08/03/2018 - 15:44

Hãy trả lễ hội về đúng giá trị truyền thống! 

Để giải quyết lâu dài những vấn đề nhức nhối tại các lễ hội hiện nay điều quan trọng là tuyên truyền để người dân hiểu được đúng bản chất của các hoạt động tín ngưỡng.

Bản sắc văn hóa Việt được thể hiện ở nhiều lĩnh vực trong đời sống, xã hội, trong đó có lễ hội truyền thống. Lễ hội ở Việt Nam tồn tại đa dạng, phong phú dưới nhiều hình thức, nghi thức khắp 3 miền đất nước. Ước tính cả nước có gần 8000 lễ hội, trong đó 80% là lễ hội dân gian.

Mỗi một lễ hội truyền thống ở mỗi nơi đều mang một sắc thái văn hóa khác nhau, thể hiện quan niệm văn hóa, cách suy nghĩ, phong tục, tập quán mang tính đặc trưng của con người, vùng đất. Thông qua lễ hội, nhu cầu văn hóa và tâm linh của cộng đồng được thỏa mãn, các truyền thống và phong tục tập quán được duy trì.

Cảnh tượng tranh cướp phản cảm tại Lễ hội phết Hiền Quan 2018.
Ảnh: Trần Thường

Khi lễ hội mở ra, nhân dân nô nức phấn khởi, sự đoàn kết giữa mọi người trong cộng đồng dân cư cũng tăng thêm. Phụ nữ thi nhau trổ tài nấu nướng, nữ công gia chánh. Nam giới trổ tài trang trí, chăng đèn kết hoa và cắt dán khẩu hiệu, trang trí cổng chào... Trẻ em được biết thêm về truyền thống cuả địa phương, hiểu thêm và tự hào về những người đã có công khai phá vùng quê mình thuở xưa… Người đến lễ hội hướng tâm cầu nguyện cho bản thân, gia đình được bình an may mắn…

Dân gian vẫn có câu “vui như trẩy hội”, nhưng thật đáng buồn khi đến nhiều lễ hội ngày nay không đơn thuần là câu chuyện của tập tục, của di sản văn hóa mà đó là nỗi lo bị chen lấn, bạo lực, giẫm đạp xin ấn, cướp lộc… khiến nhiều người ngán ngẩm.

Xã hội ngày càng phát triển, nhiều người quan tâm đến việc đi các đền, chùa, có người đi cầu may, có người đi thưởng ngoạn. Nhưng cũng có một số người đến lễ hội theo trào lưu chứ chưa hiểu được hết giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội mà mình tham gia. Ví dụ ở Lễ hội Đền Trần (Nam Định), thực chất Lễ khai ấn là cầu mong mọi sự may mắn, nhưng du khách lại hiểu rằng đây là lễ khai ấn của Nhà Trần, có ấn này sẽ thăng quan, tiến chức nên dẫn đến cảnh tranh cướp ấn.

Hay như mới đây, tại hội phết Hiền Quan (Phú Thọ), mặc dù Ban tổ chức lễ hội đã tăng cường tuyên truyền thể lệ, siết an ninh và phân chia ranh giới bãi phết và chọn 200 người từ các khu dân cư chia thành hai đội thực hiện màn “cướp phết”. Tuy nhiên, lễ hội vẫn bị “vỡ trận” do hàng trăm thanh niên ở ngoài phá rào lao vào tranh cướp phết.

Xem đoạn video cướp phết không ai tin đó là một lễ hội truyền thống xuất phát từ mục đích rèn luyện sức khỏe cho binh sĩ khi xưa. Rồi ở chốn non thiêng Yên Tử người ta dùng tiền để “đánh bóng” chùa Đồng bằng cách mỗi người cầm một tờ tiền rồi thi nhau chạm vào chùa Đồng. Dù không có sự tích nào cho rằng xoa tiền vào chùa Đồng sẽ phát lộc phát tài nhưng người ta vẫn đồn thổi và tranh nhau làm một cách mù quáng.

Khi niềm tin vào việc cầu lộc, cầu tài, cầu may ở các lễ hội ngày một lớn, các màn xin lộc, tranh lộc, rồi cướp lộc ngày càng hăng hái thì đó chính là biểu hiện của việc thiếu kiến thức nền tảng, gốc gác để hiểu được bản chất của các hoạt động tín ngưỡng mình tham gia. Thánh thần không cần vật chất mà cần cái tâm của mỗi con người. Đi lễ cần sự ứng xử lịch sự, có văn hóa chứ không phải là kiểu vội vàng, chụp giậtt. Phật là tại tâm, tâm có tốt, có thiện thì mới mong những điều tốt đẹp đến với mình. Việc thiện bắt đầu từ việc giữ gìn sự tôn nghiêm nơi thần thánh an tọa, điều này quyết định cho việc đi lễ có văn hóa.

Thiết nghĩ, ngoài việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương vào cuộc nhằm chấn chỉnh các hoạt động tổ chức, quản lý lễ hội; kiên quyết không để xảy ra những hình ảnh phản cảm, gây bức xúc trong dư luận xã hội thì giải pháp tốt nhất để cải thiện tình trạng “lộn xộn” tại một số lễ hội hiện nay phải là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tham gia lễ hội, khơi dậy giá trị nhân văn, hướng thiện, không chạy theo lợi ích vật chất ở lễ hội.

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chia sẻ bài viết