Lễ hội là một sinh hoạt văn hóa như bao nhiêu sinh hoạt văn hóa khác, nhưng nó có tính tổng thể nguyên hợp và đời sống tinh thần của mỗi con người, một làng hay một cộng đồng được thể hiện ở không gian này qua những cung bậc tình cảm khác nhau, phong phú và độc đáo vô cùng. Dù xã hội phát triển đến mức nào, văn minh và hiện đại đến đâu thì cũng cần đến lễ hội như một nhu cầu tinh thần không thể thiếu.
Sở dĩ, lễ hội có sức sống bền chặt, cộng sinh và gắn bó với con người như vậy vì đây là nơi con người có thể gửi gắm rất nhiều ước muốn, hy vọng của mình. Ở phương diện nhu cầu văn hóa, lễ hội không chỉ là nơi con người thỏa mãn nhu cầu tâm linh, nhu cầu giải trí mà còn thể hiện sự sáng tạo và thăng hoa của họ trong quá trình tham gia lễ hội. Tuy nhiên, không phải bất cứ hoạt động nào của lễ hội cũng được xem là văn hóa; không phải bất cứ sự sáng tạo nào trong lễ hội cũng là văn hóa.
Văn hóa là giá trị nên tự bản thân nó là một sự nuôi dưỡng tâm hồn-mấu chốt cho nền tảng tinh thần xã hội. Lễ hội là sự thăng hoa của tâm thức cộng đồng-cái làm nên bản sắc. Cũng chính vì những giá trị đó mà ngày nay người ta thường đòi hỏi phải có sự tham gia thật nhiều của tiền bạc. Dân gian có câu “Phú quý sinh lễ nghĩa” rất đúng cho văn hóa và lễ hội ở cả hai phương diện tích cực và tiêu cực. Phải chăng, tiền bạc ít thì không tổ chức được lễ hội? Và phải chăng một lễ hội tốt, đẹp, giá trị lại đồng nghĩa với tiền bạc? Nếu vậy thì không nhất thiết bàn về giá trị tinh thần, lòng nhiệt tình yêu nước, yêu quê hương, lòng hiếu thảo, ngưỡng mộ những anh hùng, những bậc tài danh đã khuất.
Đông đảo tăng ni, phật tử tham dự Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng năm 2017.
Những năm gần đây, lễ hội nở rộ, gây không biết bao nhiêu tốn kém. Người ta đã làm ô nhiễm môi trường tinh thần, môi trường tự nhiên ở các đình chùa, miếu mạo, ở những nơi công cộng trang nghiêm vì đã lợi dụng đó làm nơi buôn bán tùy tiện. Lễ hội dù là truyền thống hay hiện đại đều có một vai trò to lớn trong đời sống tinh thần. Tuy nhiên, khi bối cảnh xã hội thay đổi thì các quan niệm về giá trị cũng vì thế mà thay đổi theo. Trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế thị trường, đời sống lễ hội cũng xuất hiện nhiều biến đổi mà ở đó cái tích cực và tiêu cực đan xen nhau, thậm chí một số lễ hội bị xuyên tạc do những động cơ thương mại và mê tín dị đoan. Nhà nước đã có rất nhiều văn bản để quản lý lễ hội, nhưng cứ mỗi dịp sau Tết Nguyên đán là lặp lại những tiêu cực, gây phản cảm, làm mất đi giá trị tích cực của lễ hội.
Nói đến lễ hội là nói đến dịp “xuân thu nhị kỳ”, thời điểm các lễ hội bộc lộ bản sắc vùng miền, tín ngưỡng, tôn giáo. Tết Nguyên đán, Lễ Khai ấn đền Trần, Hội Lim, Hội Gióng, Lễ hội Chùa Hương, Lễ hội Đền Hùng, Lễ hội Cá ông, Lễ hội Bà Thu Bồn, Lễ hội Mbăng Katê, Lễ Vu lan... là biểu trưng cho văn hóa đa sắc của Việt Nam. Đó là bức tranh văn hóa sinh động và được khái quát bằng ba đặc tính cơ bản: Văn hóa biển, văn hóa đồng bằng và văn hóa rừng núi. Giá trị của lễ hội mang bản chất văn hóa như một bóng dáng của lịch sử.
Lễ hội là dịp để con người có điều kiện giao tiếp với nhau và tìm đến giá trị văn hóa truyền thống. Lễ hội cũng là nơi diễn ra sự cộng cảm, bao dung, những truyền thống quý báu về đạo lý, mỹ tục khi khát vọng của con người hướng về chân-thiện-mỹ. Lễ hội làm cho mỗi người tìm lại ký ức, cố kết và củng cố tinh thần cộng đồng, tình yêu quê hương và lòng tự hào dân tộc. Chính vì vậy, sự chiêm ngưỡng của con người đem lại những giá trị lớn về tinh thần và vật chất. Một mặt, đời sống tinh thần của cộng đồng sau mỗi lần lễ hội được tiếp thêm sức mạnh, được thăng hoa trong sự sáng tạo, những di sản văn hóa vật chất được tôn tạo và lưu giữ. Mặt khác, lễ hội đóng một vai trò quan trọng trong lợi nhuận thu được từ văn hóa du lịch-nơi lễ hội lấy đó để đầu tư cho việc bảo vệ, tu bổ di tích. Chính vì những lợi ích này mà rất nhiều người, nhiều cơ quan quản lý có ham muốn thái quá về việc “nâng cấp lễ hội”. Thực ra, chúng ta có thể nâng cấp, trùng tu một công trình (văn hóa vật thể) nhưng không nên can thiệp để nâng cấp một lễ hội tồn tại với tư cách là một tâm thức (văn hóa phi vật thể).
Như vậy, văn hóa lễ hội là điều không thể thiếu được qua sự chắt lọc, trải nghiệm hàng nghìn năm của dân tộc, nhưng không giản đơn can thiệp bằng các kịch bản một cách thô thiển để trở thành một sản phẩm văn hóa phi vật thể duy ý chí. Mỗi lần đến dịp lễ hội là mỗi lần chúng ta phải cân nhắc làm sao cho có văn hóa, làm sao cho mỗi giá trị của lễ hội khi đem lại là một sự bồi đắp cho nền tảng tinh thần. Những giá trị ấy không thể cân đong đo đếm từng giờ, từng phút mà thể hiện ra trong những biến cố và bước ngoặt của dân tộc. Chúng ta không có quyền làm ô nhiễm bản sắc văn hóa của lễ hội bằng tiền bạc. Chúng ta cũng đừng vì kinh doanh du lịch hay thèm muốn túi tiền của các “thượng đế” mà tham lam, tự tin với những sáng tạo kịch bản lễ hội làm mất đi tâm thức cộng đồng.
Chúng ta không thể tạo dựng văn hóa bằng những việc làm phản văn hóa. Nghĩa là văn hóa lễ hội phải được hiển minh bằng thước đo giá trị của cộng đồng!
Theo Báo Quân Đội Nhân Dân