16/05/2022 - 22:10

Phát hiện mới giúp phòng ngừa nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh 

AN NHIÊN (Theo SciTechDaily, CNN)

Mặc dù không ngừng nỗ lực tìm hiểu về Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS), nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa làm rõ được nguyên nhân cũng như xác định nhóm trẻ nào có nguy cơ gặp phải hội chứng này. Tin vui là các nhà khoa học tại Bệnh viện Nhi đồng ở Westmead (Úc) lần đầu tiên phát hiện một chỉ dấu sinh học có thể giúp nhận diện những trẻ sơ sinh có nguy cơ cao bị SIDS.

Theo các chuyên gia, SIDS không phải là một bệnh lý mà là trường hợp tử vong đột ngột, không tìm ra nguyên nhân ở trẻ dưới 1 tuổi. Thông thường, SIDS xảy ra trong lúc trẻ ngủ từ khoảng giữa đêm cho đến 9 giờ sáng và không hề có bất kỳ tiếng ồn hay dấu hiệu cho thấy sự bất thường hay khó chịu ở đứa trẻ. Hiện SIDS vẫn là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ sơ sinh ở các nước phương Tây, góp phần gây ra 50% số ca tử vong sau khi chào đời của trẻ nhỏ. Ðơn cử tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 3.400 trẻ tử vong vì SIDS.

Trong nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí eBioMedicine, các chuyên gia đã đánh giá nồng độ một enzyme đặc biệt gọi là Butyrylcholinesterase (BChE) trong mẫu máu của 67 trẻ sơ sinh tử vong vì SIDS và nguyên nhân chưa biết khác trong giai đoạn 2016-2020, sau đó so sánh với nồng độ BChE đo được trong máu của 655 trẻ em trong nhóm đối chứng. Họ phát hiện những trẻ qua đời vì SIDS có nồng độ BChE thấp hơn đáng kể so với những trẻ sơ sinh còn sống hoặc những trẻ sơ sinh đã qua đời vì những nguyên nhân khác.

Hiện tại, “mô hình 3 nguy cơ” được sử dụng để giải thích sự xuất hiện của các ca tử vong vì SIDS. Theo đó, các chuyên gia đặt ra giả thuyết là SIDS xuất hiện khi có 3 yếu tố xảy ra đồng thời, đó là việc trẻ sơ sinh có cơ địa dễ bị tổn thương, đang giai đoạn phát triển quan trọng và do tác nhân gây căng thẳng ngoại sinh. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có cách nào để xác định những trẻ sơ sinh dễ bị SIDS.

Theo các tác giả, việc xác định chỉ dấu hóa sinh BChE có thể cung cấp cho các nhà nghiên cứu một định hướng rõ ràng, giúp họ tập trung chú ý vào việc đưa dấu hiệu này vào sàng lọc sơ sinh và phát triển các biện pháp can thiệp cụ thể để giải quyết tình trạng thiếu hụt enzyme này. “Phát hiện này đã mở ra khả năng can thiệp và cuối cùng đưa ra lời giải đáp cho những bậc cha mẹ trải qua nỗi đau mất con vì SIDS” - trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Carmel Harrington nhận xét.

Những cách phòng ngừa nguy cơ xảy ra SIDS

+ Xây dựng môi trường an toàn cho giấc ngủ của trẻ, như chỉnh nhiệt độ phòng phù hợp, cho bé mặc quần áo thông thoáng, không đội nón có thể trùm đầu bé (có thể gây ngạt).
+ Đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ và thường xuyên quan sát bé. Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi cần nằm giường riêng, bên cạnh giường ngủ của người chăm sóc. Không để gối, đồ chơi nhồi bông, mền nhiều lông hoặc quá lớn ở khu vực ngủ của trẻ.
+ Đảm bảo trẻ được tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch để nâng cao sức đề kháng.
+ Các bà mẹ cần được chăm sóc thai kỳ đầy đủ, tuyệt đối tránh dùng bia rượu, chất kích thích hoặc tiếp xúc khói thuốc trong quá trình mang thai và cho con bú.

 

Chia sẻ bài viết