều khó khăn; cán bộ làm công tác xây dựng NTM ở các cấp, nhất là cấp huyện và xã còn thiếu…

Giải quyết những khó khăn, thúc đẩy xây dựng NTM vùng ĐBSCL thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng: Cần tập trung giải quyết những khó khăn đang là “điểm nghẽn” trong xây dựng NTM ở khu vực, nhất là về cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất để tạo chuyển biến đột phá thúc đẩy phát triển chung. Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình khu vực ĐBSCL, các đại biểu từ 13 tỉnh, thành tham dự tập trung thảo luận và đề xuất các chính sách phù hợp, tháo gỡ những “điểm nghẽn” còn vướng mắc trong quá trình xây dựng NTM. Qua đó, các đại biểu kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương các giải pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, điều chỉnh một số tiêu chí, phân bổ nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn phù hợp với vùng ĐBSCL. Chẳng hạn, nhân rộng mô hình sản xuất liên kết đối với các cây con chủ lực của vùng; lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án liên quan trên địa bàn; xây dựng chính sách đặc thù thu hút doanh nghiệp đầu tư…

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, “nguyên tắc vàng” trong vận động nhân dân chung sức tham gia xây dựng NTM là “dân chủ - công khai - minh bạch”. Lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo mức độ thành công của xây dựng NTM, tránh chạy theo thành tích. Đồng thời, xây dựng hệ thống văn hóa, xây dựng hệ thống chính trị ở tất cả các xã, tránh trường hợp chỉ tập trung thực hiện ở một số xã điểm. Các địa phương tiến hành triển khai tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là ứng dụng khoa học kỹ thuật thúc đẩy sản xuất. Các Bộ, ngành cần rà soát lại các tiêu chí phụ trách để có những điều chỉnh phù hợp giúp các địa phương được thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình…

Bài, ảnh: T.Trinh

Chia sẻ bài viết