Ủy ban Sông Mekong Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo tham vấn Dự án thủy điện Pắc-Beng của Lào trên dòng chính sông Mekong tại TP Cần Thơ. Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện các sở, ngành của các tỉnh phía Nam bày tỏ nhiều mối lo cho ĐBSCL. Bởi thủy điện Pắc-Beng và nhiều công trình thủy điện khác đã và đang được xúc tiến xây dựng trên dòng chính sông Mekong vì mục đích kinh doanh sẽ tác động tiêu cực đến môi trường và đời sống của hàng chục triệu hộ dân vùng hạ lưu.
Nhiều tác động tiêu cực
|
Các đập thủy điện được xây dựng trên sông MeKong sẽ gây tác động tiêu cực đến nguồn lợi thủy sản của vùng ĐBSCL. |
Pắc-Beng là công trình thủy điện thứ nhất trong chuỗi 11 bậc thang thủy điện dòng chính dự kiến xây dựng trong vùng Hạ lưu vực sông Mekong và là công trình thứ 3 được đề xuất xây dựng tại Lào, sau công trình thủy điện Xay-Nha-bu-ly và Đon Sa Hong. Thủy điện Pắc-Beng xây dựng tại huyện Pắc-Beng, tỉnh Oudomxay của Lào, cách thành phố Viêng Chăn 610km về phía thượng lưu và cách biên giới Việt Nam 1.933km. Công trình thủy điện này có công suất thiết kế 912 MW, điện lượng 4,765 GWh chủ yếu xuất khẩu sang Thái Lan (90%). Chủ đầu tư là công ty sản xuất năng lượng quốc tế Datang của Trung Quốc.
Theo báo cáo đánh giá của nhóm chuyên gia thuộc Ủy ban Sông Mekong Việt Nam, thiết kế xây dựng công trình còn nhiều điểm chưa phù hợp và thiếu các đánh giá về tác động của dự án đến môi trường, hệ sinh thái và sinh kế của người dân trong khu vực bị ảnh hưởng. Nhất là các tác động xuyên biên giới và tác động tích lũy theo thời gian trong mối quan hệ với cả hệ thống các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong. Thủy điện Pắc- Beng nếu được thiết kế, xây dựng, vận hành như trong tài liệu đã nộp trong quá trình tham vấn của các bên liên quan sẽ gây tác động lớn đến nguồn lợi thủy sản, vận chuyển phù sa bùn cát và hệ sinh thái khu vực hạ lưu, gây nguy cơ đe dọa tuyệt chủng loài cá da trơn khổng lồ trên sông Mekong. Dự án Thủy điện Pắc-Beng sẽ giữ lại phù sa bùn cát và làm tăng nhanh quá trình thiếu hút phù sa bùn cát cho khu vực hạ lưu, nhất là tại ĐBSCL sẽ làm gia tăng nguy cơ bị sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển và xâm nhập mặn.
Nhiều chuyên gia không khỏi lo ngại cho rằng, thủy điện Pắc-Beng có mục đích ưu tiên nhiều cho kinh doanh điện, chưa đảm bảo tốt vấn đề bảo tồn hệ sinh thái, môi trường và an toàn đập. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về ĐBSCL cho rằng: "Ngoài việc ngăn cản phù sa bùn cát chảy về khu vực hạ lưu, thủy điện Pắc- Beng cũng ảnh hưởng cả đến nguồn lợi thủy sản ngay trên sông Mekong và biển, do phù sa, dinh dưỡng từ sông Mekong chảy ra biển bị chặn lại phía thượng nguồn. Nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra tại ĐBSCL thời gian qua do thiếu hụt phù sa bùn cát bồi lắng từ sông Mekong".
Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, cho biết: "Thủy điện Pắc- Beng nằm trong vùng động đất hoạt động rất mạnh, nhiều nơi gần với Pắc- Beng đã từng ghi nhận các trận động đất từ 6-7 độ Richter. Vấn đề động đất đối với an toàn đập là rất quan trọng, nhưng báo cáo trong quá trình thiết kế xây dựng thủy điện Pắc-Beng lại chưa nhắc đến. Động đất xảy ra có thể gây ra sự đổ vỡ dây chuyền của các đập thủy điện". Rõ ràng, các thông tin, số liệu đánh giá về tác động của đập thủy điện này chưa rõ ràng, chưa đầy đủ và thiếu sự nhất quán khi xem xét tác động dựa trên các khía cạnh thủy văn-thủy lực, phù sa bùn cát, thủy sản-hệ sinh thái, chất lượng nước, kinh tế- xã hội, giao thông thủy và an toàn đập.
Cân nhắc trong phát triển thủy điện
Hệ sinh thái sông Mekong có tính kết nối, những tác động bất lợi sẽ có tính lan truyền xuyên biên giới và xu hướng gia tăng do tích lũy từ tác động của thủy điện Trung Quốc trên sông Lan Thương và các công trình thủy điện xây trên dòng chính sông Mekong. Các chuyên gia cho rằng, ngoài việc có các hoạt động tham vấn và tăng cường ngoại giao để các nước hạn chế xây đập thủy điện và sử dụng hiệu quả, an toàn nguồn nước sông Mekong, Việt Nam cần kịp thời xây dựng các kịch bản cho ĐBSCL chủ động ứng phó các tác động kép từ đập thủy điện với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
|
Sự biến đổi dòng chảy và suy giảm phù sa bùn cát trên sông MeKong đang gây nhiều nguy cơ sụt lún, sạt lở tại các bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL. Trong ảnh: Một điểm sạt lở bờ sông ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. |
Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, đề nghị: "Nước bạn Lào tạm hoãn xây dựng đập để làm báo cáo đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện để trình các quốc gia trong khu vực. Các bạn vẫn làm nhưng với điều kiện phải xây dựng báo cáo đánh giá tác động đầy đủ, có chất lượng hơn". Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Đại học Cần Thơ, nếu nước bạn Lào xây hết 11 đập thủy điện như dự tính và các nước khác cũng xây đập, tương lai ĐBSCL sẽ chịu ảnh hưởng khủng khiếp bởi hạn mặn và thiếu hụt phù sa. Cần có giải pháp để nguồn phù sa không bị chặn lại bởi hệ thống thủy điện. Chúng ta phải đàm phán với Lào để hạn chế tối đa việc xây dựng đập thủy điện. Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, những năm gần đây, điện được sản xuất từ năng lượng mặt trời có giá ngày càng rẻ và nhiều nước đã tập trung phát triển loại năng lượng sạch này và không còn coi phát triển thủy điện là tất yếu nữa. Các cơ quan chức năng cần tăng hoạt động đối ngoại và tham vấn để có các khuyến nghị, khuyến cáo kịp thời với nước bạn Lào.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, việc thực hiện tham vấn về dự án thủy điện Pắc-Beng rất quan trọng, nhằm có kiến nghị đảm bảo lợi ích tổng thể, kinh tế, môi trường và xã hội, hài hòa lợi ích cộng đồng của nước bạn và Việt Nam. Các ý kiến tham vấn sẽ được tổng hợp, báo cáo lên Chính phủ và được đưa ra tại các phiên họp của Ủy hội sông Mekong quốc tế. Bộ sẽ kiến nghị chủ đầu tư dự án thủy điện Pắc-Beng và nước bạn kéo dài thời gian tham vấn để bổ sung thêm các dữ liệu, số liệu đánh giá rõ hơn các tác động nhằm quản lý tốt nguồn nước trên sông Mekong, bảo vệ bền vững môi trường sinh thái vì lợi ích chung của các quốc gia trong lưu vực. Bộ sẽ kịp thời tham mưu, đề xuất những vấn đề Chính phủ cần đàm phán với nước bạn Lào, thuyết phục Lào tìm các mô hình phát triển kinh tế và năng lượng hiệu quả hơn so với làm thủy điện như: khai thác năng lượng điện mặt trời, điện gió. Bộ TN&MT cũng quan tâm phối hợp Bộ ngành liên quan xây dựng kịch bản để chủ động đối phó với tác động kép từ biến đổi khí hậu và các đập thủy điện xây dựng trên thượng nguồn Mekong.
Bài, ảnh: Khánh Trung