Ngành công nghiệp làm đẹp đang chịu ảnh hưởng mạnh bởi các công nghệ hiện đại. Trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học... là công cụ hữu ích cho quá trình cá nhân hóa - xu hướng làm đẹp được quan tâm trong năm 2025.

Theo các chuyên gia trong ngành, công nghệ tác động đến ngành công nghiệp làm đẹp trên mọi phương diện. Những sáng chế công nghệ đang tập trung chuyên sâu vào tính bền vững, đa dạng, phổ quát nhằm mang đến trải nghiệm đa chiều cho khách hàng, đồng thời thiết lập các tiêu chuẩn mới cho ngành làm đẹp.
Thương hiệu Amorepacific đã cho ra mắt Wanna Beauty AI (ảnh), chatbot tích hợp công nghệ AI để hỗ trợ người tiêu dùng trong mọi tình huống. Khách hàng chỉ cần trò chuyện với AI bằng giọng nói, yêu cầu tư vấn hoặc khám phá nhiều phong cách trang điểm sao cho phù hợp. Wanna Beauty AI sẽ tổng hợp các dữ liệu từ yêu cầu, phân tích khuôn mặt khách hàng và đưa ra những đề xuất trang điểm tạo hình phù hợp, có cả hình ảnh để tham khảo. Tương tự, Perfect Corp cho ra mắt Perfect GPT, trợ lý thực hiện cá nhân hóa trải nghiệm của người dùng. PerfectGPT tư vấn và hỗ trợ thử nghiệm sản phẩm ảo bằng công nghệ AI/AR và phân tích da thông minh.
Theo Grand View Research, quy mô thị trường công nghệ làm đẹp ước tính đạt hơn 66 tỉ USD vào năm 2024, dự kiến tốc độ tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 17,9% từ năm 2025 đến năm 2030. Với đà tăng trưởng này, các nhãn hiệu đang đầu tư cho công nghệ để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp làm đẹp. Theo đó, bên cạnh ứng dụng AI thì công nghệ sinh học cũng được nhiều đơn vị lựa chọn.
Nhiều công ty mỹ phẩm hiện nay đã ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra các nguyên liệu bền vững hướng đến giải pháp làm đẹp bền vững và có trách nhiệm với môi trường. Với ứng dụng công nghệ sinh học, các công ty không còn phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên mà chủ động hơn trong việc sáng tạo ra các nguyên liệu để sản xuất mỹ phẩm. Thông qua quy trình lên men, biến đổi gien hoặc nuôi cấy tế bào gốc… những nguyên liệu mới đã được tìm ra và giúp các nhãn hàng có thể phát triển các sản phẩm độc đáo. Cụ thể, Amyris đã cho ra mắt sản phẩm Biossance, dòng dưỡng da chứa squalane (hoạt chất làm mềm và dưỡng ẩm da) được chiết xuất từ mía thay vì gan cá mập như trước kia. Tập đoàn L'Oréal có enzyme endolysin giúp giải quyết bệnh chàm trên da, hay La Roche-Posay sử dụng công nghệ endobioma kết hợp enzyme để cho ra mắt các sản phẩm chăm sóc da siêu nhạy cảm, dễ kích ứng. Vẫn còn rất nhiều sản phẩm được ra mắt từ ứng dụng công nghệ sinh học, như malassezin - chất thay thế ít gây kích ứng hơn vitamin C, naringenin - hoạt chất có tác dụng giảm viêm và phục hồi da…
Nhiều thiết bị tiên tiến chăm sóc sắc đẹp cho người dùng cũng đã ra đời. Như thiết bị Lancôme Renergie Nano-Resurfacer 400 Booster sử dụng công nghệ nanochip với hơn 400 đầu nano siêu chính xác để tăng cường khả năng thẩm thấu mỹ phẩm vào da. SmartSKN và Lillycover ra mắt hệ thống robot chăm sóc da có khả năng quét và phân tích làn da tại chỗ, nâng cao quá trình trải nghiệm cá nhân hóa của người dùng.
BẢO LAM
(Tổng hợp từ Marie Claire, Grand View Research)