14/09/2007 - 15:15

Pháp “muốn giảng” hòa với NATO?

Nước Pháp từ thời Tướng De Gaulle đến nay vẫn giữ một khoảng cách nào đó trong lòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ nắm quyền chi phối, nhưng sự xích lại gần nhau hơn với bên kia bờ Đại Tây Dương dưới trào tân Tổng thống Nicolas Sarkozy có thể là cơ hội để đất nước hình lục giác này gia nhập toàn diện vào NATO. Trong một phát biểu mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Hervé Morin thừa nhận các nỗ lực thiết lập một chính sách quốc phòng và an ninh chung của châu Âu sẽ không tiến triển nếu Pháp vẫn tiếp tục “so kè hoặc lưỡng lự” với NATO. Nói cách khác, ông Morin muốn Paris thay đổi thái độ của mình đối với NATO. Trước đó, Tổng thống Sarkozy cũng từng nói rằng hệ thống phòng thủ non trẻ của châu Âu không thể sánh bằng của NATO, và ông sẽ cố gắng mang lại cho Pháp một vị trí xứng đáng hơn trong tổ chức qui tụ 26 quốc gia này.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Hervé Morin. Ảnh: AFP

Là thành viên sáng lập và đứng thứ năm về đóng góp tài chính cho NATO, nhưng kể từ năm 1966, Pháp quyết định rút khỏi cơ quan chỉ huy quân sự cấp cao của tổ chức này. Tướng De Gaulle muốn Pháp duy trì sự độc lập về quân sự, nhất là với Mỹ. Tuy nhiên, chính điều đó đã khiến Pháp gần như không có vai trò gì trong các quyết định quan trọng của NATO. Vì thế, Tổng thống Jacques Chirac năm 1997 tỏ ý muốn tái gia nhập Bộ chỉ huy quân sự NATO nếu Mỹ chịu hậu thuẫn chính sách quốc phòng và an ninh chung của châu Âu, đồng thời NATO phải tiến hành cải cách về chiến lược và cơ cấu quân sự. Tuy nhiên, Washington bác bỏ cả hai điều kiện đó.

Theo tờ Thế giới, khả năng Pháp trở lại Bộ chỉ huy quân sự của NATO sau hơn 40 năm vắng mặt chắc chắn sẽ được đề cập trong Sách Trắng về quốc phòng và an ninh quốc gia, đang được soạn thảo và dự kiến trình lên Điện Élysée vào tháng 3-2008. Và vấn đề này có thể cũng sẽ được Paris công bố cụ thể tại hội nghị thượng đỉnh NATO tại Thủ đô Bucarest (Roumanie) vào mùa Xuân năm tới.

Các nhà quan sát nhận định việc trở lại Bộ chỉ huy quân sự của NATO có thể được xem là một trong những thay đổi lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Pháp từ nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, Đảng Xã hội (PS) đối lập ngay lập tức phê phán hành động xét lại chính sách ngoại giao này của chính quyền Sarkozy. Theo Pierre Moscovici, người phụ trách các vấn đề quốc tế của PS, sự xét lại cho thấy chính quyền hiện nay đang “thiếu một tầm nhìn toàn cầu”.

PHÚC NGUYÊN
(Tổng hợp từ AFP, Le Monde, The Independent)

PHÚC NGUYÊN (Tổng hợp từ AFP, Le Monde, The Independent)

Chia sẻ bài viết