21/04/2019 - 17:27

Ông Sisi sẽ lãnh đạo Ai Cập tới năm 2030? 

Cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp tại Ai Cập, bắt đầu từ 20-4 và kéo dài trong 3 ngày, được dự báo sẽ cho phép Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi tiếp tục lãnh đạo đất nước Bắc Phi gần 100 triệu dân này cho đến năm 2030, đồng thời trao cho quân đội nhiều quyền hạn hơn nữa với danh nghĩa “bảo vệ hiến pháp và nhà nước dân sự”.

Băng rôn kêu gọi ủng hộ sửa đổi hiến pháp có in hình Tổng thống Sisi.

Ai Cập từng nằm dưới sự lãnh đạo của tướng Hosni Mubarak trong đúng 3 thập kỷ cho đến khi ông này bị lật đổ năm 2011 trong cái gọi là cuộc cách mạng Mùa Xuân Arab. Năm 2012, Mohamed Morsi của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo trở thành tổng thống dân sự đầu tiên của Ai Cập nhưng chỉ tại vị được một năm và bị phế truất bởi Bộ trưởng Quốc phòng Sisi, người nắm ghế tổng thống một năm sau đó. Năm 2018, ông Sisi tái đắc cử với tỷ lệ ủng hộ 97% trong cuộc bỏ phiếu chỉ có 41% cử tri tham gia. Nếu trưng cầu dân ý thành công, nhiệm kỳ 4 năm hiện nay của Tổng thống Sisi sẽ được kéo dài thành 6 năm và ông được phép tranh cử nhiệm kỳ ba vào năm 2024.

Những người ủng hộ lập luận rằng việc kéo dài nhiệm kỳ sẽ cho phép Tổng thống Sisi thêm thời gian để hoàn thành các dự án phát triển lớn cũng như cải cách kinh tế. Đầu tuần rồi, Quốc hội qui tụ những người ủng hộ ông Sisi đã thông qua việc sửa đổi hiến pháp với tỷ lệ tán thành lên tới 531/596.

Trong khi đó, phe phản đối tố cáo cựu đại tướng 65 tuổi đang ra sức thâu tóm quyền lực và đưa Ai Cập trở lại với chế độ độc tài.

Theo Reuters, nhiều khả năng hiến pháp sẽ được sửa đổi, nhưng tỷ lệ người đi bầu thực sự là phép thử đối với uy tín của Tổng thống Sisi.

Việc thay đổi hiến pháp để kéo dài nhiệm kỳ tổng thống không phải là hiếm trên thế giới những năm gần đây. Chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ năm 2017 đã sửa đổi hiến pháp để chuyển sang tổng thống chế (xóa bỏ chức danh thủ tướng) và cho phép Tổng thống Tayyip Erdogan tranh cử hai nhiệm kỳ 5 năm liên tiếp, bắt đầu từ năm 2018. Như vậy ông Erdogan, người đã lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2003, có thể tại vị đến năm 2028. Chưa hết, trong trường hợp Quốc hội kêu gọi tổ chức bầu cử sớm trong nhiệm kỳ hai của tổng thống, ông Erdogan có quyền ra tranh cử nhiệm kỳ ba.

Trước đó, Nga hồi năm 2008 cũng đã sửa đổi hiến pháp để kéo dài nhiệm kỳ tổng thống từ 4 năm lên 6 năm và tổng thống được tranh cử hai nhiệm kỳ liên tiếp. Tổng thống Vladimir Putin (làm tổng thống giai đoạn 2000-2008 và thủ tướng những năm 2008-2012) đang ở đầu nhiệm kỳ hai theo hiến pháp mới và sẽ phải rời Điện Kremlin năm 2024. Tuy nhiên, gần đây rộ lên tin Nga có thể sẽ thay đổi hiến pháp, mở đường cho ông Putin kéo dài thời gian lãnh đạo. Cụ thể, trong cuộc họp của đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất vào cuối năm ngoái, Chủ tịch Hạ viện Vyacheslav  Volodin nói rằng hiến pháp hiện hành đã được xây dựng từ 25 năm trước, và dịp kỷ niệm 1/4 thế kỷ áp dụng có lẽ là thời điểm thích hợp để đánh giá lại văn kiện này. Về phần mình, Tổng thống Putin hồi tháng 3-2018 từng khẳng định hiện thời không có ý định thay đổi hiến pháp để ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa, nhưng bổ sung rằng “hiến pháp không phải là một cấu trúc pháp luật hóa thạch mà là một cấu trúc có sự sống, có phát triển” trong một phát biểu 9 tháng sau đó. 

QUỐC KHÁN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Ông SisiAi Cập