01/08/2020 - 07:27

Ông Pompeo bị “dí” 

Bảo vệ quyết định rút quân Mỹ khỏi Đức, Ngoại trưởng Mike Pompeo (ảnh) lại mắc sai lầm khi tuyên bố từng chiến đấu dọc biên giới Đông Đức vào cuối những năm 1980.

Ảnh: EPA

Hôm 30-7, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố quyết định giảm gần 12.000 binh sĩ đang đóng ở Đức. Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper khẳng định đây là chiến lược tái cơ cấu lực lượng Mỹ ở nước ngoài, trong khi phát biểu của Tổng thống Trump lại phơi bày ý định của Nhà Trắng muốn “trừng phạt” Berlin do không đáp ứng chi 2% GDP cho quốc phòng như mục tiêu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hồi tháng 6, trang Fox News còn tiết lộ đây vốn là gợi ý của đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell để trả đũa việc Thủ tướng Angela Merkel từ chối lời mời đến Washington dự hội nghị thượng đỉnh G7 giữa đại dịch COVID-19.

Bất luận nguyên nhân gì, kế hoạch của chính quyền Trump lập tức thu hút chỉ trích từ quốc hội với tâm điểm là phiên điều trần của ông Pompeo tại Thượng viện. Ở buổi chất vấn, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mitt Romney nói rằng ông được biết Chính phủ Đức coi quyết định trên là “hành động xúc phạm”. Chính ông cũng không tưởng tượng được Nhà Trắng có thể đi bước này trong bối cảnh Washington đang cần đồng minh đối phó Trung Quốc. Nghị sĩ Dân chủ Jeanne Shaheen thì chắc nịch rằng Nga là quốc gia duy nhất ủng hộ quân Mỹ rút khỏi Đức.

Trước các câu hỏi dồn dập, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh việc giảm quân số không có nghĩa Mỹ rời bỏ châu Âu. Theo đó, ông đảm bảo Lầu Năm Góc vẫn luôn sẵn sàng trước mọi thách thức từ cường quốc khác trên toàn cầu, rằng Mát-xcơ-va mới phải “lo ngại” khi lính Mỹ được điều đến gần biên giới của họ, dù thực tế các quốc gia nằm trong kế hoạch thuyên chuyển đều không cận kề xứ bạch dương. Sự việc trái khoáy nữa là khi được hỏi về ảnh hưởng quan hệ với Berlin, Ngoại trưởng Pompeo không trả lời trực tiếp nhưng lại nhắc tới  bản thân từng chiến đấu ở biên giới Đông Đức khi tại ngũ. Ông Pompeo giữ chức trung úy trong một trung đoàn xe tăng ở Tây Đức giai đoạn 1986-1991. Nhưng thời gian này biên giới Đông-Tây Đức hoàn toàn yên bình và ông này chưa từng tham gia bất kỳ cuộc chiến nào trong quãng thời gian binh nghiệp.

Liên tiếp bảo vệ ông Trump

Ngay khi phiên điều trần bắt đầu, Tổng thống Trump cùng lúc tải đi thông điệp cho thấy ý muốn hoãn cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Khi được hỏi liệu tổng thống có khả năng thực hiện điều này hay không, ông Pompeo cho biết còn dựa vào Bộ Tư pháp và những cơ quan khác dù theo Hiến pháp Mỹ chỉ quốc hội mới có quyền quyết định ngày bầu cử. Ngoại trưởng Pompeo cũng tránh trả lời liệu Bộ Ngoại giao có chấp nhận kết quả bầu cử tổng thống ngay cả khi ông Trump bác bỏ. Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ từng cho biết ông không chắc sẽ chấp nhận kết quả thua cuộc. Ngoài những vấn đề trên, ông Pompeo cũng bảo vệ chủ nhân Nhà Trắng khi bị chất vấn về cáo buộc Nga treo thưởng giết lính Mỹ ở Afghanistan và những dữ liệu liên quan Ukraine trong quá trình luận tội ông Trump.

Các tiếng nói phê bình của đảng Dân chủ, bao gồm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Menendez, cho rằng mối quan hệ gần gũi giữa vị ngoại trưởng và Tổng thống Trump thực chất là chiến lược chính trị, phục vụ tham vọng cá nhân của ông Pompeo. Chính trị gia 56 tuổi từng tuyên bố ông không có kế hoạch chạy đua vào Thượng viện nhưng nhiều người tin rằng cuối cùng ông sẽ làm như vậy. Trong cuộc phỏng vấn năm ngoái, vị cựu hạ nghị sĩ Cộng hòa này cũng không che giấu ý định tham gia đường đua vào Nhà Trắng khi nói rằng “không có gì tôi từ chối phụng sự vì nước Mỹ”.l

MAI QUYÊN (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết