11/06/2010 - 08:34

PHÓ THỦ TƯỚNG TRƯƠNG VĨNH TRỌNG:

Phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm của công tác phòng, chống tham nhũng

Ngày 10-6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã dự và chỉ đạo Hội nghị chuyên đề về công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng do Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng tổ chức.

Công tác phòng, chống tham nhũng luôn được xác định là một trong những trọng tâm công tác lớn của Đảng và Nhà nước ta. Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” và Luật phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tham nhũng đã có chuyển biến và đạt kết quả tích cực, trên một số lĩnh vực, tham nhũng có bước kiềm chế và có xu hướng giảm. So với những năm trở lại đây, công tác phòng, chống tham nhũng đã có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận việc phát hiện các vụ việc tham nhũng chưa phát huy các giải pháp đồng bộ, chủ yếu qua đơn thư tố cáo và của các cơ quan chức năng; quá trình xử lý một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp còn chậm, kéo dài, phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần, đình chỉ nhiều bị can hoặc miễn xử lý hình sự, thậm chí còn có biểu hiện nể nang, né tránh, lạm dụng việc bồi thường, khắc phục hậu quả để xử lý hành chính. Nguyên nhân của những hạn chế này là do hệ thống các quy định của pháp luật còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là các hướng dẫn của các cơ quan chức năng, từ đó dẫn đến cách hiểu, vận dụng khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng đối với một số vụ việc, vụ án phức tạp. Sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong một số vụ việc, vụ án cụ thể chưa chặt chẽ, thiếu nhất quán. Bên cạnh đó, trách nhiệm, quyết tâm của một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu và năng lực, kinh nghiệm của một số cán bộ chuyên ngành còn hạn chế, làm ảnh hưởng tới chất lượng công tác phát hiện, xử lý vụ việc. Nhiều vụ có dấu hiệu tham ô nhưng kinh phí giám định đòi hỏi quá lớn nên không chưa hiện được, chưa xác định được thiệt hại. Có những vụ án có yếu tố liên quan đến nước ngoài bị kéo dài do quy định mỗi nước khác nhau, việc tiếp cận để điều tra gặp khó khăn...

Các đại biểu kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật trong lĩnh vực phát hiện và xử lý tội phạm tham nhũng, cụ thể là bổ sung một số hành vi tham nhũng được quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng thuộc tội danh tham nhũng trong Bộ luật Hình sự; sửa đổi một số quy định trong Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự...

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng khẳng định: Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm của công tác phòng, chống tham nhũng. Trong tình hình hiện nay, phải “chống” mạnh, “chống” có bài bản, đánh trúng, để “phòng” có hiệu quả hơn, có tác dụng ngăn ngừa. Do vậy, trong năm 2010 và những năm tiếp theo, cần khẩn trương rà soát các vụ việc, vụ án tham nhũng tồn đọng để tập trung xử lý dứt điểm, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ mới phát sinh; tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các quy định nhằm hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách phục vụ công tác phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng. Thông qua xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, các cấp, các ngành cần đánh giá một cách sâu sắc, từ đó rút ra nguyên nhân dẫn đến tham nhũng để có các giải pháp khắc phục, kịp thời bổ sung các quy định nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách trong quản lý, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

CHU THANH VÂN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết