23/03/2014 - 20:54

Phác đồ mới điều trị lao

BS Lê Hồng Thúy
(Phòng KHTH - Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ)

Hiện nay, thế giới có khoảng 1/3 dân số bị nhiễm lao. Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thế giới có khoảng 8,7 triệu ca lao mới và khoảng 1,3 triệu người tử vong vì căn bệnh này. Mục tiêu thiên niên kỷ của WHO đối với bệnh lao là đến năm 2015 sẽ giảm một nửa số ca tử vong do lao so với năm 1990, đến năm 2050 sẽ loại bỏ bệnh lao ra khỏi danh sách các bệnh cộng đồng. Tuy nhiên, mục tiêu này đang bị thách thức do sự phát triển tình trạng lao kháng thuốc và đồng nhiễm lao với HIV.

Bệnh nhân lao được điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ. Ảnh: K.L

Bệnh lao phát triển cùng sự lây lan của bệnh AIDS và các dạng đề kháng với các thuốc điều trị lao. Những phương pháp điều trị hiện nay đòi hỏi phải mất ít nhất là 8 tháng. Tuy hiệu quả điều trị khỏi trên 85% nhưng WHO nhận thấy rằng, nếu rút ngắn thời gian điều trị còn 6 tháng thì hiệu quả điều trị càng tối ưu hơn, vì:

- Lượng thuốc dùng ít đi và thời gian điều trị ngắn lại sẽ tăng thuận lợi cho người bệnh và vấn đề hợp tác điều trị giữa người bệnh và thầy thuốc tốt hơn rất nhiều.

- Ít nguy cơ nhiễm độc thuốc mạn tính và giảm gánh nặng ngân sách, cơ sở điều trị và nhân viên y tế.

- Một khi hóa trị liệu ngắn ngày triển khai rộng khắp, chắc chắn mang lại lợi ích to lớn cho bệnh nhân lao và cải thiện tình hình bệnh lao toàn cầu.

Với những ưu việt phác đồ điều trị 6 tháng (2(S)HRZE/4HR), sự khuyến cáo của WHO và các yếu tố liên quan công tác quản lý điều trị lao của nước ta, Chương trình Chống lao Việt Nam có công văn chỉ đạo áp dụng phác đồ điều trị 6 tháng từ 1-4-2014. Theo đó, Chương trình Chống lao tại TP Cần Thơ bắt đầu triển khai phác đồ 6 tháng cho bệnh nhân lao mới, cụ thể: từ 1-4 đến 30-6-2014, dùng phác đồ 2SHRZ/4RH và từ 1-7 trở đi, sẽ dùng phác đồ 2HRZE/4RH.

Trong quản lý điều trị lao nói chung, đặc biệt trong quản lý điều trị lao 6 tháng, giám sát có vai trò quan trọng, tác động trực tiếp đến thành công của chiến lược chống lao. Công tác giám sát cần thực hiện như sau:

Giám sát từ tuyến tỉnh - tuyến huyện: Đi sâu hơn về giám sát tổ chức triển khai công thức 6 tháng tại tuyến huyện, xã. Các nội dung chuyên môn triển khai công thức 6 tháng tại tuyến huyện là chỉ định phác đồ, liều lượng thuốc.

Giám sát từ tuyến huyện - tuyến xã: Giám sát quy trình quản lý điều trị lao 6 tháng tại tuyến xã.

Giám sát từ tuyến xã - bệnh nhân: Bệnh nhân lao điều trị bằng công thức 6 tháng có Rifampicin trong cả liệu trình, phải giám sát trực tiếp trong 6 tháng. Đây là khâu quan trọng nhất trong quá trình giám sát, đảm bảo bệnh nhân dùng thuốc đúng, đủ và đều.

Chia sẻ bài viết