23/07/2015 - 09:21

Phát hiện sớm viêm gan siêu vi C, hiệu quả điều trị cao

Viêm gan C là bệnh lý mà tác nhân gây bệnh là virus viêm gan C, với tỷ lệ nhiễm bệnh khoảng 5%. Bệnh diễn tiến sau nhiều năm, với khoảng 15% - 40% dẫn đến xơ gan và biến chứng thành ung thư gan. Tuy nhiên, mọi người có thể đến Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ thực hiện xét nghiệm tầm soát dễ dàng với chi phí thấp và khả năng điều trị sớm, đạt hiệu quả cao.

Trung bình mỗi tháng, Khoa Khám bệnh, BV Đa khoa TP Cần Thơ tiếp nhận khám và điều trị khoảng 600 - 1.000 lượt bệnh nhân viêm gan siêu vi C. Bác sĩ Huỳnh Thanh Trúc, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, cho biết, trên 80% các trường hợp mắc bệnh không có triệu chứng gì đặc biệt trong nhiều năm. Khi có triệu chứng của gan như vàng da, báng bụng, u gan… thì đã quá trễ, điều trị khó và không điều trị được. Do đó, bệnh nhân cần chẩn đoán bệnh sớm trước khi có triệu chứng rõ ràng. Khoảng 85% trường hợp nhiễm siêu vi viêm gan C sẽ chuyển thành mạn tính. Đặc điểm nổi bật của bệnh viêm gan C mạn tính là sự tiến triển rất thầm lặng qua 10 - 30 năm, nhiều trường hợp bệnh chỉ phát hiện khi có biến chứng nghiêm trọng: xơ gan, giãn mạch máu đường tiêu hóa, ung thư gan. Khi gan xơ rất khó phục hồi, vì vậy, nên điều trị sớm nhằm ngăn ngừa hoặc làm chậm tiến triển sang giai đoạn xơ gan.

Bác sĩ tư vấn cho người bệnh về các bệnh viêm gan siêu vi.

Đường lây truyền của virus viêm gan C rất đa dạng. Đó là lây truyền qua đường máu (và dịch cơ thể) do truyền máu chưa sàng lọc tốt, do dùng kim chích chung (chích ma túy…) từ những người bị nhiễm. Ngoài ra, nhân viên y tế nào cũng có thể bị nhiễm siêu vi viêm gan C do tiếp xúc với bệnh phẩm chứa siêu vi trong quá trình làm việc. Bệnh còn lây qua đường tình dục: bạn tình bị nhiễm, quan hệ với nhiều đối tượng mà không thực hiện các biện pháp an toàn. Trường hợp vợ hoặc chồng đã nhiễm bệnh, tuyệt đối sử dụng bao cao su trong quan hệ vợ chồng. Viêm gan C cũng có thể lây nhiễm từ người thân mắc bệnh trong gia đình khi dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, dụng cụ cắt móng tay, móng chân... Khả năng lây từ mẹ sang con khi mang thai không cao; người mắc viêm gan C không ảnh hưởng khả năng sinh sản. Xăm mình, xỏ lỗ tai với vật dụng không tẩy trùng tốt cũng có thể lây truyền siêu vi C. Tuy nhiên, khoảng 30 - 40% trường hợp không rõ đường lây nhiễm.

Viêm gan siêu vi C chỉ có thể chẩn đoán sớm bằng xét nghiệm chuyên biệt. Bởi vậy, nếu có điều kiện nên làm xét nghiệm tầm soát, nhất là đối tượng có nguy cơ bị nhiễm cao (truyền máu chưa sàng lọc tốt; dùng chung dụng cụ tiêm chích; có nhiều bạn tình... Có 2 mức xét nghiệm như: xét nghiệm tầm soát thử antiHCV để biết đã nhiễm HCV trong quá khứ hay chưa; xét nghiệm đi sâu, được bác sĩ chuyên khoa chỉ định với những người đã bị nhiễm (antiHCV dương tính) để xem xét chỉ định điều trị (ví dụ: HCV –RNA định tính/định lượng, định típ gen HCV…).

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Trúc, mặc dù viêm gan C có nguy cơ lây truyền cao từ nhiều đường truyền bệnh nhưng việc điều trị khỏi đạt tỷ lệ khoảng 70% - 90%. Hiện nay, công thức cơ bản, phổ biến được chấp nhận điều trị viêm gan C là phối hợp Interferon (thuốc tiêm) và Ribavirin (thuốc uống) trong khoảng 6 tháng đến 1 năm, tùy theo típ và đáp ứng của bệnh nhân. Thuốc Interferon có 2 dạng: dạng tác dụng kéo dài chỉ cần tiêm 1 mũi/tuần; còn dạng thông thường phải tiêm 3 mũi/tuần. Công thức thuốc điều trị viêm gan C khá đắt, khoảng từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, tùy loại thuốc. Bởi vậy, bệnh nhân phải tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ và tái khám đúng hẹn. Riêng đối với nhóm bệnh nhân không đáp ứng điều trị với công thức phổ biến, sắp tới, với sự tiến bộ của y học hiện đại, sẽ có loại thuốc có thể điều trị khỏi bệnh cho nhóm này. Trong số nhiều bệnh nhân viêm gan siêu vi C điều trị tại BV Đa khoa TP Cần Thơ, chú Trần Quang Dũng (57 tuổi, ở quận Ninh Kiều) cho biết: "Sau khi phát hiện bệnh, tôi được các bác sĩ tư vấn cặn kẽ và tận tình điều trị đạt kết quả tốt, tôi rất yên tâm". Tuy nhiên, theo chú Dũng, chi phí khám, chữa bệnh viêm gan C rất cao và đề nghị ngành bảo hiểm xem xét nâng mức thanh toán chi phí điều trị cho bệnh nhân viêm gan C từ 30% hiện nay lên trên 50%, để tháo gỡ khó khăn cho người bệnh, nhất là người bệnh nghèo ở vùng sâu, vùng xa có thu nhập thấp.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Trúc khuyến cáo, để giữ lá gan khỏe mạnh, người bệnh phải dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ và tái khám đúng hẹn để theo dõi hiệu quả việc chữa trị. Mọi người cần tránh uống rượu, giảm hút thuốc lá, ăn uống điều độ và tập thể dục vừa sức, nghỉ ngơi hợp lý…

Bài, ảnh: TH. SƯƠNG

Chia sẻ bài viết