01/03/2010 - 20:52

Phân nitơ – con dao hai lưỡi

Phân nitơ đang được dùng tại một trang trại ở bang Illinois (Mỹ). Ảnh: Newcom 

Phân nitơ đã góp phần đáng kể giúp nuôi sống cả hành tinh nhưng đồng thời cũng chính là tác nhân phá hủy môi trường Trái đất, thậm chí nguy hại hơn cả khí CO2.

Dennis Lindsay vẫn còn nhớ ngày mà cách đây 40 năm khi cha ông, một nông dân ở bang Iowa (miền Trung Tây nước Mỹ), bắt đầu sử dụng phân nitơ cho nông trại rộng 64 ha của gia đình. Nhờ loại phân này, rẫy bắp nhà Lindsay ngày càng tươi tốt, mang lại một vụ mùa bội thu. Và khi loại bắp chất lượng cao này được dùng để nuôi bò và heo, chất lượng sữa và thịt cũng tăng đáng kể, giúp gia đình phát đạt hẳn lên. Lindsay cho biết nông trại bắp và đậu nành rộng 1.200 ha của họ hiện mỗi năm tiêu thụ khoảng 150 tấn phân nitơ.

Không chỉ Lindsay, nông dân ở Trung Quốc, châu Âu và Nam Mỹ cũng đang dựa vào loại phân kích thích sinh trưởng cây trồng này để nuôi sống gia đình và cung cấp lương thực cho thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thiết thực cho sản xuất nông nghiệp, phân nitơ cũng mang đến nhiều yếu tố bất lợi cho môi trường. Các nhà nghiên cứu cho biết thế giới là bể chứa nitơ hoạt tính do chính con người tạo ra. Khi số trang trại trên thế giới sử dụng phân nitơ ngày càng nhiều, dư lượng hóa chất này thải ra sông, hồ và biển cũng tăng đáng kể, kích thích tảo phát triển lan tràn trong khi cá tôm và nhiều sinh vật biển khác thì suy giảm. Mặt khác, khí nitơ từ khói của các nhà máy điện thì hòa cùng gió rồi kết tủa thành những cơn mưa axít. Ngoài ra, khí nitơ lưu lại trong bầu khí quyển cũng hủy hoại tầng ozone – lớp màng bảo vệ Trái đất khỏi ảnh hưởng bức xạ của Mặt trời. Các nhà khoa học tính toán hàm lượng khí nitrous oxide (N2O) hiện cao gần gấp 3 lần CO2 (tác nhân số một gây biến đổi khí hậu) và là loại khí gây hiệu ứng nhà kính nguy hại thứ ba đối với Trái đất (sau CO2 và methane).

Theo James Galloway, giáo sư khoa môi trường Đại học Virginia, nitơ có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc nuôi sống nhân loại, nhưng làm thế nào vừa tận dụng lợi ích của nó vừa có thể hạn chế tác hại do nó gây ra, đặc biệt là chất thải, mới là vấn đề quan trọng. Mỹ là nước thải ra 40% nitơ hoạt tính, để chúng chảy tràn ra sông, hồ và biển cả, nơi mà số lượng và phạm vi các “vùng nước chết” do bị thiếu khí ôxy ngày càng gia tăng. Năm ngoái, các nhà khoa học cho biết thế giới hiện có hơn 400 vùng chết với tổng diện tích 245.000 km2. Tình trạng này càng tồi tệ hơn ở Trung Quốc, nước sử dụng gần như gấp đôi lượng phân nitơ để có thể thu được sản lượng lương thực tương đương với Mỹ. Chuyên gia Vaclav Smil ở Đại học Manitoba (Canada) cho biết Trung Quốc đã lãng phí 3/4 lượng phân nitơ dùng trong trồng lúa. Nhu cầu sử dụng năng lượng gia tăng cũng góp phần tạo ra nhiều hợp chất NOx – vốn hòa quyện trong khói, gây ra mưa axít và hiện tương ấm nóng toàn cầu, do chúng được thải ra từ các nhà máy điện dùng nhiên liệu hóa thạch.

Theo Lester Brown, chủ tịch Viện Chính sách Trái đất ở Washington, sử dụng nitơ trong nông nghiệp hoặc tạo ra chúng (thông qua các quá trình đốt cháy nhiên liệu) càng nhiều, hệ sinh thái Trái đất càng mau suy thoái. Người ta tin rằng nếu tiêu chuẩn làm sạch không khí mới của Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) của Mỹ được thực thi, 90% khí thải NOx ở nước này sẽ bị loại bỏ. Điều đó sẽ thành hiện thực bởi từ nay đến năm 2012, có 2/3 nhà máy điện ở xứ cờ hoa sẽ được trang bị thiết bị lọc khí nitơ. Không chỉ vậy, những nỗ lực nhằm đẩy mạnh việc sử dụng hiệu quả phân nitơ cũng đang lược tiến hành tại Mỹ. Ví dụ, hơn 100 nông dân ở bang Pennsylvania đang sử dụng công cụ mới để xác định hàm lượng phân cần dùng. Ở Iowa, gia đình Lindsay cũng đang ứng dụng công nghệ giúp giảm sử dụng phân nitơ mà vẫn duy trì năng suất cây trồng.

HOÀNG ĐIỂU (Theo Csmonitor)

Chia sẻ bài viết